Hình như ở nước mình bây giờ cái gì cũng phải xác nhận thì mới đáng tin. Người ta tin ở sự xác nhận hơn là tin ở con người.
Vô tình nghe được câu chuyện này qua lời kể của một sinh viên ở Đức về nước thực tập: “Hầu như con chỉ đến viện lấy tài liệu về nhà viết, con viết được khá nhiều. Hôm cuối đến chia tay, chú hướng dẫn thực tập hỏi: Có cần chứng nhận của viện là đã hoàn thành xuất sắc công việc thực tập không cháu? Con buồn cười quá. Kết quả là nằm ở những bài viết của con chứ, sao lại cần chứng nhận”.
Một câu nói thật lòng và chân thành của cô bé nói với bố khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Hình như ở nước mình bây giờ cái gì cũng phải xác nhận thì mới đáng tin. Người ta tin ở sự xác nhận hơn là tin ở con người.
Và khi hành chính hóa quan trọng đến mức như vậy thì dần dà đẻ ra sự quan liêu giấy tờ. Sự quan liêu giấy tờ ở nước mình báo động đỏ đã nhiều năm nay nhưng dù nỗ lực giải quyết vẫn chưa ăn thua, người ta vẫn đua nhau tìm giấy chứng nhận, xác nhận từ bằng cấp đến các loại văn bản gắn với con người. Có biết đâu rằng sau con dấu công chứng tấm bằng thật là không ít cái kho rỗng tuyếch chẳng có gì mà chỉ là cái kho chứa đồ dối trá vì nó là tấm bằng mua.
Bằng chứng ư? Ví dụ việc xin giải thưởng, xin huân huy chương thì việc đầu tiên là thống kê giải thưởng, bắt đầu từ bằng khen đến các giải từ trung ương đến địa phương, cố sao cho đủ lượng được yêu cầu để vào khung giải và đó là căn cứ đáng tin nhất. Và thế là người ta tìm cách sưu tập cho đủ bộ bằng chạy giấy tờ, chạy giải cho đủ tấm đủ món. Cho nên giải nọ giải kia vàng thau lẫn lộn. Dù năng lực có đấy mà không lăn lưng vào “chạy” thì còn lâu mới được phong tặng.
Thói ham chuộng cái vỏ hình thức mà bỏ quên đi thực chất, phải chăng chúng ta đang phải trả giá bằng sự yếu kém tràn lan trong các ngành nghề, trong văn chương nghệ thuật...
Vẫn biết hành chính thì phải có giấy tờ quản lý, đó là sự cần thiết tối thiểu phải có. Nhưng một khi giấy tờ hành chính bị lạm dụng, con người không được tin tưởng và người ta chỉ tin vào giấy tờ thì đó là sự tha hóa thậm tệ. Nó sẽ kéo xã hội thụt lùi. Tệ nạn đó đang kéo chân chúng ta đến bao giờ mới chấm dứt đây?
Đỗ Đức (Đỗ Đức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.