Báo Dân Việt mở cuộc thi viết "Ăn Tết thời Covid"`
Tham gia cuộc thi viết "Ăn Tết thời Covid" trên báo điện tử Dân Việt
Báo Dân Việt
Thứ tư, ngày 10/02/2021 15:24 PM (GMT+7)
Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Báo điện tử Dân Việt mở cuộc thi viết với chủ đề "Ăn Tết thời Covid", nơi bạn đọc có thể chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm, cảm xúc không thể quên về một dịp Tết Nguyên đán diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Báo điện tử Dân Việt lần đầu tiên mở cuộc viết dành cho bạn đọc với chủ đề "Ký ức Tết trong tôi", là nơi bạn đọc có thể chia sẻ về những ký ức không phai về Tết - một ngày lễ đặc biệt trong truyền thống của người Việt.
Cuộc thi viết đã thu hút được sự tham gia của đông đảo bạn đọc trên toàn quốc với hàng trăm bài viết gửi về tòa soạn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, trong số đó có hàng chục bài viết chất lượng, được đăng tải liên tục từ những ngày giáp Tết tới hết rằm tháng Giêng.
Ban Tổ chức cuộc thi cũng đã lựa chọn được 1 giải Nhất (trị giá 5 triệu đồng), 2 giải Nhì (trị giá 3 triệu đồng/giải), 3 giải Ba (trị giá 2 triệu đồng/giải) và 5 giải Khuyến khích (1 triệu đồng/giải) để trao cho các tác phẩm xứng đáng nhất.
Tiếp nối năm trước, dịp Tết Nguyên đán năm nay, Báo điện tử Dân Việt lại mở cuộc thi viết với chủ đề "Ăn Tết thời Covid". Như chúng ta đã biết, khi dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tới gần cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát trở lại rất mạnh mẽ tại nhiều thành phố lớn, từ Quảng Ninh tới Hải Dương, rồi lây lan ra Hải Phòng, Bắc Ninh… tới Hà Nội và TP.HCM.
Đã có nhiều thành phố lớn phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội hoặc phong tỏa ở một số khu vực nhất định như tại TP.HCM, tại TP.Chí Linh (Hải Dương)... Nhiều tỉnh thành cũng đã hạn chế việc đi lại của người dân cũng như kiểm soát gắt gao người về từ những tỉnh, thành đang có dịch diễn biến phức tạp.
Tết Tân Sửu 2021 là Tết Nguyên đán đầu tiên mà nhiều gia đình sẽ không thể đoàn tụ, sum vầy, nhiều người con xa nhà sẽ không thể về quê cùng người thân quây quần bên nồi bánh chưng, mâm cơm đêm giao thừa… Tất cả những mong đợi đoàn tụ cuối năm của hàng vạn người sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng tất cả đều vì một tinh thần quyết tâm chống dịch Covid-19 tới cùng.
Cuộc thi "Ăn Tết thời Covid" của báo Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, chưa đăng tải trên báo chí-BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của những người con phải xa quê hương, xa gia đình; của những người làm cha, làm mẹ không thể đoàn tụ với con cháu; của những người lính, những cán bộ chiến sỹ, y bác sỹ… vì cuộc chiến chống giặc Covid-19 mà phải rời xa gia đình làm nhiệm vụ… Tất cả những cảm xúc đó sẽ là cảm hứng chủ đạo trong những bài viết tham gia cuộc thi "Ăn Tết thời Covid".
Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi "Ăn Tết thời Covid" gồm:
1 Giải Nhất trị giá 5 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
2 Giải Nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
3 Giải Ba mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
5 Giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng và Giấy chứng nhận.
Thể thức cuộc thi viết:
- Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email thoisu@danviet.vn (hoặc số điện thoại: 0903.222411 để hỏi thêm chi tiết) trong thời gian 10 ngày, từ ngày 10/2 (tức 29 Tết) tới hết ngày 20/2 (tức mồng 9 Tết Nguyên đán Tân Sửu). Các bài viết thuộc thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
- Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng (trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất).
- Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Và sau đây, xin mời bạn đọc cùng theo dõi bài dự thi đầu tiên của cuộc thi viết "Ăn Tết thời Covid".
Bài dự thi số 1:
Tết đầu tiên xa quê vì Covid – 19: Năm có 2 giao thừa!
28 Tết, Hà Nội mưa và lạnh. Qua cửa sổ, ngó từng đoàn xe nối đuôi nhau, chất chồng đào, quất, bánh trái hướng ra ngoại thành trong cái tiết trời u ám cuối đông, tôi có chút chạnh lòng. Nếu không vì dịch bệnh Covid – 19 lây lan, khiến quê tôi (TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương) bị phong tỏa từ ngày 28/1 (16 tháng Chạp) đến hết ngày 17/2 (mùng 6 Tết Tân Sửu) thì có lẽ giờ này, gia đình tôi cũng đang chen chúc trong dòng người hối hả mà háo hức kia…
Vợ chồng tôi cùng quê, dù lập nghiệp ở Hà Nội gần 15 năm trời nhưng chúng tôi chưa khi nào ăn Tết tại thủ đô. Quan niệm "Bố mẹ ở đâu, Tết ở đó" là suy nghĩ thường trực trong chúng tôi. Nên bao giờ cũng vậy, xong xuôi mọi việc, gia đình tôi sẽ về quê ăn Tết từ ngày 28, 29 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết mới trở lại Hà Nội.
Năm nay hoàn toàn khác. Gia đình tôi đón một cái Tết đặc biệt: Cái Tết đầu tiên xa quê, cái Tết đầu tiên, con cái không được ở gần bố mẹ, cháu chắt không được ở bên ông bà! Thậm chí, nơi bố mẹ tôi sinh sống, xóm giềng chỉ có thể chúc Tết nhau qua điện thoại. Nhiều anh, chị em, bạn bè, thậm chí cháu tôi sẽ đón giao thừa trong khu cách ly tập trung.
Bơ vơ chính xác là cảm giác thực sự của chúng tôi những ngày cận Tết này. Bởi dù có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp trân quý ở Hà Nội, nhưng không được về quê ăn Tết, nghĩa là không được sắm sửa dù chỉ là gói bánh mứt, cành đào Tết cho bố mẹ, nghĩa là không được ra đồng, lên núi thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết; nghĩa là không được đụng lợn tất niên với họ hàng cô bác; nghĩa là lũ trẻ con không được xúng xính áo dài Tết được các ông, các bà, các cô, các chú tới tấp lì xì may mắn; nghĩa là lời hứa "Tết cháu về thăm" không thực hiện được… Cái cảnh "sảy nhà" dịp Tết thật lắm tâm tư!
Cậu em con chú tôi đóng quân ở Bắc Giang hay đứa em bằng tuổi chạy xe container đường dài đang ở Thái Nguyên, cả năm chỉ có mỗi ngày Tết được về nhà, nay cũng đành lỗi hẹn. Mấy anh chị em bạn bè đồng hương Chí Linh chúng tôi, phần lớn, đều đang thuộc diện bị cách ly tại nhà (do đi từ Chí Linh lên hoặc gặp gỡ người nhà ở Chí Linh trong thời gian phát dịch) đùa nhau mà thấy buồn buồn: "Hay là tụi mình lập nhóm Ăn tết xa quê trên mạng cho đỡ buồn".
Vậy nhưng, nỗi niềm của người ở xa như chúng tôi, có lẽ, chưa chắc đã rưng rức bằng người ở nhà. Bố mẹ tôi buồn vì không được gặp cháu. Buồn vì cách các cô dì, chú bác họ hàng vài cây số mà không thể gặp. Buồn vì xóm giềng, làng xóm cả năm ngó mặt nhau, ngày Tết lại chẳng thể sang chúc một câu làm ăn tấn tới. Thậm chí, cả nhà đi cách ly, mấy ngày Tết, cũng chẳng sắp được mâm cỗ cúng tổ tiên ông bà!
