Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Quyết định 731/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình ban hành tháng 4/2023, xác lập diện tích rừng đặc dụng tại ba xã Nam Hưng - Nam Thịnh - Nam Phú của huyện Tiền Hải đang gây tranh cãi trong dư luận. Bởi, theo quyết định này quy mô rừng đặc dụng ở 3 xã trên (nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải ) chỉ còn 1.320ha, gồm 632ha đất rừng ngập mặn; 688ha đất chưa có rừng.
Đây là một trong những vùng lõi quan trọng thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam.
Chính UBND tỉnh Thái Bình trong Quyết định 2159/QĐ-UBND ban hành năm 2014 đã nêu: Mục tiêu của khu bảo tồn nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng; là vùng Việt Nam đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar, Khu dự trữ sinh quyển; bảo vệ cảnh quan, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước, đặc biệt là các loài chim nước di trú quý hiếm có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế…
Vị trí rừng đặc dụng ở vùng ngoài đê biển thuộc ba xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải; phía Bắc, phía Nam và phía Đông giáp Quy hoạch Khu đô thị, dịch vụ, nghỉ dưỡng, sân golf Cồn Vành – Cồn Thủ; phía Tây giáp Quy hoạch Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.
Trong khi đó từ tháng 9/2014, cũng chính UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 2159 phê duyệt đề án và xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với quy mô 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.
Còn theo Quyết định mới ban hành của UBND tỉnh Thái Bình, quy mô rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải chỉ còn 1.320ha.
Trước khi ban hành quyết định điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, vào tháng 3/2023 UBND tỉnh Thái Bình đã gửi xin ý kiến Bộ Xây dựng đối với đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đến năm 2040. Bộ Xây dựng đã có công văn số 1957/BXD-QHKT phúc đáp Công văn của tỉnh Thái Bình.
Về sự phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình và quy hoạch tỉnh Thái Bình, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030 đang được UBND tỉnh Thái Bình trình thẩm định, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Phương án tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn trong dự thảo Quy hoạch tỉnh xác định đô thị Nam Phú đến năm 2040 có quy mô dân số khoảng 30.000 người, là đô thị loại V.
Do đó, đề nghị lưu ý đảm bảo định hướng phát triển đô thị trong đồ án đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển hệ thống đô thị trong nội dung Quy hoạch tỉnh và đảm bảo sự thống nhất các cấp độ quy hoạch.
Ngoài ra, tại khu du lịch Cồn Vành, việc bố trí các chức năng hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ (ô đất ký hiệu B-HH29, B-HH30) là chưa phù hợp với phương án quy hoạch sử dụng đất tại Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đã được phê duyệt…
Cùng thời gian này, UBND tỉnh Thái Bình cũng đã gửi công văn xin ý kiến các Bộ ngành về việc đầu tư dự án xây dựng sân golf Cồn Vành.
Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải có diện tích sử dụng đất khoảng 110ha (trong đó sử dụng vào đất nông nghiệp 98,62ha, đất mặt nước ven biển 7,08ha, đất giao thông 4,3ha).
Cồn Vành cũng là một phần thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng và giáp với khu Ramsar Xuân Thủy.
Được biết, Bộ TNMT đã đề nghị UBND tỉnh Thái Bình làm rõ vị trí dự án nằm trong phân vùng môi trường nào; vị trí Dự án so với Khu bảo tồn thiên nhiên Tiền Hải, Khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng; khoảng cách của Dự án tới các khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường, đặc biệt là Khu bảo tồn đất ngập nước huyện Tiền Hải.
Một trong những căn cứ UBND tỉnh Thái Bình điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng, là để phù hợp với Quyết định 1486/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành ngày 28/10/2019 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Khu kinh tế Thái Bình có quy mô trên 30.583ha, gồm 30 xã, một thị trấn của hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Khu kinh tế bao phủ hầu hết các xã ven biển của tỉnh Thái Bình, gồm cả Nam Phú, Nam Hưng và Nam Thịnh, nơi có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.
