Thanh long “long đong” trên đất Long An, nhiều nông dân phá vườn nhưng vẫn chưa biết trồng cây gì

Trần Đáng Thứ ba, ngày 19/01/2021 05:31 AM (GMT+7)
Thất vọng với giá thanh long xuống thấp kéo dài, nhiều nông dân ở Long An đã chặt phá vườn thanh long để chuyển sang cây trồng khác với hy vọng giá tốt hơn. Tuy nhiên, trồng cây gì vẫn đang là bài toán chưa có lối ra cho nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh này...
Bình luận 0

Vài năm trước, thấy nông dân nơi khác phất lên nhờ cây thanh long, nông dân xã Đức Tân (huyện Tân Trụ) đã đổ xô trồng, dù nơi này đất nhiễm mặn.

Cạn sức chống chịu

Giữa trưa, anh Nguyễn Văn Bình (xã Đức Tân) - nông dân đang trồng 6.000m2 thanh long, cùng vài nhân công chuẩn bị mắc đèn để xông vụ thanh long mới. Theo anh Bình, đây có lẽ là "cây đèn" cuối cùng trong sự nghiệp trồng thanh long của anh. "Tôi đang chuẩn bị xông đèn cho thanh long ra trái. "Cây đèn" này sẽ là cuối cùng nếu giá thanh long vụ tới vẫn thấp, không có lời" - anh Bình bộc bạch.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Đức Tân Nguyễn Thanh Phong cho biết, toàn xã có tổng cộng 176ha thanh long. Diện tích thanh long này được trồng khoảng 6-7 năm. Nông dân mới chỉ thu hồi vốn đầu tư khoảng 30% diện tích thanh long. "Đã có khoảng 2ha thanh long bị nông dân trên địa bàn phá bỏ" - ông Phong cho biết.

Thanh long “long đong” trên đất Long An - Ảnh 1.

Tại Long An, thời điểm này, không còn cảnh nhộn nhịp nhân công “vuốt ngoe” thanh long trên vườn do giá thấp kéo dài. Ảnh: T.Đ

Theo bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, tâm lý nông dân trồng thanh long khá dao động trước việc có nên duy trì vườn thanh long khi giá thấp kéo dài, thua lỗ triền miên. Thời gian tới, nếu giá thanh long không tốt hơn và hiện nay nếu không có một tác động giải tỏa tâm lý cho nông dân, tình trạng bỏ thanh long sẽ còn tiếp diễn, thậm chí mạnh hơn.

Tại xã Phước Tân Hưng (huyện Châu Thành) - một vùng trồng thanh long chủ lực của tỉnh Long An, ông Nguyễn Ngọc Thịnh cũng đã phá bỏ khoảng 1ha với hơn 1.000 trụ thanh long. 

Theo ông Thịnh, trong khi giá thanh long quá thấp, thì chi phí đầu vào lại tăng cao. 

"Hiện, giá phân bón, thuốc đều mắc, giá nhân công cao, trong khi giá thanh long lại xuống thấp, khiến bà con nông dân thua lỗ nặng. Khoảng 3 năm nay, tôi lỗ gần 400 triệu đồng" - ông Thịnh than thở.

Theo nhiều nông dân trồng thanh long ở Long An, nếu giá thấp, thua lỗ, nông dân nuôi tôm có thể ngưng nuôi, treo ao. Nhưng nếu thanh long rớt giá, dù có thua lỗ, nông dân vẫn phải duy trì, đầu tư phân thuốc cho vườn thanh long. "Nếu ngưng đầu tư, chăm sóc xem như bỏ vườn thanh long" - anh Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Theo tính toán, mỗi năm nông dân phải chi phí 50 triệu đồng/ha để chăm sóc, duy trì vườn thanh long. Nhiều năm qua, diện tích trồng thanh long trên địa bàn tỉnh Long An tăng rất nhanh sau khi nông dân từ bỏ cây mía, cây lúa giá thấp lè tè, thua lỗ triền miên. 

Hiện, tỉnh Long An hơn 12.000ha thanh long, trong đó diện tích cho trái hơn 10.500ha. Việc nông dân trên địa bàn trồng thanh long thua lỗ kéo dài mấy năm gần đây do giá thấp liên tục. Riêng trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân sản xuất thanh long từ hòa đến lỗ vốn.

Hiện, chưa có thống kê chính xác nông dân tỉnh Long An đã phá bỏ bao nhiêu diện tích thanh long. 

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Chí Thiện, sơ bộ cho thấy, tại mỗi huyện Tân Trụ và Thủ Thừa có 18ha thanh long bị phá bỏ do canh tác kém hiệu quả. Huyện Châu Thành có khoảng 50ha thanh long già cỗi phải chuyển sang cây khác. Có vài chục ha thanh long tại TP.Tân An bị ảnh hưởng do xây dựng đường vành đai.

Amazon có là lối thoát?

Vấn đề hiện nay, khi phá vườn thanh long, nông dân đang "bí" trồng cây gì để có hiệu quả kinh tế.

Sau thời gian lỗ vốn do trồng thanh long, 5 tháng trước anh Nguyễn Thanh Tùng (xã Phước Tân Hưng, Châu Thành) đã phá bỏ 1.200 trụ thanh long để chuyển sang trồng na Thái, ổi rubi, đu đủ, hoa màu và cả… trang kiểng đột biến. Kế hoạch của anh Tùng là "lấy ngắn nuôi dài".

"Trồng na, ổi, đu đủ… phân, thuốc, công cán rẻ hơn trồng thanh long. Đặc biệt, những loại trái cây này không phụ thuộc vào thị trường, giá cả của Trung Quốc. Na có thể bán ở chợ cho bà con cúng các ngày rằm lễ mỗi tháng hay bán trong siêu thị" - anh Tùng chia sẻ.

Thanh long “long đong” trên đất Long An - Ảnh 3.

Tại các huyện, như: Tân Trụ, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa… (Long An) đều có tình trạng nông dân phá bỏ vườn thanh long để chuyển sang trồng cây khác. Ảnh: T.Đ

Cũng kiểu trồng như thế, tại xã Đức Tân, 6 tháng trước sau khi phá bỏ 1ha thanh long, ông Trần Thanh Bình đã cho trồng ổi, dừa và bưởi da xanh. Cá biệt, anh Nguyễn Văn Bình (Đức Tân) cho rằng, nếu phá vườn thanh long anh sẽ cho trồng "cây bêtông" để bán đất cho nhanh.

Theo ông Nguyễn Vạn Thành - Giám đốc HTX Thanh long Vạn Thành (Châu Thành), một trong những lối thoát cho thanh long Long An và cả thanh long Việt Nam là phải nâng cao chất lượng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Nằm trong chiều hướng này, những năm qua, tỉnh Long An đã triển khai chương trình thanh long công nghệ cao, cụ thể như đề án 2.000ha thanh long công nghệ cao tại huyện Châu Thành. Đề án này đang triển khai theo chiều sâu với kỳ vọng tăng sức cạnh tranh cho trái thanh long, rộng đầu ra các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Được biết, vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho thanh long Châu Thành. Tỉnh này cũng đang triển khai xây dựng mã vùng, mã vạch, nhãn hiệu hàng hóa cho trái thanh long để rộng đường xuất khẩu chính ngạch.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, Sở đang có kế hoạch hợp tác với Sàn giao dịch điện tử Amazon để đưa trái thanh long của tỉnh lên sàn giao dịch này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem