Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương

Minh Thi Chủ nhật, ngày 21/06/2020 07:30 AM (GMT+7)
Diễn viên Lê Y Lan, con gái của họa sĩ Lê Văn Xương cho rằng, trong phiên đấu giá "Nghệ thuật Việt Nam" ngày 27/6 tới của nhà đấu giá PI, nhà tổ chức ghi một số điều không thật về tiểu sử của cha chị và đặc biệt, có 2 bức trong catalogue không phải tác phẩm của cố họa sĩ nổi tiếng.
Bình luận 0

Con gái họa sĩ Lê Văn Xương: "Cha tôi đang bị vu khống"

Trên trang cá nhân, tối 19/6, nữ diễn viên Lê Y Lan, con gái của họa sĩ Lê Văn Xương viết: "Cha tôi - họa sĩ Lê Văn Xương - có gia sư dạy vẽ và Pháp văn tại nhà. Những chi tiết mà gia đình tôi đã nâng niu và bằng cả trái tim mình in trong cuốn vựng tập in song ngữ Anh Việt với tựa đề Vẽ với lòng thanh thản – Drawing with serenity, cuốn vựng tập này được biên soạn hết sức công phu với tất cả tấm lòng kính yêu của tôi dâng lên hương hồn của cha tôi - cố họa sĩ Lê Văn Xương vì đây là một trong bốn điều tâm nguyện lớn nhất của tôi dành cho cha và mẹ của tôi.

Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương - Ảnh 1.

Nhà sưu tập, diễn viên Lê Y Lan, con gái út của cố họa sĩ Lê Văn Xương.

Vậy mà catalogue của nhà đấu giá PI lại ghi những điều không thật ở cuối trang 16. Đây là cách viết tiểu sử không đúng đắn, vu khống danh phận Lê Văn Xương".

Không những bày tỏ sự thất vọng khi tiểu sử cha mình bị viết sai, nữ diễn viên Da 5 Bloods (5 chiến hữu) còn đặt dấu hỏi về 2 bức tranh có mặt trong phiên đấu giá sắp tới.

Chị nhấn mạnh: "Trong trang 16 và 17 của catalogue, có 4 bức tranh được cho là của Lê Văn Xương, thì theo tôi, bức lụa vẽ bến thuyền (số thứ tự 24) và bức chì vẽ người phụ nữ (số 26) là không phải của cha tôi.

Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương - Ảnh 2.

Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương - Ảnh 3.

2 bức tranh được con gái cố họa sĩ cho là không phải của ông.

Nay tôi trình bày ra đây để các nhà sưu tập, báo chí, họa sĩ và gia đình được rõ. Vì nếu có sự nhập nhằng như thế này thì quá sức lợi dụng và rất là xúc phạm đến thanh danh của họa sĩ Lê Văn Xương và trực tiếp tổn thương đến tôi, không những thế còn làm tổn hại tài chính cho những người yêu tranh Lê Văn Xương và tổn hại tài chính đến các nhà sưu tập tranh của họa sĩ".

Trao đổi với Dân Việt ngày 20/6, chị Lê Y Lan nhấn mạnh, thực lòng chị không muốn làm căng thẳng mọi chuyện, chỉ mong ở đây chỉ là sự nhầm lẫn nào đó. Tuy nhiên, để có sự hợp tác tốt đẹp, hai bên nên ngồi lại với nhau, hoặc những nhà bán đấu giá có thể hỏi gia đình chị về xuất xứ của các bức tranh.

Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương - Ảnh 4.

Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương - Ảnh 5.

Tranh chân dung của cố họa sĩ Lê Văn Xương thường nhẹ nhàng, thanh thoát.

"Tranh của ba tôi có nét vẽ bay bướm, thần sầu, hào hoa, không dễ chép được. Còn hai bức tranh nói trên kỹ thuật khác nhau một trời một vực. Sáng nay, tôi cũng đã gọi điện cho các anh chị em và họ cũng cho rằng hai bức đó không phải của cha tôi", con gái út của họa sĩ nhấn mạnh.

Ngay sau khi đọc bài viết trên trang cá nhân của nữ diễn viên, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhìn nhận: "Nhà đấu giá cần phải liên lạc với gia đình, là những nhân chứng đầu tiên, để tránh những việc đáng tiếc xảy ra...".

Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương - Ảnh 6.

Lê Văn Xương vẽ tranh phong cảnh với nét vẽ bay bổng, tài hoa.

Còn nhà báo Lý Đợi thì cho rằng: "Thẩm định tranh là việc khó trên toàn thế giới, VN càng khó hơn. Nhưng với trường hợp Lê Văn Xương, còn gia đình, lại mới ra sách nghiên cứu, mà không hỏi qua một tiếng thì đúng là quá bất cẩn. Vì Y Lan sở hữu đến 80-90% tranh Lê Văn Xương, nên chị biết khá rõ bộ sưu tập tác phẩm của cha mình".

Một số họa sĩ khác bình luận,  bức "chân dung thiếu phụ" (lot26) không hề có khí chất tranh chân dung của cụ Lê Văn Xương.

Nhà đấu giá xin lỗi vì có sai sót trong tiểu sử

Ngay sau đó, đại diện PI, Giám đốc điều hành PI Auction House Nguyễn Đô Sơn đã có phần trả lời con gái cố họa sĩ Lê Văn Xương trên trang cá nhân của mình. Vị giám đốc này đã nhận lỗi vì trong cuốn catalogue có một số thông tin chưa chính xác về tiểu sử họa sĩ và các tác phẩm tham gia phiên đấu giá. 

Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương - Ảnh 7.

Tranh Lê Văn Xương.

"Tôi thành thật gửi lời xin lỗi đến chị Lê Y Lan (mặc dù chưa từng là bạn Facebook hay gặp gỡ nói chuyện với chị) về những bức xúc và nỗi buồn chị đang cảm nhận được. Tuy nhiên, tôi cũng xin trình bày với chị đầy đủ một số thông tin sau: Chúng tôi mắc lỗi dàn trang và xử lý nội dung trong việc đưa thông tin ''Lê Văn Xương tốt nghiệp cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Khóa XII 1937-1942'' trong cuốn tài liệu lưu hành nội bộ của PI, đáng nhẽ ra phải là "Lê Văn Xương học mỹ thuật từ người bạn Nhan Chí - tốt nghiệp cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Khóa XII 1937-1942"' – trong tài liệu lưu trữ thông tin của PI Auction House ghi chính xác là vậy. 

Về việc này tôi khẳng định đây không phải là "hành vi bịa đặt chuyện xấu xa cho người khác"' nên tôi nghĩ họa sĩ Lê Văn Xương không bị vu khống như tiêu đề chị viết trên trang cá nhân. Từ "vu khống" rất nặng nề, không đúng với sự trân trọng mà PI Auction House dành cho cố họa sĩ Lê Văn Xương mà đây chỉ là sai sót trong công tác nghiệp vụ của PI, rất mong chị thông cảm.

Về 2 bức tranh mà theo chị Lê Y Lan nói "Không phải của cha tôi'' thì đây là ý kiến của cá nhân chị, PI Auction House xin được ghi nhận và cân nhắc xem xét trong quy trình nghiệp vụ của PI. Xin khẳng định đây chỉ là ý kiến tham khảo, không phải là thông tin chính thức từ gia đình họa sĩ vì PI được biết họa sĩ Lê Văn Xương có nhiều người con, bức tranh này cũng có nguồn gốc từ một người con khác của họa sĩ, chị Lan không phải là người đại diện cho quyền nhân thân của những bức tranh do họa sĩ Lê Văn Xương vẽ", ông Sơn viết.

Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương - Ảnh 9.

Cuốn sách do gia đình biên soạn về các tác phẩm của cố họa sĩ.

Tranh cãi về tiểu sử và hai tác phẩm của cố họa sĩ Lê Văn Xương - Ảnh 10.

Chân dung tự họa của Lê Văn Xương.

Những bức tranh phong cảnh của họa sĩ Văn Xương đã tái tạo lại không khí Hà Nội ở thập niên 1940-1950 với những sắc màu trong trẻo, thanh bình. Ngoài số lượng lớn tranh phong cảnh, nhiều bức tranh chân dung tự họa về chính mình, vẽ chân dung vợ ông, văn sĩ Trần Diệu Tiên và con gái, nhà sưu tập Lê Y Lan, cũng được nhiều khán giả tham dự triển lãm yêu thích.

Họa sĩ Văn Xương học hội họa từ rất sớm, khoảng 1929-1930 do gia đình rước thầy về nhà dạy. Ông cũng là một trong số hiếm hoi họa sĩ Việt Nam và họa sĩ Pháp sống tại Việt Nam tổ chức được 3-4 triển lãm cá nhân trước năm 1954. Đặc biệt với triển lãm cá nhân Hà Nội 36 phố phường của ông diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 28.4.1953 từng thu hút được sự quan tâm của những người yêu thích nghệ thuật, thương gia, thậm chí cả giới quan chức, chính khách.

Theo gia đình họa sĩ Văn Xương ước tính, trong suốt cuộc đời sáng tác nghệ thuật của mình, không kể tranh dạng lưu niệm, Văn Xương đã vẽ khoảng 1.000 bức, trong đó có gần 100 tác phẩm về phố phường Hà Nội, vẽ từ giữa thập niên 1940 cho đến ngày qua đời.

Năm 1997 ông được trao huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

Còn Lê Y Lan là gương mặt ấn tượng trong Top 10 của Hoa hậu Việt Nam 1990, sau này là nhà sưu tập tranh. Mới đây, chị xuất hiện trong phim "5 chiến hữu" đang gây xôn xao trên các diễn đàn điện ảnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem