Temu xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam: Chuyên gia nói về chính sách tiếp thị "quái chiêu" và câu chuyện bản sắc
Temu xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam: Chuyên gia nói về chính sách tiếp thị "quái chiêu" và câu chuyện bản sắc
Nguyễn Thịnh
Thứ sáu, ngày 25/10/2024 12:03 PM (GMT+7)
Temu đang "tấn công" thị trường thương mại điện tử Việt Nam bằng chương trình tiếp thị "độc", chính sách chiết khấu khủng. Mặc dù rất lo ngại, nhưng theo các chuyên gia, nhà bán hàng Việt Nam vẫn nên tự tìm cách thay đổi.
Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 24/10, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã có văn bản chính thức gửi cơ quan này về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam khi gia nhập thị trường.
Temu đang là cái tên gây sốt những ngày qua với chính sách bán hàng giá siêu rẻ, tốc độ giao hàng nhanh. Với việc thị trường thương mại điện tử Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh, Temu không muốn bỏ lỡ "miếng bánh". Cách thức "tấn công", thu hút người tiêu dùng của nền tảng này trông như là đốt tiền, nhưng thực ra đã được tính toán kỹ.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, người dùng có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Trước đó, những nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc khác như Taobao, 1688, Shein cũng đã tiếp cận thị trường Việt Nam.
Không chỉ Temu mà các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc thường có những bước đi chiến lược nhằm chiếm lĩnh thị trường. Chẳng hạn, họ hỗ trợ cho sản phẩm nội địa bằng chính sách miễn phí vận chuyển hoặc tặng phiếu giảm giá (voucher). Ngược lại, hàng Việt sẽ không được hưởng chính sách này. Chưa kể, các sàn này cũng tính phí phải trả của doanh nghiệp Việt Nam cao hơn.
Với Temu, họ "mở màn" tung ra Chương trình tiếp thị liên kết (affiliate marketing) chiết khấu tới 30%. Cụ thể, nếu nhấp vào đường link quảng cáo và cài đặt ứng dụng Temu, người dùng nhận ngay 50.000 đồng vào tài khoản. Nếu chia sẻ link và có người đăng ký, người dùng nhận tiếp 150.000 đồng. Với những người có lượng theo dõi lớn trên Youtube hay Tiktok, số tiền thưởng còn cao hơn.
Nói dễ hiểu hơn, Temu mạnh tay chi hoa hồng tới 30% cho những người tham gia giới thiệu người dùng mới. Temu còn áp dụng mô hình tiếp thị "đa cấp" khi cho phép những người làm affiliate giới thiệu người khác tham gia để nhận thêm 20% hoa hồng từ thu nhập của những người mà họ giới thiệu.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Dương, chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị liên kết, CEO của Công ty DTC Việt Nam cho rằng chương trình tiếp thị liên kết với tỷ lệ hoa hồng cao "không tưởng" là chiến lược truyền thông cực kỳ khôn ngoan của Temu.
"Chính sách tiếp thị của Temu có thể coi là quái chiêu trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử rất cạnh tranh. Họ thu hút người dùng theo cách tưởng như đốt tiền nhưng thực tế lại được tính toán kĩ lưỡng. Việc tạo làn sóng chia sẻ link là nước đi giúp Temu từng bước cạnh tranh với các đối thủ lớn như Shopee, Lazada", ông Dương nói.
Doanh nghiệp Việt không nên quá lo ngại vì Temu?
Với người tiêu dùng, Temu xuất hiện sẽ mang đến kho hàng hoá phong phú, đa dạng. Temu sẽ giúp thị trường mua sắm trực tuyến phát triển hơn, thu hút thêm nhiều người tiêu dùng yêu thích việc mua sắm online và mở rộng thị phần của thương mại điện tử trong thị trường bán lẻ nói chung.
Tuy nhiên giá rẻ cũng chưa hẳn là yếu tố quyết định hút người tiêu dùng. Chị Thu Hiền (Hà Nội), người có kinh nghiệm 5 năm bán hàng trên sàn thương mại điện tử, chia sẻ rằng yếu tố chất lượng sản phẩm và hậu mãi mới quyết định giữ chân người tiêu dùng. Nếu sản phẩm đến tay người dùng không đúng như quảng cáo thì việc họ quay lại là không cao.
Hiện nay, đa số hàng hóa trên Temu không có thương hiệu, giá trị thấp và được cung ứng xuyên biên giới. Chất lượng thực tế, độ bền của sản phẩm của sàn này cũng chưa được kiểm chứng. Vì hoa hồng hấp dẫn, nhiều người làm affiliate marketing có thể bất chấp mọi cách, quảng cáo sai tính năng, sản phẩm.
"Xây dựng thói quen mua sắm của người tiêu dùng không phải ngày một ngày hai. Một lần bất tín vạn lần bất tin, chúng tôi luôn tâm niệm điều này trong bối cảnh người tiêu dùng thông thái hơn xưa rất nhiều", chị Thu Hiền nói.
Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Văn Dương khẳng định, các nhà bán hàng, doanh nghiệp Việt cũng từ đây cần có sự thay đổi: "Thay vì cạnh tranh trực tiếp về giá, nhà bán hàng có thể tập trung vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp Trung Quốc không thể cạnh tranh mạnh. Chẳng hạn như sản phẩm đặc trưng địa phương, dịch vụ hậu mãi tốt, và sự am hiểu thị trường nội địa", ông Dương nói.
Ông Trần Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Viking Việt Nam nhấn mạnh, những thay đổi mà doanh nghiệp Việt, các nhà bán lẻ cần làm rất rõ ràng, đó là cải tiến hệ thống logistics, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, nhằm phân tích hành vi người tiêu dùng, phải tối ưu hóa quy trình vận hành, nhằm giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng đáp ứng.
"Thế mạnh của doanh nghiệp Việt là các mặt hàng đặc trưng như nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, thời trang truyền thống. Tận dụng công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất, tăng yếu tố nội địa thì doanh nghiệp vẫn tạo nên sự cạnh tranh độc đáo", ông Sơn chia sẻ thêm.
Về chính sách bảo vệ hàng nội địa, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho rằng nhà chức trách cần rà soát, áp mức thuế phù hợp với hàng hóa chưa tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ thuế. Họ cũng có thể sử dụng các biện pháp quản lý chống cạnh tranh không lành mạnh, tuân thủ pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.
Trước đó, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã đề nghị thu thuế VAT với hàng hóa dưới 1 triệu đồng thông qua các sàn thương mại điện tử.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.