Tham gia BHXH tự nguyện để bớt nỗi lo tuổi già

PV Thứ bảy, ngày 05/12/2020 09:05 AM (GMT+7)
Đó là tâm lý của nhiều người dân tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) khi tham gia BHXH tự nguyện.
Bình luận 0

Tin tưởng vào chính sách BHXH tự nguyện

Cách đây vài tháng, chị Bạc Thị Kim Phượng, thôn 1, xã Hoà Phú, TP Buôn Ma Thuột chia sẻ, chị và chồng đã tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 9/2020. Mỗi tháng, chị đóng 276.000 đồng cho cả 2 vợ chồng. Đó là số tiền mà chị có thể dành dụm được sau khi trừ các khoản chi tiêu trong gia đình. 

Chị chia sẻ: "Trước đó, tôi không biết đến BHXH tự nguyện nhưng được nhân viên bưu điện và BHXH tư vấn về lợi ích thiết thực của BHXH tự nguyện nên tôi và chồng đã tham gia. Khi còn trẻ thấy những người già được nhận lương hưu, bạn bè mình được nhận lương hưu, tôi cũng mong muốn được đến ngày nhận. Nếu mình có lương hưu thì mình sẽ chủ động hơn trông một số chi tiêu, không phải xin con nữa, đỡ vất vả cho các con. Nếu tôi biết sớm hơn về chính sách BHXH tự nguyện thì tôi sẽ tham gia sớm hơn". 

'Mong muốn được nhận lương hưu, ổn định cuộc sống nên tôi tham gia BHXH tự nguyện' - Ảnh 2.

Chị Hạnh cho biết mình sẽ sớm đăng ký tham gia BHXH tự nguyện

Theo chị Phượng, gia đình chị 8 người đều đã tham gia BHYT. Hơn ai hết, chị đã "thấm thía" được lợi ích của thẻ BHYT khi chồng chị bị ung thư vòm họng, phải điều trị 6 năm tận BV Ung bướu TP HCM. Số tiền viện phí đã lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ có BHYT mà chị chỉ còn phải đóng hơn 200 triệu đồng.

"Nhờ thẻ BHYT mà chồng tôi được cứu, gia đình tôi không rơi vào khánh kiệt. Đây là một chính sách rất tốt của nhà nước, đã giúp đỡ không biết bao nhiều người dân khó khăn, bạo bệnh. Do đó, tôi và chồng rất sẵn sàng tham gia BHXH tự nguyện, một chính sách nhân văn của Nhà nước, để bảo vệ mình khi về già". chị Phượng cho biết.

Chị Phượng cũng cho biết thêm hiện gia đình 8 người đều tham gia BHYT, không may chồng chị bị ung thư, nhưng nhờ có thẻ BHYT nên trong 6 năm điều trị ung thư vòm họng tại BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh được BHYT hỗ trợ chi trả nên gia đình phải đóng trên 200 triệu.

Biết được những lợi ích của BHXH tự nguyện, chị Nguyễn Thị Thu Hạnh (47 tuổi ở thôn 1, xã Hoà Phú, TP Buôn Ma Thuột) cũng rất "thèm" được tham gia, "thèm" được có lương hưu khi về già. Gia đình chị cũng đã có người tham gia BHXH tự nguyện.

"Hiện tôi vừa trồng trọt, vừa tham gia buôn bán nhỏ, thu nhập cũng hơn 3 triệu đồng/tháng. Nếu cân đối thu chi trong nhà, tôi cũng có thể dành dụm được khoản tiền để đóng BHXH tự nguyện. Tôi đang nghe thêm tư vấn của các cán bộ BHXH để lựa chọn mức đóng phù hợp nhất", chị Hạnh nói.

Tham gia BHXH tự nguyện để bớt nỗi lo tuổi già - Ảnh 2.

Người dân chăm chú xem tờ rơi tại một Hội nghị tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT của TP Buôn Ma Thuột

Nhờ người có lương tuyên truyền BHXH tự nguyện

Ông Nguyễn Sỹ Linh- Giám đốc Bưu điện TP Buôn Ma Thuột cho hay, để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH TP đã phối hợp với Bưu điện TP tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền cho bà con. Sau khi được nghe tuyên truyền, hiểu về chính sách, nhiều người dân đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện ngay tại Hội nghị. 

Như tại Hội nghị tuyên truyền tại xã Hoà Phú, TP Buôn Ma Thuột ngày 25/11 vừa qua đã có 30 người dân xã Hoà Phú đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện...

"Trước đây, công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn vì người dân chưa quan tâm, rồi người dân nhầm lẫn BHXH tự nguyện với bảo hiểm thương mại. Tuy nhiên hiện nay chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, và đa dạng hoá việc tuyên truyền", ông Linh nói. 

Theo ông Linh, một biện pháp hữu hiệu giúp tuyên truyền hiệu quả, đó chính là nhờ chính những người đã tham gia BHXH được hưởng lương hưu, hoặc nhờ những người tham gia BHXH tự nguyện đã được hưởng lương hưu để tuyên truyền, vận động người dân chưa tham gia, nên người dân đã hiểu hơn, tham gia nhiều hơn. 

Ngoài ra, cán bộ BHXH, đại lý thu của Bưu điện xuống tận thôn, bon để tiếp cận với những đối tượng là nông dân và lao động phi chính thức, vận động họ thay đổi nhận thức, chủ động tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống khi về già...

Ông Linh chia sẻ, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhận thức của nhiều người dân, lao động tự do đã thay đổi và họ bắt đầu tìm hiểu, tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến cuối tháng 10/2020, toàn tỉnh phát triển được 11.984 người. Trong đó, những huyện đạt tỉ lệ cao là M’Drắk 86,59% (phát triển 678 người), Buôn Đôn 83,45% (phát triển 605 người), Cư M’gar đạt 76,25% (phát triển 1.419 người), Krông Pắc đạt trên 63% (phát triển 1.249 người)… 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện theo chỉ tiêu giao ở các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều trở ngại. Điều này dẫn tới những thách thức không nhỏ trong bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng BHXH tự nguyện trong năm 2020.

Theo BHXH tỉnh Đắk Lắk, tính đến hết tháng 10/2020, số người tham gia BHXH là 112.955 người, trong đó: BHXH bắt buộc là 100.791 người, giảm 327 người so với cùng kỳ năm 2019, đạt 94,37% kế hoạch BHXH Việt Nam giao;

BHXH tự nguyện là 11.984 người, tăng 5.593 cùng kỳ năm 2019, đạt 63,16% kế hoạch BHXH Việt Nam giao;

Bảo hiểm thất nghiệp 88.834 người, tăng 187 cùng kỳ năm 2019, đạt 93,50% kế hoạch BHXH Việt Nam giao;

BHYT 1.649.766 người, tăng 25.302 người cùng kỳ năm 2019, đạt tỷ lệ bao phủ 88,93% dân số (năm 2020 Chính phủ giao cho tỉnh Đắk Lắk là 90%).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem