Cử tri Nhà Bè - TP.HCM mong muốn quy hoạch treo phải có thời hạn "treo bao nhiêu năm"

Bạch Dương Thứ ba, ngày 27/06/2023 15:50 PM (GMT+7)
"Người dân chấp nhận và chấp hành khi bị đặt trong quy hoạch, nhưng quy hoạch phải có thời điểm cụ thể bao nhiêu năm, để tháo gỡ cho dân". Cử tri Trần Thị Liễu xã Phước Kiển phát biểu và dẫn chứng, có nơi người dân được thông báo quy hoạch treo 10 năm, sau 10 năm lại thông báo 20 năm, sau 20 năm lại là 30 năm.
Bình luận 0
TP.HCM: Cử tri huyện Nhà Bè mong muốn quy hoạch treo phải có thời hạn - Ảnh 1.

Hội nghị tiếp xúc cử tri tại huyện Nhà Bè. Ảnh: B.D

Ngày 27/6, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Nhà Bè tổ chức tiếp xúc cử tri giữa tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 9 sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV và tổ đại biểu HĐND TP trước kỳ họp lần thứ 10 với cử tri huyện Nhà Bè.

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ sự phấn khởi khi nhiều nghị quyết, dự thảo luật được thông qua, trong đó có nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 tạo động lực cho TP.HCM phát triển. 

Cử tri Nguyễn Thanh Bình (khu phố 4, thị trấn Nhà Bè) muốn được cung cấp chi tiết hơn về nghị quyết mới, đồng thời muốn biết về lộ trình TP.HCM triển khai nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 như thế nào trong thời gian tới.

Bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ của cử tri đối với các kết quả của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, nhiều cử tri đã nêu các vấn đề bức xúc dân sinh như đề án chống ngập, quy hoạch treo, phát triển nhà ở xã hội…

Cử tri Nguyễn Thị Kim Long (xã Nhơn Đức) cho biết, huyện Nhà Bè có 3 cửa ngăn triều, chống ngập nhưng đã ngừng thi công nhiều năm nay, dẫn đến người dân phải chịu cảnh ngập lụt khổ cực mỗi khi mùa mưa đến. 

Đầu năm 2023, người dân có nghe thông tin công trình này được thi công trở lại, nhưng đến nay vẫn không thấy triển khai. "Huyện rất cần các cửa ngăn triều, chống ngập ngày, nếu không thi công cứ để vậy lâu dài sẽ hư hỏng, lãng phí. 

Người dân đề nghị thành phố sớm thi công cống ngăn triều trong thời gian sớm nhất", cử tri Long đề xuất.

Trần Thị Liễu (xã Phước Kiểng) bức xúc trước các quy hoạch treo kéo dài, khiến người dân sinh sống trong khu vực này không được quyền định đoạt đất đai, tài sản của mình.

"Người dân chúng tôi chấp nhận và chấp hành khi bị đặt trong quy hoạch, nhưng quy hoạch treo phải có thời điểm cụ thể bao nhiêu năm, để tháo gỡ cho dân". Bà Liễu phát biểu và dẫn chứng, có nơi người dân được thông báo quy hoạch treo 10 năm, sau 10 năm lại được thông báo 20 năm, sau 20 năm nhận được thông báo 30 năm khiến họ rất bức xúc. 

Người dân sống trong khu vực quy hoạch treo không bán, không cầm cố vay mượn, không được sửa chữa nhà cửa, đất đai của mình. Vì thế, cử tri Trần Thị Liễu đề nghị quy hoạch treo phải có thời hạn, khi tháo gỡ quy hoạch phải công bố công khai cho dân biết.

Cử tri Lâm Thị Thu (xã Lâm Thới) phản ánh hiện nay giá nhà ở thương mại rất cao, trung bình trên 40 triệu đồng/m2 nhà chung cư, không phù hợp với phần lớn người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp như công nhân viên chức, lao động phổ thông. Việc phát triển nhà ở xã hội đang trở nên rất cấp thiết, nhưng việc thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện nay chưa hiệu quả.

Bà Thu lấy dẫn chứng: Việc các dự án thương mại phải có 10% diện tích xây dựng nhà ở xã hội có mục tiêu tốt, nhưng không hấp dẫn cả chủ đầu tư và người mua. Chủ đầu tư không hứng thú vì việc gộp chung phần nhà ở xã hội vào dự án thương mại, rất phức tạp về thủ tục chuyển nhượng, tính tiền sử dụng đất, lợi nhuận thấp. 

Người mua cũng không hứng thú vì chi phí sinh hoạt cao nếu đi cùng các khu dân cư trung, cao cấp. Vị trí các dự án này đều xa khu công nghiệp, khu tập trung doanh nghiệp, nơi tập trung nhiều công nhân lao động thu nhập thấp.

Cử tri đề nghị để chính quyền các cấp chủ động quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở xã hội, phù hợp quy hoạch chung; kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như các dự án độc lập, với các ưu đãi như miễn giảm tiền sử dụng đất, cho vay ưu đãi…

TP.HCM: Cử tri huyện Nhà Bè mong muốn quy hoạch treo phải có thời hạn - Ảnh 3.

Cử tri Phan Hoàng Vân Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: B.D

Cử tri Phan Hoàng Vân Anh (xã Phú Xuân) nêu những khó khăn của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh từ tháng 5/2022, nhưng thực tế giải ngân của gói hỗ trợ này rất chậm. 

Doanh nghiệp e ngại tham gia gói hỗ trợ do các thủ tục liên quan đến hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, cũng như khả năng bị thu hồi khoản hỗ trợ lãi vay, do không đủ các điều kiện để đánh giá "có khả năng phục hồi" trong điều kiện bất ổn hiện nay.

Vì thế, cử tri đề nghị tổ đại biểu Quốc hội có ý kiến đến Chính phủ để điều chỉnh Nghị định 31 theo hướng dễ tiếp cận hơn, các điều kiện rõ ràng hơn để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cử tri khác đã nêu các vấn đề về dự án đường vành đai 3, đường Bến Lức – Long Thành, góp ý thêm về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), điều chỉnh sai lệch trong toạ độ đất của dân…

Thay mặt tổ đại biểu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trần Phượng Trân đã ghi nhận các ý kiến của cử tri và sẽ chuyển các cơ quan liên quan để giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem