Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Gửi 142 tỷ đồng tại 4 ngân hàng
Theo đơn của ông Đặng Nghĩa Toàn ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) gửi tới Báo Dân Việt, năm 2016 ông Toàn quen bà Nguyễn Thị Hà Thành (Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Ông Toàn kể lại: "Thành nói rằng ngân hàng đang thiếu chỉ tiêu vốn huy động nên cần tôi hỗ trợ gửi tiền vào ngân hàng theo hình thức sổ tiết kiệm. Thành viết giấy cam kết ngoài việc được hưởng lãi suất theo quy định ghi trên sổ, tôi còn được trả tương đương lãi suất".
Ông Toàn đã gửi tổng cộng 142 tỷ đồng, chia thành 9 sổ tiết kiệm tại 4 ngân hàng do Thành giới thiệu. Với mỗi 1 tỷ đồng tiền gửi, Thành đã ứng 4,6 triệu đồng hoặc 6,1 triệu đồng tùy theo phần lãi suất ghi trên sổ và trả thưởng tương đương lãi suất.
Sau đó, vợ chồng ông Toàn đã đưa sổ tiết kiệm cho Nguyễn Thị Hà Thành giữ "vì tin tưởng".
Ngày 6.12.2018, ông Toàn nhận được tin Nguyễn Thị Hà Thành đang bị Cơ quan Công an giữ tại một Phòng Giao dịch của Ngân hàng Việt Á. Sổ tiết kiệm 20 tỷ đồng mang tên Đặng Nghĩa Toàn (gửi ngày 5.7.2018 tại phòng giao dịch Đông Đô, chi nhánh Hà Nội, ngân hàng Việt Á) đã bị Nguyễn Thị Hà Thành đem đi cầm cố, bảo lãnh cho một doanh nghiệp khác.
Ông Toàn cho biết các sổ tiết kiệm của vợ chồng ông gửi tại 3 ngân hàng còn lại cũng đã bị phong tỏa liên quan đến việc Nguyễn Thị Hà Thành đem đi cầm cố.
Ngày 27/12/2018, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Hà Nội”. Công an Hà Nội nhận được đơn tố giác của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) và anh Đặng Nghĩa Toàn (SN 1976, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) về việc Nguyễn Thị Hà Thành và các đối tượng liên quan đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc giả mạo hồ sơ vay vốn thế chấp bằng sổ tiết kiệm tại các ngân hàng.
Làm giả giấy tờ
Ngày 10/12/2018, đại diện ngân hàng P. tại Hà Nội đã thông báo cho ông Toàn biết 3 sổ tiến kiệm của vợ chồng ông với tổng trị giá 52 tỷ đồng đã bị phong tỏa do đã được sử dụng để cầm cố, bảo lãnh cho Công ty TNHH Cơ điện và xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam (Công ty Jeongho) vay vốn tại ngân hàng.
“Tôi và vợ là Tạ Thị Thu Trang khẳng định không biết Công ty Jeongho là công ty nào và không có việc cầm cố sổ tiết kiệm để đảm bảo cho Công ty Jeongho vay vốn”, ông Toàn khẳng định.
Ngày 22.10.2018, ông Toàn cùng vợ là bà Tạ Thị Thu Trang đã tới ngân hàng P. gửi tiết kiệm số tiền 52 tỷ đồng với 3 cuốn sổ. Cụ thể, sổ thứ nhất có số 1833472 với số tiền 12 tỷ đồng mang tên Đặng Nghĩa Toàn; sổ thứ 2 có số 1833473 với số tiền 20 tỷ đồng mang tên Tạ Thị Thu Trang (vợ ông Toàn); sổ thứ 3 có số 1833474 với số tiền 20 tỷ đồng cũng mang tên Tạ Thị Thu Trang. |
Sau khi xem toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan, ông Toàn cho rằng có người giả mạo chữ ký trong các hồ sơ liên quan tới khoản tiền gửi của ông tại ngân hàng P.
Ông Toàn đã gửi những hồ sơ liên quan tới khoản tiền gửi 52 tỷ đồng ở ngân hàng P. đã bị mang đi cầm cố cho Công ty Jeongho vay vốn tới cơ quan công an để giám định chữ ký, chữ viết và dấu vân tay.
Ngày 12 và 20/3/2019, Cơ quan an ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội đã có Thông báo kết luận giám định số 10 và số 15 gửi tới vợ chồng ông Toàn khẳng định: chữ ký và chữ viết, dấu in vân tay trên hồ sơ cầm cố và bảo lãnh đều không phải của ông Toàn và bà Trang.
“Ngân hàng này đã cam kết nếu tôi và vợ tôi không ký bảo lãnh cầm cố sổ tiết kiệm thì ngân hàng sẽ giải tỏa sổ tiết kiệm để vợ chồng tôi toàn quyền rút tiền hoặc tiếp tục gửi tại ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế lại khác”, ông Toàn nói.
Cơ quan Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Hà Nội”. Ảnh Zing.vn
Cụ thể, trong Biên bản làm việc ngày 19/3/2019, các bên đã thống nhất từ ngày 19/3 đến 25/3, nếu Cơ quan an ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội không có văn bản phản hồi thì mặc định ông Toàn và vợ được rút tiền. Theo lịch hẹn, ngày 25/3 vợ chồng ông Toàn đã tới ngân hàng để rút tiền tiết kiệm nhưng bị từ chối.
Sau nhiều lần làm việc (có hồ sơ kèm theo - PV), ngân hàng này cho rằng vụ việc cần được Cơ quan an ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội có kết luận rõ ràng. Các khoản tiền gửi mang tên ông Toàn tại ngân hàng vẫn được tính lãi đầy đủ.
Lỗ hổng ở đâu?
Tương tự như trường hợp ngân hàng đã nêu ở trên, 2 ngân hàng là NCB và VietAbank cũng có tình trạng phong tỏa sổ tiết kiệm mang tên vợ chồng ông Toàn.
Tại VietAbank – Chi nhánh Hà Nội, ngày 5/7/2018, ông Toàn đã gửi tiết kiệm 20 tỷ đồng tại Phòng giao dịch Đông Đô ở địa chỉ Tầng 1, tòa nhà 18T1 KĐT Trung Hòa Nhân Chính, đường Lê Văn Lương phường Nhân Chính quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội với lãi suất 5,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng và được Viet A bank cấp 1 sổ tiết kiệm số 1962471 mang tên Đặng Nghĩa Toàn.
Đến ngày 12/12/2018, ông Toàn đến Viet A bank tại địa chỉ 34A – 34B Hàn Thuyên (Hà Nội) yêu cầu rút tiền từ sổ tiết kiệm thì được ông Trần Tiến Dũng – Phó Tổng giám đốc Viet A bank thông báo sổ tiết kiệm của ông Toàn đã bị phong tỏa do đã ký kết hợp đồng vay vốn vào ngày 5/11/2018 và sử dụng sổ tiết kiệm để cầm cố theo hợp đồng vay vốn nêu trên nên Viet A bank đã tất toán sổ tiết kiệm vào ngày 5/12/2018.
Ông Đặng Nghĩa Toàn trình bày sự việc (ảnh: PL)
Còn tại ngân hàng NCB – Chi nhánh Hà Nội, từ ngày 24/1/2018 đến ngày 12/8/2018, ông Toàn cùng vợ là bà Tạ Thị Thu Trang cũng gửi tiết kiệm số tiền 50 tỷ đồng tại phòng giao dịch Láng Thượng và phòng giao dịch Cầu Giấy và được cấp 4 sổ tiết kiệm.
Ngày 11/12/2018, ông Toàn cùng vợ đến NCB ở địa chỉ 158 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội và cũng được NCB thông báo sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn đã bị phong tỏa vì đã cầm cố để bảo lãnh cho Công ty Jeongho vay vốn.
Đại diện NCB cũng thống nhất yêu cầu cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và tiến hành giám định chữ ký, chữ viết trong hồ sơ vay vốn của Công ty Jeongho tại NCB.
Đến ngày 12/3/2019, cơ quan an ninh điều tra – Công an TP. Hà Nội đã có Thông báo kết luận giám định: “Chữ ký và chữ viết dòng họ tên Đặng Nghĩa Toàn và Tạ Thị Thu Trang trong hồ sơ thế chấp sổ tiết kiệm vay vốn tại NCB trên các tài liệu giám định với chữ viết, chữ ký của Đặng Nghĩa Toàn và Tại Thị Thu Trang không phải là chữ của cùng một người viết ra”. Tuy nhiên, đến nay ngân hàng NCB chưa trả lại khoản tiền tiết kiệm cho ông Toàn.
Nơi còn lại ông Toàn đã gửi tiền là Ngân hàng BIDV. Ông Toàn gửi 20 tỷ đồng từ tháng 11/2017. Sổ tiết kiệm này cũng bị phong tỏa tại BIDV chi nhánh Ninh Bình. Sau khi ông Toàn đến làm việc, BIDV Ninh Bình đã trả lại cả tiền gốc và lãi.
"Trong 4 ngân hàng tôi đã gửi tiền, chỉ có 1 ngân hàng đã nhanh chóng giao trả sổ tiền kiệm và cho tôi rút tiền. Tôi đã rút đơn tố cáo với ngân hàng này. Còn lại 3 ngân hàng vẫn chưa trả tiền trong sổ tiết kiệm mang tên vợ chồng tôi" - ông Toàn cho hay.
Nhiều uẩn khúc cần làm rõ
PV Dân Việt đã liên hệ với đại diện truyền thông của Ngân hàng Việt Á và được đề nghị gửi câu hỏi qua email. Ngày 2.6, PV đã gửi câu hỏi qua email đến đại diện ngân hàng Việt Á.
Trước đó, tháng 1/2019 Ngân hàng Việt Á cũng đã phát đi thông tin liên quan đến vụ việc trên. Ngân hàng này xác nhận, ông Đặng Nghĩa Toàn có gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á (có sổ tiết kiệm đứng tên đồng sở hữu với đối tượng Nguyễn Thị Hà Thành, có sổ tiết kiệm đứng tên một mình).
Cụ thể, giữa năm 2018, nhóm khách hàng trong đó có ông Đặng Nghĩa Toàn, bà Nguyễn Thị Hà Thành, ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh bắt đầu giao dịch tại ngân hàng, mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu.
Ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, các khách hàng này thực hiện việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên với số tiền vay từ 95%-98,5% giá trị sổ. Việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên.
Theo Ngân hàng Việt Á, doanh số giao dịch mở sổ tiết kiệm đã lên đến hàng trăm tỉ đồng nhưng số tiền thực tế gửi tại ngân hàng còn lại rất ít; đồng thời chuyển tiền qua lại lẫn nhau trong đó có chuyển và nhận tiền với Nguyễn Thị Hà Thành trên hệ thống VietABank, tại các chi nhánh khác nhau. Đối tượng Thành đang bị Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngân hàng Việt Á - một trong các ngân hàng xảy ra vụ việc (ảnh minh họa IT)
Trong khi đó, gửi thông tin đến Dân Việt, đại diện Ngân hàng NCB xác nhận sự việc ông Toàn cùng vợ là bà Tạ Thị Thu Trang được cấp 4 sổ tiết kiệm có kỳ hạn với tổng số tiền 50 tỷ đồng.
Trong văn bản trả lời ông Đặng Nghĩa Toàn ngày 14/1/2019, ngân hàng NCB cho rằng ông Toàn, cùng vợ là bà Trang là Phó Giám đốc Công ty Cơ điện và Xây dựng Jeongho Landmark Việt Nam. Tuy nhiên, trả lời Dân Việt, ông Toàn phủ nhận thông tin có liên quan đến Công ty này, không ký hợp đồng cầm cố sổ tiết kiệm để bảo lãnh cho Công ty này. |
“Trong quá trình giao dịch và chuẩn bị các giấy tờ, cán bộ Ngân hàng cũng như cá nhân người gửi tiết kiệm đều tuân thủ các quy định về tiền gửi của NCB” – đại diện NCB cho biết.
Sau đó, 4 sổ tiết kiệm này đã bị cầm cố để bảo lãnh cho Công ty TNHH Cơ điện và Xây dựng Jeongho Landmark vay vốn nên khi vợ chồng ông Toàn đến rút tiền đã không được Ngân hàng NCB chấp nhận.
Ngân hàng đã nhiều lần làm việc trực tiếp với khách hàng nhưng chưa giải quyết được vụ việc.
“Trong tháng 12/2018, một nhóm đối tượng có liên quan đến vụ việc đã đến gây rối trật tự tại Phòng giao dịch Cầu Giấy cũng như Hội sở chính NCB trên phố Bà Triệu. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự, NCB đã có công văn gửi Cơ quan An ninh điều tra – Công an TP Hà Nội để làm rõ sự thật và xử lý đúng quy định pháp luật, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng và Ngân hàng” – phía NCB thông tin.
Được biết, cơ quan Công an vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc, làm rõ tình tiết của vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Hà Nội và mối liên hệ giữa các bên liên quan.
Dân Việt sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.