Tinh giản biên chế công chức, viên chức chủ yếu thuộc nhóm này
Đa số công chức, viên chức đang bị tinh giản biên chế hiện nay thuộc nhóm này
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 29/03/2023 08:49 AM (GMT+7)
Thời gian qua, hơn 79.000 công chức, viên chức đã được tinh giản. Việc tinh giản biên chế đạt về số lượng nhưng chất lượng còn yếu, có nơi còn hình thức ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả lao động trong cơ quan công quyền.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, thời gian qua cả nước sát nhập 38 địa phương, giảm 315 đầu mối, giảm 1.269 cấp trưởng phó. Kết quả, cả nước tinh giản biên chế được hơn 79.000 công chức, viên chức, đạt về số lượng, nhưng chất lượng lại còn nhiều điều cần nói.
Xã Tân Lâm Hương (Thạch Hà, Hà Tĩnh) vừa được sáp nhập từ 3 xã Thạch Tân, Thạch Lâm và xã Thạch Hương. Bắt đầu sáp nhập xã có 60 cán bộ công chức và 24 cán bộ bán chuyên trách, đến nay sau khi sáp nhập còn 28 cán bộ công chức và còn 6 cán bộ chuyên trách, giảm 1 nửa so với trước.
Bà Đặng Thị Hoài - Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Tân Lâm Hương cho biết: "Sau khi sáp nhậ, cường độ làm việc của cán bộ, công chức quá vất vả. Nhiều công chức đến giờ làm việc, đến ủy ban thì đã có hàng chục người dân chờ sẵn để làm giấy tờ. Thậm chí, chiều hết giờ làm (17 giờ 30 phút) nhưng vì còn đông công dân tới làm thủ tục nên công chức xã vẫn phải làm cố".
Cũng theo bà Hoài, do địa bàn rất rộng nên áp lực công việc rất lớn. Đó là chưa kể những thiệt thòi trong chế độ đãi ngộ, tiền lương... Chính bởi vậy, có nhiều cán bộ, công chức có năng lực còn trẻ không chịu được áp lực nên họ xin nghỉ ra ngoài làm. Điều này khiến cho việc thu hút nhân tài ở địa phương gặp khó khăn.
Câu chuyện "Biên chế giảm nhưng chưa tinh" hay lo ngại "người giữ không ở, người đuổi không đi" vẫn còn đó. Đó không chỉ là câu chuyện thực tế của xã Tân Lâm Hương mà còn là câu chuyện của rất nhiều đơn vị. Nếu không làm đúng thì việc tinh giản biên chế có thể gây tác dụng ngược, làm giảm năng suất lao động, khiến nhân tài ra đi.
Có nhiều cán bộ, công chức có năng lực thực sự xin nghỉ hưu trước tuổi để ra ngoài làm thêm. Thực tế, câu chuyện quản lý tổ chức bộ máy cán bộ, công chức rất nhiều vấn đề.
Theo ông Lê Xuân Hiến - Bí thư Đảng ủy xã Bình An (Lộc Hà, hà Tĩnh) thì có những cán bộ có năng lực nhưng không đủ bằng cấp trong quá trình sắp xếp lại bộ máy, đơn vị cũng đành phải tinh giản biên chế. Tuy nhiên có những đối tượng có đủ năng lực, đủ bằng cấp nhưng vì kinh tế khó khăn (lương thấp) nên anh em muốn ra ngoài làm. Đây là vấn đề đặt ra nhiều sự trăn trở ở địa phương.
Tương tự Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập rất lớn trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước (chiếm hơn 10%). Năm 2019 -2020 tỉnh này thực hiện sắp xếp 143 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 67 đơn vị. Toàn tỉnh giảm từ 635 đơn vị xuống còn 559 đơn vị hành chính cấp xã.
Kết quả, có khoảng 120 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi sắp xếp lại cơ cấu hoạt động. Tuy nhiên, do huyện đang thiếu 57 cán bộ, công chức, viên chức nên việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư ở địa phương này cũng không quá khó khăn.
Giai đoạn 2015 -2021, số biên chế được tinh giản của các bộ, ngành, địa phương là hơn 79.000 người. Trong đó, bộ ngành hơn 5.500 người; địa phương giảm hơn 73.500 biên chế. Mục tiêu giai đoạn 2022 -2026 mục tiêu giảm 5% biên chế công chức và giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước việc tinh giản không chỉ gắn với số lượng mà còn phải đảm bảo chất lượng.
Thông tin từ Bộ Nội vụ
Vấn đề là việc tinh giản biên chế này không xuất phát từ việc thanh lọc bộ máy, mà xuất phát từ nhiệm vụ cắt giảm cơ học. Đa phần những người được tinh giản biên chế là những cán bộ, công chức, viên chức đến tuổi về hưu, hoặc dôi dư do sáp nhập.
Tinh giản biên chế có nơi vẫn còn cơ học, chưa hiệu quả
Ông Võ Hồng Hải - Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng thừa nhận thực tế, việc tinh giản biên chế trong công chức, viên chức vẫn còn những thách thức. Nhận thức cấp ủy chính quyền và người đứng đầu, cả những cán bộ công chức... bị tinh giản vẫn còn hạn chế. Việc tinh giản biên chế ở một số người còn hình thức, cơ học. Một số nơi, một số điểm tinh giản chưa trúng. Người cần đi không đi, người muốn giữ không ở.
Thực hiện nghị quyết và các văn bản về sắp xếp bộ máy tinh giản biên chế, năm 2021, cả nước hoàn thành mục tiêu khi tinh giản 10% biên chế công chức và gần 12% số người hưởng lương từ ngân sách, tuy nhiên theo Bộ Nội vụ đó chỉ giảm về số lượng. Ở không ít địa phương vừa qua, việc tinh giản biên chế vẫn chưa gắn với việc sắp xếp lại cơ cấu cán bộ và nâng cao chất lượng công chức, viên chức.
Ông Nguyễn Hải Nam - Vụ trưởng vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết, tới đây Bộ sẽ hoàn thiện vị trí việc làm, bản mô tả khung năng lực, từ đó có đánh giá công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Đây là cơ sở để bố trí, cơ cấu lại cán bộ công chức, đánh giá lại chất lượng công chức để tinh giản biên chế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.