Trần Tuấn
Chủ nhật, ngày 04/10/2020 07:32 AM (GMT+7)
Xã Nguyên Xá (Đông Hưng) có tới 25 cơ sở chuyên sản xuất bánh cáy nhưng cơ sở Thiên Đức là đơn vị đầu tiên tham gia OCOP được các cán bộ chuyên môn giúp đỡ.
Chia sẻ với phóng viên về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Thái Bình, ông Vũ Công Bình - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng dựng nông thôn mới tỉnh Thái Bình cho hay, tỉnh đã tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh làm trước như Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Sơn La, Hòa Bình. Sau đó, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng huyện, từng xã, từng doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã lựa chọn 30 sản phẩm của 21 đơn vị để làm OCOP.
Trong đó, nhóm sản phẩm chiếm ưu thế nhất là nông sản tươi thô và sơ chế, thịt tươi, thủy sản nước ngọt, nước mắm tươi, đồ chế biến từ rau, củ, quả, chế biến từ thịt cá, lương thực, với những sản phẩm tiêu biểu như: Nước mắm Diêm Điền, nước mắm Thái Bình (Thái Thụy), mắm cáy Hồng Tiến (Kiến Xương), bánh đa Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ), bánh cáy làng Nguyễn (Đông Hưng), kẹo lạc, kẹo dồi (Hưng Hà)...
Xã Nguyên Xá (Đông Hưng) có tới 25 cơ sở chuyên sản xuất bánh cáy nhưng cơ sở Thiên Đức là đơn vị đầu tiên tham gia OCOP được các cán bộ chuyên môn giúp đỡ. Chủ cơ sở cho hay, tham gia Chương trình OCOP, chất lượng bánh cáy của Thiên Đức ngày càng nâng cao, thương hiệu dần được khẳng định.
Ông Đỗ Quý Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, Chánh văn phòng Điều phối xây dựng dựng nông thôn mới tỉnh chia sẻ: "Làm OCOP ở Thái Bình sẽ không rầm rộ nhưng chắc chắn, số cơ sở tham gia Chương trình OCOP qua mỗi năm sẽ tăng theo cấp số cộng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.