Theo quy hoạch này, đến năm 2040, toàn bộ diện tích đất 30.583ha của Khu kinh tế Thái Bình sẽ được dùng vào các mục đích như khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, khu du lịch, dịch vụ tập trung, khu dân dụng đô thị, khu dân cư nông thôn, đất phục vụ các công trình hạ tầng, đất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
12.500ha Khu bảo tồn chỉ là con số ước lượng?!
PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình. Ông Thụy xác nhận lại Quyết định 2159 do ông Phạm Văn Ca - thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký phê duyệt đề án và xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với quy mô khu bảo tồn là 12.500ha, gồm 1.430ha rừng, 11.050ha đất ngập nước và bãi bồi.
Nhưng theo người đứng đầu Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình, đây "chỉ là con số ước lượng"?!
Vị lãnh đạo Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết, mục tiêu đặt ra khi thành lập khu bảo tồn là để bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước điển hình của vùng cửa sông Hồng, là vùng Việt Nam đăng ký vào danh sách vùng bảo vệ theo Công ước quốc tế Ramsar; Khu dữ trữ sinh quyền, bảo vệ cảnh quan, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực di trú của các loài chim nước, đặc biệt các loại chim quý hiếm có tầm quan trọng...
Thế nhưng, theo ông Thụy, do yếu khách quan, biến đổi khí hậu nên mục tiêu ban đầu đặt ra không đạt như kì vọng, lượng phù sa từ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình ít nên rừng nghèo, tính đa dạng sinh học không được như kỳ vọng ban đầu, phải chuyển sang mục đích khác để phát triển kinh tế.
"Năm 2014, UBND tỉnh làm chỉ ước lượng, chưa xác định quy mô, vị trí, ranh giới vì thế trong khoản 2, điều 3 của đề án nêu rõ, sau khi đề án được xác lập và kiện toàn lại tổ chức bộ máy, tiến hành lập quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn Tiền Hải... Đây là cơ sở để xác định về quy mô và diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Đồng thời đánh giá, xác lập vùng đệm Khu bảo tồn theo Thông tư số 10/2014/TT-BNNPTNT....
Con số 12.500ha chỉ là ước lượng. Lúc đó, chỉ quy định từ đê hắt ra... để ước lượng quy mô. Bây giờ chúng tôi xác lập, xác định lại, Khu bảo tồn Tiền Hải chính xác chỉ có 1.320ha. Nói giảm xuống là chưa chính xác", đại diện Sở NN&PTNT Thái Bình thông tin.
Người đứng đầu Sở NN&PTNT Thái Bình nói "chỉ ước lượng diện tích, chưa định rõ vị trí, ranh giới và đa dạng sinh học “rất nghèo” nhưng trong Quyết định 2159/QĐ-UBND tỉnh ban hành năm 2014 lại nêu rất cụ thể.
Theo đó, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải nằm về phía tả ngạn cửa sông Hồng thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Phía Tây giáp đê 6 thuộc các xã Nam Thịnh, Nam Hưng và Nam Phú. Phía Bắc giáp lạch sâu cửa Lân. Phía Nam là dòng sông Hồng. Phía Đông là dải cồn cát cao Cồn Vành, Cồn Thủ, chạy dài 15km từ của Ba Lạt đến cửa Lân, tiếp giáp với biển Đông.
Tọa độ địa lý từ 20°24'14'' đến 20°22' vĩ độ Bắc và từ 106°31' đến 106°37' kinh độ Đông.
Khu vực này lưu giữ những giá trị đa dạng sinh học, phóng phú với 215 loài chim, trong đó có 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước... Đây là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng với nhiều giá trị thiết thực.
Như vậy, có thể thấy trong Quyết định 2159/QĐ-UBND đã nêu rõ ranh giới, vị trí, tọa độ của Khu bảo tồn. Đồng thời, khu vực này cũng được xác định đa dạng sinh học, có tầm vóc quan trọng, khác hẳn với thông tin Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình cung cấp.
Ai chịu trách nhiệm?
Phóng viên đặt câu hỏỉ: Nguyên nhân nào khiến suốt 5 năm (từ 2014 đến 2019) tỉnh Thái Bình không xác định quy mô, diện tích Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải như đề án nêu?
Ông Thụy cho biết: "Không có nhân sự, biên chế. Đến năm 2017 tỉnh mới thành lập được Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Thế nhưng khi thành lập ra chưa có điều kiện xác lập, xác định diện tích. Năm 2019 có kinh phí, khi tiến hành xác lập thì vướng luật quy hoạch phải dừng lại".
Phóng viên hỏi: Ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm liên quan đến việc chậm trễ quy hoạch, xác địch diện tích Khu bảo tồn?
Ông Thụy cho biết: "Do lỗi khách quan!".
Có thể thấy, Quyết định 731 đã thu hẹp đáng kể diện tích rừng đặc dụng của Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải so với Quyết định 2154 của chính UBND tỉnh Thái Bình tại thời điểm năm 2014. Khi đó, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác lập diện tích rừng là 1.450ha.
Còn theo Quyết định số 484 ngày 13/3/2023 của UBND tỉnh Thái Bình về công bố hiện trạng rừng tỉnh Thái Bình năm 2022, khu vực 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh của huyện Tiền Hải có diện tích đất rừng trong quy hoạch lâm nghiệp là 989,37ha, còn lại là đất chưa có rừng, gồm sông, lạch, đầm nuôi thủy sản, cồn cát và vùng biển nước sâu.
Cũng theo các Quyết định mới ban hành tháng 3/2023 của UBND tỉnh Thái Bình, khoảng 357,37ha rừng có thể bị chuyển đổi mục đích sử dụng.
Giám đốc Sở NNPTNT giải thích: "Quyết định 2159 xác định 1.430ha rừng là chưa đúng, sau khi xác định lại thì con số chính xác là 989,37ha.
Diện tích rừng đặc dụng bị chuyển đổi khoảng hơn 300ha. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, diện tích này vẫn còn nguyên trạng, chưa bị chuyển đổi và đang được quản lý theo Luật Lâm nghiệp. Nếu chuyển đổi sang làm dự án sẽ phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng theo quy định của pháp luật".
Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Bình thông tin về những điều "chưa đúng" của Quyết định 2159 do UBND tỉnh Thái Bình ban hành năm 2014.
Tại buổi cung cấp thông tin cho một số cơ quan báo chí mới đây, ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc Sở NNPTNT Thái Bình cho rằng: Năm 2014, UBND tỉnh Thái Bình mới có Quyết định phê duyệt đề án và xác lập khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Hưng, Nam Thịnh và Nam Phú (Tiền Hải), lấy tên khu rừng đặc dụng là: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Tên gọi thôi chứ bản chất xác lập là khu rừng đặc dụng. Trình tự, căn cứ xác lập khu rừng đặc dụng theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 (nay là Luật Lâm nghiệp) và Nghị định 117/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ.
Để có thông tin khách quan đa chiều, PV Dân Việt liên hệ với ông Phạm Văn Ca - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, người ký Quyết định 2159 về phê duyệt đề án và xác lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Tuy nhiên, ông Ca cho biết ông không nhớ gì!
Trả lời báo chí, ông Đoàn Hoài Nam, Trưởng phòng Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc tỉnh Thái Bình tự ra quyết định khiến đơn vị bất ngờ.
"Trong quá trình xây dựng quy hoạch, năm 2020, tỉnh Thái Bình đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nghiệp và Phát triển nông thôn. Chúng tôi đã trả lời đây là khu bảo thiên nhiên được UNESCO công nhận nên phải có ý kiến đồng thuận của một số Bộ", ông Nam nói.
Theo vị Trưởng phòng, Khu bảo tồn là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận là một trong những vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu bảo tồn cũng liên quan đến các chương trình ứng phó biển đổi khí hậu theo Nghị quyết 102 của Quốc hội và được nhiều tổ chức quốc tế đầu tư.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.
Chuyển đổi từ 50ha diện tích rừng đặc dụng phải được Quốc hội thông qua
Điều 20 của Luật Lâm nghiệp 2017 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong đó, Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 50 ha trở lên, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 500 ha trở lên, rừng sản xuất từ 1.000 ha trở lên.
Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng dưới 50 ha, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới từ 20 đến dưới 50ha, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển từ 20ha đến dưới 500ha, rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1000ha.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.