Vườn lan rừng của gia đình anh Nguyễn Như Sơn ở thôn Trung Hòa ngày giáp tết, ngoài những giò lan đai châu đang độ nở bông, còn lại đều “ngủ im” chưa vào mùa.
Nhìn những cây lan rừng không khác gì những cành củi khô, vậy nhưng anh Sơn bảo vườn lan rừng rộng 120m2 này trị giá hơn nửa tỷ đồng. Nhiều giò lan rừng quý trị giá hàng triệu đồng, thậm chí như hoa lan phi điệp đột biến chỉ một nhánh nhỏ cũng có giá vài triệu đồng.
Anh Sơn chia sẻ, hơn 10 năm trước anh là người có vườn hoa phong lan đầu tiên ở xã Bách Thuận. Trước kia anh chỉ nhập lan rừng ở khắp nơi về để kinh doanh, cung cấp cho người chơi lan.
Nhưng càng chăm lan rừng anh càng đam mê với thú chơi tao nhã này. Sau đó, ngoài kinh doanh lan giống, anh còn nhận ghép lan rừng vào giá thể cho khách và xây dựng 1 nhà lưới để ươm phong lan.
Tuy vườn lan của gia đình anh chỉ rộng 120m2 nhưng thiết kế giá treo nhiều tầng nên chứa được gần 1.000 giò lan rừng các loại.
Có lẽ đã quá gắn bó và hiểu cây hoa lan nên dù nhiều người thấy cây lan rừng khó chăm nhưng anh Sơn cho rằng lan không khó ươm và chăm sóc.
Điều quan trọng là người trồng lan rừng phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ. Cây lan rừng phụ thuộc vào tiểu khí hậu vườn nuôi và là cây ưa ẩm nên dưới mặt đất anh Sơn trồng kín cây hoa lan ý (còn gọi là hoa bạch môn) nhằm giúp vườn râm mát, giữ ẩm và hút khí độc trong không khí, bên trên anh treo lan rừng.
Mùa hanh khô anh phải thường xuyên phun nước cho lan rừng. Để phòng bệnh cho cây hoa lan rừng, anh mày mò thử nghiệm và tìm ra các cách phòng, điều trị một số bệnh nấm mốc, thối thân ở lan rất hiệu quả và an toàn.
Đó là anh phun tưới 2 lần/tuần bằng nước vôi trong; xay gừng tươi ngâm nước phun cho vườn lan rừng. Nhờ cách làm này, vườn lan rừng nhà anh Sơn không phải sử dụng thuốc hóa học mà cây hoa phong lan vẫn phát triển khỏe, an toàn, thậm chí anh còn chủ động cho hoa lan nở sớm hay muộn hơn 1 - 2 tháng so với chu kỳ thông thường của cây.
Để đáp ứng nhu cầu chơi hoa phong lan rừng cao cấp của nhiều khách sành chơi, anh Sơn mua những thân gỗ lũa to, ghép các loại hoa lan quý như hoa lan đai châu, hiện nhiều khách đã trả 50 triệu đồng/cặp gỗ lũa ghép lan nhưng anh Sơn vẫn muốn chăm cho thật đẹp mới bán.
Hiện vườn rừng của gia đình anh có đủ các loại hoa lan, trong đó có nhiều loại hoa lan quý như hoa lan tam bảo sắc, hoa lan phi điệp, hoa lan đai châu, hoa lan hạc vỹ thiên cung, hoa lan chân rồng, thảo kèn, kiều...
Cùng với kinh doanh lan rừng giống, ghép lan thuê cho khách và trồng khoảng 1 vạn khóm lan ý, mỗi năm gia đình anh Sơn có thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
Xuất phát điểm ban đầu là thú chơi tao nhã, nhờ nhạy bén, năng động, giờ đây anh Sơn đã trở thành ông chủ trẻ thành công.
Đặc biệt, anh không giấu nghề trồng lan rừng, kinh doanh lan rừng mà còn động viên, hướng dẫn kinh nghiệm cho nhiều bạn bè, anh em ở trong và ngoài xã Bách Thuận, đến nay có gần 10 vườn lan khác đã hình thành và cho thu nhập khá.
Nếu anh Sơn chơi toàn bộ hoa lan rừng thì vườn lan của gia đình ông Hoàng Văn Thiều ở thôn Bách Tính lại chủ yếu là các loại lan được ươm giống từ nhà kính của các trung tâm nghiên cứu tại Hà Nội chuyển về như lan hồ điệp, denro, đai châu Thái, trầm, điệp, vũ nữ...
So với lan rừng, giống lan nhà kính (lan công nghiệp) này khó chăm sóc hơn nhưng lại có ưu thế là đa dạng về màu sắc, bông hoa lan to hơn.
Ông Thiều cho biết: Mỗi loại lan có một đặc tính khác nhau, ví dụ có loại ưa nắng 90% nhưng có loại chỉ ưa nắng 70% nên treo lan cao thấp như thế nào cũng cần có sự tính toán của người chăm; hoặc có loại ưa nước có loại lại cần “cắt nước” vào thời điểm nào để hoa nở đúng mùa...
Ở tuổi gần 60 mới bắt đầu chơi lan, ban đầu ông Thiều cũng gặp khó khi chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho cây. Nhưng với lòng yêu lan, chịu khó tìm tòi, thậm chí không ngại học hỏi cả những người bạn trẻ tuổi hơn mình như anh Sơn, đến nay, ông Thiều đã nắm khá vững kỹ thuật chăm sóc các loại lan rừng và lan công nghiệp. Mỗi năm gia đình ông xuất bán ra thị trường hàng trăm giò lan, thu về hàng trăm triệu đồng, giúp nâng cao đời sống.
Ông Nguyễn Kim Sáu, Phó Chủ UBND xã Bách Thuận cho biết: Lợi thế của người dân làng vườn Bách Thuận là có kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại hoa, cây cảnh rất tốt, lại thêm tính năng động, sáng tạo nên nhiều hộ đã mạnh dạn du nhập nghề trồng hoa lan về địa phương.
Chơi hoa lan là thú chơi tao nhã, ngày càng có nhiều người ưa chuộng, vì vậy thị trường tiêu thụ hoa lan rất rộng mở. Cái khó nhất của các hộ phát triển vườn lan là điều kiện thời tiết miền Bắc khá thất thường hay có mưa, bão vì thế thường gây thiệt hại lớn cho người trồng.
Tuy nhiên, có thể hạn chế thiệt hại bằng cách chủ động thu dọn, cất hoa lan ở chỗ an toàn tạm thời. Ngoài ra, người trồng hoa lan mới tự tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc lan chứ chưa tổ chức tập huấn kỹ thuật cho bà con.
Mặc dù nhiều khó khăn nhưng hiện xã Bách Thuận đã có hơn 10 vườn lan, tiêu biểu như vườn lan của gia đình anh Sơn, ông Thiều... Mỗi vườn lan cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho các gia đình, mỗi giò phong lan khoe sắc còn minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo của người làng vườn và tô điểm làm đẹp khắp mọi miền quê.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.