Nhưng rồi, chúng tôi, dù ở trong quê hay ở xa quê, vẫn phải cố gắng nhanh chóng thiết lập một sự cân bằng, "bình thường" mới. Bởi với cuộc chiến chống dịch căng thẳng đến từng giây phút này, mọi sự xao nhãng, yếu lòng hay buông thả… dù chỉ là 1 chút, đều gây những hậu quả nặng nề, và ảnh hưởng đến rất nhiều người. Hơn nữa, chúng tôi luôn tin rằng, không trải nghiệm trong cuộc sống là không có giá trị. Chúng tôi muốn biến 1 cái Tết buồn rầu vì Covid thành một cái Tết nghĩa tình mùa Covid.
Không được về nhà dịp Tết, nhưng ngày nào, vợ chồng con cái tôi cũng gọi điện ông bà nội ngoại, cho anh chị, cho các cháu đang ở khu cách ly tập trung. Chúng tôi lập các nhóm chat gia đình để kịp thời chia sẻ, thông báo những khó khăn ở nhà để tìm cách khắc phục. Gia đình tôi gửi khẩu trang, sát khuẩn cho cô dì chú bác thay quà biếu Tết. Cách vài cây số, mẹ tôi đóng quà thành từng phần nhờ gửi biếu cho các cô, các chú, các ông, các bà. Từ nỗi buồn vì không có con cháu về coi như không có Tết, bố mẹ tôi cũng đã dọn dẹp nhà cửa, đặt mua một cây đào phai để chuẩn bị đón Tết.
Quê tôi năm nay, nồi bánh chưng của những gia đình không phải cách ly đầy lên gấp đôi. Bởi có thêm phần bánh để tặng cho những gia đình không thể gói. Anh tôi đang ở khu cách ly Đại học Sao Đỏ cơ sở 2 (TP.Chí Linh, Hải Dương) sáng nay vừa khoe, các gia đình trong khu cách ly của anh vừa nhận được bánh chưng và giò ăn Tết.
Hàng trăm chuyến xe hỗ trợ Chí Linh chống dịch đã lăn bánh ngay từ những ngày đầu công bố dịch, hàng nghìn ngưởi dân ở tại Chí Linh, người làm nhiệm vụ ở các chốt dịch, người tự nguyện nấu cơm làm công tác hậu cần, động viên tư tưởng, hỗ trợ cho người cách ly… Kết quả, đến nay, ổ dịch tại Chí Linh được công bố đã cơ bản khống chế. Và cho tới thời điểm này, không khu cách ly tập trung nào ở quê tôi, thiếu sắc hoa đào.
Còn tôi, cũng bắt đầu hành trình trải nghiệm một cái Tết "trưởng thành" đầu tiên thay vì ăn Tết ở nhà với bố mẹ. Chưa phải sắm gì, trên bàn nhà tôi đã có đôi cặp bánh chưng, một lọ dưa hành, mấy quả bưởi Diễn và vài nải chuối quê… Đó là quà các anh chị đồng nghiệp mang tới cho gia đình tôi khi biết chúng tôi ăn Tết xa nhà!
Còn vài tiếng nữa sẽ đến giao thừa. Cháu tôi học lớp 6 đang cách ly cùng các bạn ở Trường THCS Sao Đỏ (TP.Chí Linh) đang đếm từng giờ với hy vọng được về nhà trước Tết. Mẹ cháu (chị chồng tôi) đã nói với con rằng: "Con yên tâm, nếu con không thể về nhà trước Tết, ngày nào mẹ cũng sẽ hai buổi đứng trước cổng trường để nói chuyện với con. Khi nào con về, nhà mình sẽ lại đón Tết lần nữa".
Sẽ là như thế. Năm nay, chúng tôi – những người con của Chí Linh sẽ có 2 giao thừa. Một giao thừa của trời đất trong mùa chống dịch và một giao thừa của lòng người trong ngày công bố hết dịch! Và tôi tin rằng, ngày đó, sẽ rất gần!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.