Tới thời của vua “vàng trắng” Việt Nam

Quốc Hải Thứ năm, ngày 10/12/2020 12:54 PM (GMT+7)
Cổ phiếu GVR (Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - HoSE: GVR) đang lập đỉnh 20.450 đồng/CP (phiên giao dịch 10/12) với giá trị vốn hóa 81.800 tỷ đồng, sau hàng loạt thông tin về giá cao su tăng, thu hàng trăm tỷ đồng từ thoái vốn ngoài ngành và kế hoạch phát triển những dự án bất động sản công nghiệp “khủng” giai đoạn 2021-2025.
Bình luận 0
Tới thời của vua “vàng trắng” Việt Nam  - Ảnh 1.

Công nhân khai thác mủ cao su (Ảnh: IT)

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng 475 triệu cổ phiếu vào đầu năm 2018. Đây là phiên đấu giá được kỳ vọng trở thành "bom tấn" nhưng kết quả lượng đăng ký mua chỉ bằng 1/5 lượng chào bán. 

Sau đấu giá, GVR đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM từ ngày 21/3/2018 với giá chốt phiên là 10.900 đồng/CP.

Liên tục trong thời gian dài, GVR giao dịch "lẹt đẹt" quanh vùng giá 11.000 đồng/CP với lượng thanh khoản nhỏ giọt. Chỉ đến khi dự án sân bay Long Thành chính thức khởi động (giữa năm 2019) thì GVR mới được chú ý do được hưởng lợi từ đền bù vườn cây làm dự án, cổ phiếu GVR vì thế cũng tăng mạnh, có thời điểm đạt đỉnh 16.600 đồng/CP.

Đến ngày 17/3/2020, GVR thực hiện chuyển niêm yết sang HoSE với mức giá tham chiếu 11.570 đồng/CP. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 9, cổ phiếu GVR vẫn lẹt đẹt quanh vùng giá 11.000-12.000 đồng/CP. 

Chỉ từ tháng 10 đến nay, cổ phiếu vua "vàng trắng" mới liên tục bứt phá và đạt mức đỉnh như hiện tại, ở mức 20.450 đồng/CP.

Vua "vàng trắng" thắng lớn nhờ mủ cao su, gỗ

Theo phân tích của giới chuyên gia, giá cao su thế giới tăng mạnh thời gian gần đây là do lo ngại nguồn cung từ Thái Lan, quốc gia xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, bị gián đoạn. Trong khi đó, nhu cầu cao su nguyên liệu tại Trung Quốc - nước nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới - cũng đang tăng mạnh nhờ ngành ôtô phục hồi. Chưa kể, nhu cầu đối với găng tay y tế dùng 1 lần cũng đang tăng mạnh sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi GVR thắng lớn ở mảng cao su. Bởi, hiện tại vua "vàng trắng" Việt Nam đang sở hữu diện tích trên 405.000ha cao su (trong đó diện tích cao su kinh doanh hơn 218.800ha), chiếm khoảng 30% diện tích cao su cả nước và năng lực chế biến khoảng 350.000 tấn mủ/năm.

Tới thời của vua “vàng trắng” Việt Nam  - Ảnh 2.

Cổ phiếu GVR lập đỉnh trong phiên giao dịch hôm nay 10/12

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 của GVR cho thấy, doanh thu từ mủ cao su vẫn là nguồn thu chủ lực của GVR khi đạt tới 4.093 tỷ đồng, chiếm khoảng 65% tổng doanh thu; và lợi nhuận trước thuế cũng đạt tới 322,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, mảng gỗ cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của GVR, đóng góp hơn 15%. Kết thúc quý 3, doanh thu từ mảng này đạt tới 958 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 228,4 tỷ đồng.

Hiện GVR có 20 nhà máy sản xuất với tổng công suất 1,12 triệu m3 gỗ/năm. Diện tích cây cao su thanh lý hàng năm trên 10.000 ha.

