Tiếp cận sàn TMĐT Amazon: Mở đường cho sản phẩm Việt
Tiếp cận bán hàng Việt trên Amazon, tại sao không ?
Bạch Dương
Thứ tư, ngày 21/10/2020 16:11 PM (GMT+7)
Ngày 21/10, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã phối hợp cùng với Amazon Global Selling tổ chức buổi hội thảo "Tiếp cận thị trường Hoa Kỳ thông qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) Amazon".
Thị trường thương mại điện tử Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt
Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc ITPC cho biết, sau 25 năm bình thường hóa quan hệ, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trên toàn cầu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam hiện đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Hoa Kỳ và là quốc gia cung ứng hàng hóa lớn thứ 7 cho Hoa Kỳ. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt hơn 20%. Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
9 tháng năm 2020, bất chấp ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn tăng trưởng tới 17,7% so với cùng kỳ năm 2019, đạt hơn 65,124 tỷ USD. Đáng lưu ý là trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ giảm 3,0%, thì xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng 22,7%, đạt gần 54,742 tỷ USD. Do đó, trong chín tháng năm 2020, Việt Nam thặng dư thương mại với Hoa Kỳ lên tới gần 44,360 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hoa Kỳ là một thị trường lớn với hơn 328 triệu dân và thu nhập bình quân đầu người 65.760 USD/người/năm - cao hàng đầu thế giới (số liệu năm 2019 – theo World Bank), cùng với văn hóa tiêu dùng, đã tạo nên một thị trường với sức mua lớn nhất thế giới. Do đó, thị trường Hoa Kỳ vẫn còn rất nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam khai thác.
Tuy nhiên, với một thị trường lớn và nhiều cạnh tranh, việc bán hàng thông qua các kênh trung gian và phân phối truyền thống thường chịu chi phí cao gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Với sự bùng nổ của internet và thương mại điện tử, doanh nghiệp Việt Nam giờ đây có thể bán sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Amazon, cho đến nay, là nhà bán lẻ TMĐT phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. Amazon đứng đầu về doanh số bán lẻ TMĐT ở thị trường này. Theo phân tích của Statista, tính đến tháng 2/2020, Amazon chiếm tới 38,7% tổng doanh số bán lẻ TMĐT tại Hoa Kỳ. Công ty cũng có nền tảng mua sắm trên thiết bị di động phổ biến nhất tại Hoa Kỳ về phạm vi tiếp cận và số lượng người dùng hàng tháng. Nghiên cứu được Statista công bố ngày 31/8/2020 cho thấy, có gần 9 trong tổng số 10 người được hỏi ở Hoa Kỳ trả lời đã mua sắm ít nhất một thứ gì đó trên Amazon trong vòng 12 tháng qua.
Hiện nay, Amazon có 18 website trên thế giới, sử dụng 27 ngôn ngữ khác nhau, tiếp cận khách hàng ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, có hơn 300 triệu khách hàng và hơn 100 triệu thành viên Prime trên toàn cầu, 175 trung tâm kho bãi, 40 máy bay chở hàng và 100.000 đơn vị Amazon Robotic.
Vì vậy, tiếp cận được với sàn thương mại điện tử Amazon sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp Việt nên kinh doanh gì trên Amazon?
Theo bà Nguyễn Phương Trinh, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Vietnam, khi lựa chọn sản phẩm để bán hàng trực tuyến, người bán hàng cần phải xem xét các yếu tố như: sự tăng trưởng, tính thời vụ, thương hiệu, đặc tính/thuộc tính, yêu cầu về chất lượng…của sản phẩm và phân khúc người tiêu dùng mà doanh nghiệp hướng tới.
Các ngành hàng tiêu biểu được bán trên Amazon bao gồm: mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp, chăm sóc sức khỏe gia đình, sản phẩm cho em bé, thiết bị chăm sóc cá nhân, tạp hóa thực phẩm… Bà Nguyễn Phương Trinh cũng chia sẻ tới cộng đồng doanh nghiệp tham dự hội thảo về thời điểm tiêu thụ mạnh nhất các mặt hàng tiêu dùng tại Hoa Kỳ.
Đây là thông tin hữu ích giúp các doanh nghiệp lựa chọn được thời điểm phù hợp để đẩy mạnh hoạt động bán hàng của mình. Đơn cử như các sản phẩm trang điểm làm đẹp, tạp hóa thực phẩm, dụng cụ chăm sóc sức khỏe gia đình/chăm sóc cá nhân thì tiêu thụ tốt vào hầu hết các tháng trong năm. Còn đối với sản phẩm cho mẹ và bé, thời điểm tiêu thụ tốt là vào ngày của Mẹ (giữa tháng 4 – giữa tháng 5), ngày Thành viên Prime (tháng 7), dịp cuối năm và Giáng sinh (tháng 11 – tháng 12).
Ngoài ra còn có các sản phẩm thuộc đồ trang trí và nội thất, sản phẩm phục vụ việc học và làm việc tại nhà (bộ định tuyến, giá đỡ màn hình, Ethernet hub, bàn ghế làm việc văn phòng, bàn máy tính, máy tính để bàn và các phụ kiện…); sản phẩm chăm sóc trẻ em (đồ chơi giáo dục thông minh, đồ chơi dành cho trẻ em trong vườn nhà…); các sản phẩm chăm sóc thú cưng (bộ chải lông, tông đơ cắt lông, máy cạo lông, bàn chải lăn lông, kéo cắt móng cho thú cưng…); trang phục mặc ở nhà (quần áo ngủ, đồ lót hay quần áo dành cho trẻ em…) đang được tiêu thụ mạnh tại Hoa Kỳ.
Bà Nguyễn Phương Trinh lưu ý rằng, thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ có các tiêu chuẩn kiểm tra rất nghiêm ngặt đối với việc bán các sản phẩm đồ chơi. Kinh doanh trên Amazon Bắc Mỹ yêu cầu chuẩn bị giấy chứng nhận sản phẩm dành cho trẻ em CPC (Children's Product Certificate) theo yêu cầu CPSIA. Giấy chứng nhận này phải chứa thông tin về nhà sản xuất sản phẩm trẻ em hay nhà nhập khẩu địa phương tại Mỹ, và gồm có kết quả thử nghiệm có liên quan do phòng thí nghiệm bên thứ ba được CPSC chấp nhận thực hiện. Giấy chứng nhận sản phẩm dành cho trẻ em bằng văn bản (CPC) chứng minh rằng các sản phẩm dành cho trẻ em của họ đáp ứng các quy định an toàn sản phẩm dành cho trẻ em hiện hành.
Để bán đồ chơi trên Amazon Châu Âu, cần cung cấp CE và tuyên bố về sự phù hợp, nêu rõ rằng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu kiểm tra của chỉ thị An toàn đồ chơi. Đồng thời, việc kiểm tra hải quan đối với đồ chơi này cũng nghiêm ngặt hơn đáng kể so với các loại sản phẩm khác, vì vậy người bán cần phải chuẩn bị chứng nhận đủ điều kiện tương ứng và phải chọn nhà hậu cần đủ điều kiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.