Triển lãm "Mỹ thuật ứng dụng 2022": Mang giá trị thẩm mỹ vào đời sống
Triển lãm "Mỹ thuật ứng dụng 2022": Mang giá trị thẩm mỹ vào đời sống
Yến Linh
Thứ bảy, ngày 19/11/2022 17:32 PM (GMT+7)
Lần đầu tiên, Trường Đại học Kiến Trúc Hà Nội tổ chức một cuộc trưng bày chuyên sâu với các tác phẩm, sản phẩm thuộc lĩnh vực mỹ thuật công nghiệp trong dịp chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Giá trị thẩm mỹ ngày càng được chú trọng trong đời sống loài người. Cũng bởi vậy, mỹ thuật ứng dụng có mặt ở mọi nơi và góp phần vào các khía cạnh của cuộc sống, từ những sản phẩm nhỏ nhất cho tới các tác phẩm với quy mô lớn hơn, có thể kể tới thiết kế đồ họa, thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất, trang trí gốm, trang trí sơn mài…
Triển lãm "Mỹ thuật ứng dụng" năm 2022 do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của mỹ thuật ứng dụng. Quy tụ 43 tác giả, những sản phẩm trưng bày tại triển lãm mang lại cái nhìn đa diện thông qua nhiều lĩnh vực như đồ hoạ thương hiệu, thời trang, nội thất, tạo dáng công nghiệp, thiết kế game, mỹ thuật đa phương tiện…
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Trí Dũng - Phó Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết: "Triển lãm này phần nào cho thấy sự phong phú của các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong đời sống hiện nay. Từ bộ ấm chén, chiếc gối trong gia đình cho tới bức tranh treo tường, lọ gốm, lọ sơn mài, chúng đều được thực hiện tỉ mỉ, kỳ công với những kỹ thuật trong hội hoạ. Tại đây cũng có những thiết kế tạo dáng công nghiệp ứng dụng như máy hút ẩm, điện thoại, camera... Ngoài ra, chúng tôi còn đưa vào đây những tác phẩm đồ hoạ động (mutilmedia) như trailer game, quảng cáo để cho thấy mỹ thuật ứng dụng dần dần tiếp cận với công nghệ 4.0 như thế nào".
Chủ nhân của các tác phẩm trong triển lãm lần này là các giảng viên tham gia giảng dạy tại trường, những nhà thiết kế chuyên nghiệp, những sinh viên có tác phẩm có chất lượng cao: "Tại Đại học Kiến trúc Hà Nội, chúng tôi không dừng lại ở việc nghiên cứu và sáng tác trên bản vẽ. Ngay tại chương trình học cũng như yêu cầu đối với đồ án của sinh viên luôn bắt nguồn từ nhu cầu thực tế, tiếp cận với thị trường. Sau khi nắm bắt được thị hiếu, chúng tôi sẽ phát triển những sáng tạo dựa trên yêu cầu đó. Đương nhiên không phải chỉ phục vụ, bởi ngoài tính ứng dụng còn phải có tính mỹ thuật. Sự sáng tạo vẫn xuất hiện một cách mạnh mẽ, trên nền tảng thẩm mỹ" - ông Nguyễn Trí Dũng khẳng định.
Là một trong những tác giả tham gia triển lãm, hoạ sĩ Lê Bích Thuỷ mang tới đây những sản phẩm decor do chính chị tự tay sáng tạo: "Các sản phẩm của tôi được làm từ những vật liệu tự nhiên, mang theo triết lý sống tối giản, thuận tự nhiên. Tuy chúng mộc mạc nhưng có cá tính riêng, phù hợp với không gian sống hiện đại. Sản phẩm có thể sử dụng trong gia đình, spa hay khách sạn, làm quà tặng cho bạn bè, người thân.
Triển lãm này là một cơ hội giúp những sáng tạo của tôi tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn, cũng như hiểu hơn về thị hiếu của họ. Những người tham gia triển lãm đều bày tỏ sự hứng thú, thích thú khiến tôi rất vui mừng".
Tổ chức vào đúng dịp 20/11, triển lãm "Mỹ thuật ứng dụng 2022" mang lại nhiều cảm hứng cho các giảng viên và sinh viên tham dự. Nguyễn Hà (sinh viên năm thứ 2, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết triển lãm lần này cho em cái nhìn rõ nét hơn về những gì mình có thể làm trong tương lai, với sự hỗ trợ của những người đi trước: "Triển lãm được tổ chức đúng dịp 20/11 như một lời nhắc nhở chúng em tiếp tục sức sáng tạo và sự đam mê của các giảng viên, nhà thiết kế, qua đó góp phần khẳng định vai trò và vị thế của ngành Mỹ thuật ứng dụng trong cuộc sống hiện đại".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.