Các mảng kinh doanh còn lại trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của GVR gồm: Sản phẩm công nghiệp cao su (doanh thu 533 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 124 tỷ đồng); Bất động sản (BĐS), hạ tầng (doanh thu 198 tỷ, lợi nhuận trước thuế 66,6 tỷ đồng); Điện (doanh thu 144 tỷ, lợi nhuận trước thuế 61,9 tỷ đồng)…

Triển vọng từ thoái vốn và phát triển BĐS khu công nghiệp

Là một tập đoàn đa ngành, đa thành viên (có hơn 120 đơn vị thành viên trong nhiều ngành nghề khác nhau) việc thoái vốn ngoài ngành đã được Nhà nước yêu cầu GVR triển khai từ nhiều năm nay nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu tập đoàn. 

Tuy nhiên, tính đến hiện tại, GVR mới chỉ thoái vốn thành công ở KCN Hố Nai, KCN Đầu tư Xây dựng Cao su. Một số đơn vị đang tiếp tục thoái vốn là Tổng công ty Xây dựng Thủy lợi 4, Công ty Xây dựng và Tư vấn đầu Tư, Đầu tư Sài Gòn VRG và Phát triển đô thị, KCN Cao su Việt Nam.

Việc thoái vốn này sẽ mang lại cho GVR nguồn tiền "khủng". Đơn cử, GVR mới đây vừa thông báo đăng ký bán ra gần 9,34 triệu cổ phiếu SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG với định khởi điểm 97.500 đồng/CP, tương ứng dự kiến thu về hơn 916 tỷ đồng.

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT GVR khẳng định, sắp tới GVR sẽ ráo riết tái cấu trúc hệ thống thành viên bao gồm chuyển đổi 20 công ty TNHH sang công ty cổ phần, thoái vốn các công ty ngoài ngành, khắc phục tình trạng sở hữu chéo…

Một triển vọng khác của GVR là việc đền bù đất. Trong đó, chỉ riêng dự án sân bay Long Thành - việc bàn giao hơn 2.100 ha cho Nhà nước, tổng giá trị thu về cho GVR đã đạt trên 1.000 tỷ đồng. Chưa kể, GVR cũng đặt kế hoạch giao cho địa phương 1.000ha đất mỗi năm.

"Giá đền bù theo giá Nhà nước tối đa chỉ 100-200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, chúng tôi đã và đang đấu tranh với các địa phương sử dụng đất để phát triển kinh tế với mức giá là 500-600 triệu/ha", ông Thuận cho biết.

Riêng với việc phát triển BĐS khu công nghiệp - một thế mạnh rất lớn của GVR, theo tìm hiểu, hiện GVR đang đầu tư và khai thác 16 KCN với tổng diện tích 6.566ha, trong đó có thể kể đến như: KCN Nam Tân Uyên, Dầu Giây, Bàu Xéo, Long Khánh… Ngoài ra, GVR còn dự kiến triển khai quy hoạch lên đến 15.000ha đất KCN trong giai đoạn 2021 - 2025 với các KCN như: KCN Hội Nghĩa, Bình Mỹ, Dầu Giầy mở rộng, Long Khánh mở rộng, VSIP III…

Giá "vàng trắng" hồi phục, cổ phiếu bật tăng

Giá cao su ngày 9/12/2020, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 4/2021, ghi nhận ở mức 240,9 JPY/kg. Mức giá này co hơn rất nhiều so với vùng "đáy" của giá mủ cao su khoảng 130 JPY/kg khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4. Sự phục hồi này cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp khai thác mủ có kết quả kinh doanh khả quan và dự kiến tiếp tục hưởng lợi nhờ giá cao su vẫn trong xu hướng tăng lên từ đầu tháng 10.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành cao su cũng bứt phá mạnh trong vài tuần gần đây. Chẳng hạn, Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR) đang giao dịch ở vùng giá 45.000 - 46.000 đồng/CP, tăng mạnh so với thời điểm đầu năm (38.000-39.000 đồng/CP); Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) cũng đang giao dịch ở mức giá 62.800 đồng/CP (đầu năm 38.750 đồng/CP); Cao su Tây Ninh (HoSE: TRC) hiện giao dịch ở mức giá 36.000 đồng/CP (đầu năm 31.400 đồng/CP).

Trên sàn UpCOM, các mã chứng khoán cao su khác như Cao su Bà Rịa (BRR); Cao su Tân Biên (RTB)… cũng tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem