Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 71 tỷ USD: Giải bài toán logistic "đắt đỏ", giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 71 tỷ USD: Nhiều lợi thế cạnh tranh, giải bài toán logistic "đắt đỏ"
Thế Anh
Thứ bảy, ngày 02/12/2023 06:30 AM (GMT+7)
Lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, vận tải hàng hoá thông qua đường sắt có nhiều loại hàng có yêu cầu đặc thù về điều kiện, tốc độ vận chuyển, giảm chi phí logistic đang rất cao ở Việt Nam.
Bộ Xây dựng đã thống nhất với phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam theo kịch bản 3. Qua đó, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có thiết kế đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu, tốc độ thiết kế 350 km/h.
Đường sắt tốc độ cao sẽ chạy 350 km/giờ, khai thác riêng tàu khách và nâng cấp tuyến đường sắt Bắc -Nam hiện hữu để vận tải hàng hóa; xây mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435mm, tốc độ 250 km/giờ, kết hợp cả tàu hàng và tàu khách; xây mới tuyến đường sắt đôi khổ 1.435mm, tốc độ 350 km/giờ khai thác tàu khách và có thể vận tải hàng hóa khi xuất hiện nhu cầu; đồng thời nâng cấp tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện hữu để vận tải hàng hóa.
Tổng vốn đầu tư dự án theo kịch bản 3 dự kiến khoảng 71,60 tỷ USD, trong khi đó với kịch bản 1 và kịch bản 2, con số đầu tư dự kiến khoảng 67,32 tỷ USD và 72,02 tỷ USD.
Nói về phương án mà Bộ Xây dựng thống nhất, lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, phát triển được đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp cho ngành đường sắt có nhiều lợi thế cạnh tranh với các phương thức vận tải khác.
"Nếu giải phóng việc vận tải tuyến đường sắt hiện hữu Bắc - Nam khỏi chức năng chở khách, tập trung vận tải hàng hóa, hoàn thành kết nối với các cảng biển, nút giao thông đường bộ sẽ đáp ứng được yêu cầu vận tải khối lượng hàng hóa rất lớn", lãnh đạo Tổng công ty đường sắt chia sẻ.
Lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, vận tải hàng hóa thông qua đường sắt có nhiều loại hàng có yêu cầu đặc thù về điều kiện, tốc độ vận chuyển, giảm chi phí logistic đang rất cao ở Việt Nam.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần giảm áp lực đô thị hóa với việc phát triển đô thị vệ tinh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công nghiệp, phát triển du lịch,...
Trong ngày 1/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã làm việc với Bộ GTVT và một số bộ, ngành liên quan đến Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu phân tích, đánh giá kỹ tác động, hiệu quả tổng thể của đường sắt tốc độ cao đối với nền kinh tế trong từng phương án về tốc độ, kết hợp vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cấp, tận dụng tuyến đường sắt hiện hữu; tối ưu hóa năng lực khai thác, vận hành của các phương thức, hệ sinh thái vận tải khác nhau (đường bộ, đường hàng không, đường thủy, đường biển)…
Cùng với đó, cần học hỏi kinh nghiệm của thế giới để phân tích ưu điểm, nhược điểm khi kết hợp giữa vận tải hành khách và hàng hóa, giữa tuyến đường sắt tốc độ cao mới và tuyến đường sắt hiện hữu, phương án phát triển khu đô thị vệ tinh, hệ thống logistic, du lịch, khả năng tiếp nhận và làm chủ công nghệ….
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT, đơn vị tư vấn huy động, hợp tác với các viện nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu thế giới để đánh giá tác động của dự án đường sắt tốc độ cao đối với ổn định vĩ mô, hiệu quả kinh tế - xã hội tổng thể, hiệu quả sử dụng đất, phương án tài chính, sử dụng nguồn lực do dự án mang lại…
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về phương hướng đặt hàng phát triển nguồn nhân lực; hình thành ngành công nghiệp đường sắt tốc độ cao; tổ chức bộ máy, quản trị hạ tầng khai thác; dựa trên yêu cầu, tiến độ.
Bộ Xây dựng cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được làm mới hoàn toàn với 60% là cầu, 10% hầm, 30% chạy trên nền đất.
Cùng đó, toàn tuyến có 23 ga khách, 5 khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng, 40 cơ sở bảo trì hạ tầng, 5 ga hàng, 4 đề pô, 28 km tuyến nối ga để khai thác chạy tàu hàng khi nhu cầu hàng hóa vượt quá năng lực khai thác.
Dự án cần mua sắm 74 đoàn tàu động lực phân tán, với 1.184 toa xe, năng lực chạy tàu đáp ứng 175 đôi tàu/ngày đêm (đường sắt tốc độ cao 150 đôi tàu, đường sắt hiện hữu 25 đôi tàu), vận chuyển khoảng 133,5 triệu hành khách/năm và 20 triệu tấn hàng hóa/năm.
Bộ Xây dựng cho rằng, hiện nay, đề án chưa thể hiện rõ việc nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam bằng khổ đường cụ thể nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.