Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Xử lý dứt điểm các công trình dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài

PVCT Thứ sáu, ngày 09/10/2020 13:44 PM (GMT+7)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh, khẩn trương, nghiêm túc rà soát, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu nhưng chậm được khắc phục; xử lý dứt điểm các công trình dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài.
Bình luận 0

Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị Trung ương 13 khóa XII đã bế mạc sáng 9/10. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Ban Chấp hành Trung ương cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với Báo cáo của Bộ Chính trị về các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị lần thứ 12 đến Hội nghị lần thứ 13; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2019; xem xét Tờ trình của Bộ Chính trị và ghi phiếu giới thiệu nhân sự các chức danh Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Xử lý dứt điểm các công trình dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 13 (Ảnh Nhật Bắc).

Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa và giải trình những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.

Về tình hình kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định: Trong 9 tháng đầu năm, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Kinh tế - xã hội nước ta bị ảnh hưởng lớn, khó có thể hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020, mặc dù 4 năm trước đó luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước.

Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Kinh tế vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 đến 3% trong năm 2020 (được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, kinh tế thế giới và nhiều nước lớn dự kiến tăng trưởng âm). Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu 17 tỉ đô la Mỹ (USD), dự trữ ngoại hối tăng cao (khoảng 93 tỉ USD)…

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Trung ương cho rằng, trước mắt cần tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh và triển vọng kinh tế - xã hội thế giới, trong nước từ nay đến hết năm 2020 và các năm 2021 - 2022; tiếp tục rà soát thật kỹ, xác định đúng các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn của nền kinh tế, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột phá, khả thi cao.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế gắn với tạo nền tảng để phát triển nhanh và bền vững.

Khẩn trương, nghiêm túc rà soát, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu nhưng chậm được khắc phục của nền kinh tế; xử lý dứt điểm các công trình dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế và xã hội. Hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh và thị trường trong nước, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kiên quyết, chủ động, tích cực xử lý nợ xấu và các ngân hàng thương mại yếu kém, nâng cao độ an toàn, tin cậy của hệ thống các tổ chức tín dụng; đồng thời nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước..."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem