Bị “phạt” vì dám phạm giàn gừa
Ông Nguyễn Văn Dẫn (nhà gần tán gừa thiêng) kể lại, cách đây 4 năm từng có một đoàn người khốn đốn vì "phạm" phải một nhánh của giàn gừa mọc chồm ra giữa con rạch Bà Thợ này.
|
Ông Nguyễn Văn Hiển: "Từ 5 đời trước, đã có giàn gừa này". |
Hôm đó, có đoàn xáng cạp tiến vào rạch Bà Thợ, định nạo vét mấy con kênh thủy lợi phía trong giàn gừa. Khi đoàn xáng gần tới giàn gừa, người trong vùng đã ra khuyên răn, rằng có nhánh gừa chồm ra giữa rạch, cố mà né chứ đừng động vào. Nhưng dân sông nước như mấy tay xáng cạp, nào có ngán ai. Họ quên béng, chẳng để tâm những lời nói ấy. Ngang nhánh gừa, thấy cản trở, họ ra tay đốn hạ. Và ngay lập tức, lời nguyền đã linh ứng...
Chiếc xáng cạp đang bon bon tiến tới, đột ngột sợi cáp to gần bằng cổ tay, nối với cái cạp sắt đứt ngang. Cả đoàn dừng lại, khắc phục sự cố. Chủ chiếc xáng hay tin, lập tức đón ghe chạy vào. "Đứt thì thay" - ông quyết. Vài ngày sau, sợi cáp sắt mới đem về, thợ thầy lui cui lắp vào. Xong xuôi, máy được vận hành, chạy thử. "Phựt" - sợi cáp mới toanh như bị một sức mạnh vô hình nào đó bứt đứt dễ dàng như người ta bẻ đôi chiếc đũa. Gần cả tháng trời, đám thầy thợ xáng cạp cứ lui hui sửa, rồi thay, rồi lại hỏng...
Những ngày chết gí tại đoạn rạch gần giàn gừa, mấy tay tài công trên xáng cạp hay lên nhà ông Dẫn uống trà. Ông Dẫn lựa lời khuyên: "Tao nói cái này tụi bây phải tin! Phải lập đàn cúng, vái xin Bà tha lỗi. Bằng không, tụi bây ở đây suốt đó". Mưa dầm thấm đất, cộng thêm những sự cố dồn dập suốt những ngày qua, nên đám thầy thợ xáng cạp không tin cũng phải tin. Heo, gà được chuyển vào ngay. Thầy thợ xì xụp khấn vái. Sự cố kết thúc.
Anh Sáu Đức - nhà cách giàn gừa khoảng 1km, kể hồi còn con nít anh hay bạo gan vào giàn gừa. "Chỗ đó um tùm, không ai dám ra vô, nên mùa nước nổi, cá tôm, rồi chuột... nhiều lắm. Tha hồ bắt". Nhưng anh nói rằng, vào xúc cá tôm thì dám, chứ anh chẳng khi nào dám bứt một nhánh gừa nhỏ để đậy lên nắp thùng (ngăn cá tôm bắt được nhảy ra).
"Trước khi vào giàn gừa, tui phải khấn vái, rồi ra vô lặng lẽ, không bứt phá thứ gì. Chắc nhờ vậy mà làm ăn ngon lành".
Hàng xóm của anh Sáu Đức là ông Ba Chao thì khẳng định, chính ông từng bị Bà trêu chọc. Đêm đó, vừa dứt cơn mưa, ông xách đèn đi soi ếch. Nghe tiếng ếch kêu rộ trong giàn gừa, "say mồi" nên ông tiến vào giữa giàn gừa lúc nào không biết. Suốt đêm đó, ông không tài nào tìm được đường ra, dù cả khu chỉ có mấy công đất. Đến sáng mới thấy rõ đường, ông chạy vội một mạch về nhà mà không dám ngoái cổ lại.
Trở thành khu du lịch tâm linh
Nhiều người sống ở đây khẳng định vài năm trở lại đây, cứ vào ngày mùng Một và ngày Rằm (âm lịch), họ thường bắt gặp hiện tượng kỳ lạ mà họ gọi là "Bà về". "Đó là một khối sáng xanh to gần bằng cái thúng, xuất phát từ hướng nam, "đi" cách đất khoảng 15m. Đến giữa giàn gừa thì khối sáng "chui" xuống và biến mất" - ông Dẫn kể. Nhiều người kể, hiện tượng khối sáng xuất hiện đã từ rất lâu, nhưng mấy năm nay thì mới xuất hiện trở lại. "Chắc thời chiến, bom đạn liên miên, nên Bà không về. Nay đã mấy chục năm yên bình, nên Bà quay về"- ông Dẫn tin vậy.
Vài năm nay, ngày cúng Bà thường niên của dòng họ Nguyễn là chiều 27 và cả ngày 28.2 (âm lịch), đã trở thành ngày vía của khách thập phương. Năm 2009, Giàn Gừa được công nhận là di tích văn hoá. Năm ngoái, có đến 8.000 người tụ về đây làm lễ. Đó là những người quanh vùng, rồi người từ Cà Mau lên, người từ TP.HCM xuống. Có cả người tận miền Trung cũng vào.
Liệu có phải những lời thêu dệt để tạo thêm sự kỳ bí, giúp dòng họ Nguyễn bảo vệ giàn gừa? Những câu chuyện huyền bí xa xưa thì không ai dám chắc, nhưng chuyện đoàn xáng cạp và những sự cố bí ẩn ấy, anh Út Giúp (trước là Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa, nay là cán bộ huyện Phong Điền), xác nhận là có. "Đúng là khó hiểu" - anh Giúp nói.
Nhiều người đến đây khấn vái, về làm ăn suôn sẻ nên trở lại cúng để tạ ơn. Ngay cả tường rào xung quanh giàn gừa, cũng là của chủ một doanh nghiệp ở Cần Thơ, sau khi đến lễ đã làm ăn thịnh vượng nên trở vào cho thợ xây cả bức tường rào để trả ơn... Tiếng đồn lan xa, ngày cúng Bà tại ngôi miếu nhỏ trở thành ngày hội. Đồ cúng xong, dòng họ Nguyễn lấy đãi hết khách đến dự.
Đã từng có người cho rằng, những điều huyền bí ở khu giàn gừa, phải chăng do thêu dệt? Bởi thời chống Mỹ, giàn gừa cũng là khu hậu cứ của cách mạng. Và những điều kỳ bí về giàn gừa được tung ra, nhằm làm mọi người lo sợ, không dám vào, tránh những con mắt soi mói? Hay liệu khu vực này có những mỏ phốt pho... gặp thời tiết, sinh ra những hiện tượng lạ ấy? Nhưng nếu vậy, sao khối sáng xanh chỉ xuất hiện vào các ngày định trước là mùng 1 và 15 âm lịch? Đó cũng là điều chưa ai giải mã được.
Thanh Hùng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.