TP.HCM đối mặt yêu cầu tinh giản biên chế (bài cuối): Không đòi nhiều, chỉ mong đủ và phù hợp

Bạch Dương Thứ ba, ngày 02/08/2022 08:00 AM (GMT+7)
Số liệu điều tra cơ sở hành chính năm 2021 do Bộ Nội vụ vừa công bố cho thấy trung bình cả nước cứ 72 người dân có 1 cán bộ nhà nước. Tỷ lệ này tại TP.HCM là 118 người, thuộc nhóm cao nhất nước.
Bình luận 0
TP.HCM đối mặt yêu cầu tinh giản biên chế: Bài cuối: TP.HCM chỉ cần đủ người, không xin hơn - Ảnh 1.

TP.HCM đứng đầu cả nước về tỷ lệ người dân/cán bộ. Ảnh: P.V

TP.HCM không dôi dư nhân sự

Nhiều năm nay, số lượng biên chế của TP.HCM được Trung ương duyệt luôn không đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương. TP.HCM đã nhiều lần xin Trung ương công nhận số biên chế sao cho phù hợp tình hình thực tế, khối lượng công việc của một đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế, phục vụ hơn 10 triệu dân nhưng chưa có sự thống nhất.

Nói về việc trong năm 2021, HĐND TP.HCM duyệt dôi dư 3.601 công chức và 2.104 viên chức, tức cao hơn chỉ tiêu Trung ương phê duyệt là 5.705 người (không tính người ký hợp đồng lao động và số công chức phường khi thực hiện chính quyền đô thị), Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân cho rằng đây không phải dôi dư, mà là số nhân sự cần thiết để bộ máy vận hành.

Thực tế, thành phố đã giảm biên chế cả công chức và viên chức nếu căn cứ theo con số được HĐND TP HCM phê duyệt năm 2015. Ngoài ra, năm 2021, khi thành phố thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không còn HĐND các cấp, biên chế cấp phường tăng 3.735. Điều này dẫn đến việc số công chức tăng 1.700 người. Sở Nội vụ cũng thông tin thực tế hiện nhiều sở, ngành còn kiến nghị cơ quan này tham mưu chính quyền thành phố tăng biên chế vì tình hình nhân sự khó khăn.

Từ năm 2015, cả nước bắt đầu thực hiện tinh giản biên chế khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 39. TP.HCM cũng đã thành lập tổ công tác thẩm định tinh giản biên chế. Dù số biên chế tinh giản chưa đạt yêu cầu của Bộ Nội vụ nhưng thực tế những năm qua thành phố đã giảm rất nhiều. Ông Huỳnh Thanh Nhân thông tin thêm từ năm 2015 đến nay, thành phố giảm 32.940 biên chế viên chức ngành y do các đơn vị tự chủ, nên số viên chức giảm từ hơn 120.000 còn khoảng 100.000, tiết kiệm hơn 3.952 tỷ đồng.

Còn công chức, đến nay thành phố giảm khoảng 2.000 người so với năm 2015 (không tính công chức tăng do thực hiện chính quyền đô thị), giúp TP.HCM tiết kiệm 276 tỷ đồng. TP.HCM đã thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định và có nhiều giải pháp nhưng không thể giảm để đạt con số tuyệt đối như các địa phương có dân số, công việc hành chính ít hơn nhiều lần.

Còn theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, TP.HCM có nhiều cơ quan mà địa phương khác không có, chẳng hạn như đội quản lý trật tự đô thị, mỗi quận, huyện khoảng 50 người thì 22 quận, huyện đã thêm gần 1.000 người; hay Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng là mô hình duy nhất cả nước… Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đang rà soát để giải trình với Trung ương về số biên chế chênh lệch so với chỉ tiêu được giao và đề xuất phương án giải quyết phù hợp. "TP.HCM không đòi nhiều nhưng phải đủ và phù hợp với thành phố để đảm đương được công việc", Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Phải xem xét theo hướng đặc thù của TP.HCM

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM mong Trung ương cho TP rà soát, đánh giá tổ chức biên chế theo thực trạng của TP. Theo đó cho TP có sự linh hoạt do quy mô lớn, có thể cộng trừ 10%-15% biên chế để TP chủ động hơn trong điều hành, phát triển kinh tế - xã hội.

Khi bố trí công chức, người hoạt động không chuyên trách theo nghị định số 34 về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố gặp nhiều khó khăn.

TP.HCM đối mặt yêu cầu tinh giản biên chế: Bài cuối: TP.HCM chỉ cần đủ người, không xin hơn - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần xem xét chính sách cán bộ công chức theo hướng đặc thù của TP.HCM. Ảnh: Hương Thảo

TP kiến nghị sửa đổi điều 2, nghị định số 34 theo hướng quy định khung số lượng cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, đồng thời cho chủ trương HĐND, UBND TP quyết định số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để đáp ứng yêu cầu, khối lượng công việc thực tế phát sinh của TP.

Bên cạnh đó, chế độ chính sách hiện nay của người hoạt động không chuyên trách tại phường còn nhiều hạn chế, không được nâng lương định kỳ, mức đóng BHXH bắt buộc thấp, không có phụ cấp công vụ... trong khi khối lượng và áp lực công việc rất lớn.

Những quy định trên không đảm bảo đời sống của người hoạt động không chuyên trách, khó gắn bó lâu dài với đơn vị và gây khó khăn trong quá trình giải quyết công việc chuyên môn tại UBND phường.

Do đó, TP.HCM kiến nghị tùy đặc thù, quy mô, tính chất của từng địa phương để quy định số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phù hợp. Đồng thời, kiến nghị xây dựng hệ thống văn bản pháp lý thống nhất đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phường.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nêu do điều kiện công việc thực tế, TP.HCM đang dôi dư một số công chức, viên chức so với tổng biên chế được phân. Việc trả lương cho số công chức, viên chức này không sử dụng ngân sách trung ương, mà lấy từ ngân sách TP. Tuy nhiên về quy định, việc này chưa ổn. Ông Thừa kiến nghị Thủ tướng tới đây cho phép nghiên cứu chính sách đặc thù cho TP về biên chế công chức, viên chức.

Đề cập về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi ý nên nghiên cứu chính sách đặc thù này theo hướng nhìn nhận "đặc thù một phường của TP.HCM dân số có khi bằng một huyện ở tỉnh khác, cho nên cần nghiên cứu theo hướng tăng con người (biên chế công chức, viên chức) hoặc có cơ chế tăng lương cho công chức, viên chức".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem