Triệt phá đường dây buôn lậu xe sang xuyên quốc gia

Thứ hai, ngày 17/06/2019 06:56 AM (GMT+7)
Nhóm của Đông làm giả hàng trăm bộ giấy tờ, đưa nhiều ôtô hạng sang từ nước ngoài về hợp thức hóa, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Bình luận 0

Công an Hà Tĩnh nhận tin báo có đường dây mua bán, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để hợp thức hóa ôtô nhập lậu từ Lào về Việt Nam; cầm cố, lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ tháng 11/2018.

Nhóm tội phạm lợi dụng chính sách cho phép phương tiện cơ giới hai nước Việt - Lào thông quan, từ đó làm giả hàng trăm bộ giấy tờ, đưa hàng chục xe sang từ nước ngoài về Việt Nam để hợp thức hóa, thu lợi bất chính nhiều tỷ đồng.

Ba người tổ chức đường dây gồm Trần Quang Đông (28 tuổi, trú Đồng Nai), Đinh Thị Vân (51 tuổi, trú Nghệ An) và Trịnh Sỹ Hùng (26 tuổi, trú huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ngoài hoạt động ở Lào, nhóm của Đông còn làm ăn ở các tỉnh thành như Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nha Trang, Đồng Nai...

img

Nghi can Trần Quang Đông. Ảnh: C.A

Đông chỉ đạo đàn em làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu; Vân chịu trách nhiệm "phù phép" biển số ôtô, xe máy từ giả thành thật; Hùng lo lót việc buôn lậu ôtô từ Lào về Việt Nam.

Nắm được cách tổ chức đường dây, Ban chuyên án đã cử các tổ công tác tới nhiều địa bàn nằm vùng, phối hợp công an tỉnh bạn thu thập chứng cứ. Do không gian hoạt động chủ yếu trên mạng nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn. Có lúc manh mối vừa hé lộ đã bị chúng xóa sạch.

"Hàng chục cán bộ công an phải xa nhà nhiều tháng để đeo bám từng mắt xích trong vụ án. Khi tiếp xúc với chúng, nhiều kẻ rất manh động, ra sức chống đối, gây áp lực cho lực lượng điều tra", lãnh đạo Công an Hà Tĩnh nói.

img

Ôtô nhập lậu tiền tỷ bị thu giữ. Ảnh: C.A

Cuối tháng 4/2019, Ban chuyên án quyết định "cất vó". Nhiều mũi trinh sát tới các tỉnh thành nơi Đông, Vân và Hùng đặt đại bản doanh, bao vây xung quanh. Khi chỉ huy ra lệnh từ bộ đàm, hàng chục tổ công tác trên nhiều tỉnh đồng loạt ập vào nhà các nghi can, khống chế không cho chúng kịp trở tay.

Khám nhà của ba tên, cảnh sát thu 26 ôtô hạng sang trị giá hơn 40 tỷ đồng; hơn 200 biển số ôtô, xe máy giả; một bộ dụng cụ chuyên sản xuất biển số, gần 400 mẫu phôi, con dấu của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền...

Đông khai, cuối năm 2018, biết nhiều người cần làm giấy tờ giả liên quan đến ôtô, ngân hàng nên lên mạng tìm hiểu, học cách làm giả để bán lại. Anh ta mua dụng cụ về chế tác ra tem kiểm định, giấy chứng nhận thế chấp tài sản ngân hàng, đăng kiểm... để hợp thức hóa cho ôtô nhập lậu, xe máy trộm cắp.

Quá trình làm giả giấy tờ, Đông gặp gỡ vào móc nối với Vân, Hùng để cùng nhau buôn ôtô lậu nhằm hưởng chênh lệch cao. Mỗi bộ giấy tờ giả, Đông bán từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Nếu một ôtô nhập lậu được tiêu thụ thành công, nhóm này có thể thu lời hàng trăm triệu đồng.

Đến nay, Đông, Vân, Hùng cùng 7 người khác trong đường dây đã bị khởi tố về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức và Buôn lậu, theo Điều 341, 188 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo đại tá Võ Trọng Hải, Giám đốc Công an Hà Tĩnh, đây mới là giai đoạn một của vụ án, đơn vị đang mở rộng điều tra để bắt thêm những người liên quan đến đường dây trong giai đoạn hai.

Ôtô trong đường dây buôn lậu bị cảnh sát niêm phong.

Đức Hùng (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem