Trồng loài hoa dại hay mọc hoang ven đường, bông nở nhiều màu độc lạ, nhiều người tìm đến xem

Thứ sáu, ngày 16/10/2020 15:00 PM (GMT+7)
Từ chỗ là hoa dại ven đường, loài ngũ sắc qua bàn tay con người đã thăng hoa thành cây cảnh bonsai. Trào lưu chơi cây bonsai hoa ngũ sắc ở tỉnh Gia Lai đang dần thành hình rõ nét hơn khi số lượng người chơi ngày một tăng.
Bình luận 0
Mặc dù mới bén duyên với dòng bonsai hoa ngũ sắc từ đầu năm 2020 nhưng anh Lê Tấn Triển (144/16 Ngô Gia Khảm, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) cũng đã tuyển được gần 20 gốc có đường kính 17-20 cm. Từ phôi gốc nguyên bản, anh Triển ghép thêm giống hoa ngũ sắc Thái Lan để tạo dáng.
 
“Dòng cây này rất thuần tính, có thể tạo thế bonsai theo ý tưởng người chơi, ghép hoa đơn sắc hoặc đa sắc nên mỗi cây đều mang tính sáng tạo, có giá trị sưu tầm cá nhân”-anh Triển vui vẻ cho biết.
 
Trồng loài hoa dại hay mọc hoang ven đường, bông nở nhiều màu độc lạ, nhiều người tìm đến xem - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (tổ 2, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) chia sẻ về kỹ thuật ghép hoa ngũ sắc. Ảnh: Sơn Ca

 Bình quân mỗi phôi gốc ngũ sắc có giá tầm 300-400 ngàn đồng. Khi cây hoa ngũ sắc đã vô chậu, uốn tạo kiểu dáng và ghép hoa giống Thái Lan thì tùy thuộc dáng thế, tính độc lạ mà giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/cây.

Với đặc tính loài hoa dại sinh trưởng tự nhiên, ưa nắng và chịu hạn, có thể ra hoa quanh năm nên cây hoa ngũ sắc có sức sống mãnh liệt, dễ dàng chăm sóc khi trở thành dòng cây cảnh bonsai.

Anh Huỳnh Thanh Tâm (13/17 Chu Văn An, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) đang sở hữu gần 60 gốc ngũ sắc lớn nhỏ. 

Anh chia sẻ: “Tôi bắt đầu đam mê chơi bonsai hoa ngũ sắc hơn 1 năm nay. Kinh nghiệm chọn cây cho thấy, đa phần gốc bản địa tỉnh Gia Lai là cây bụi, thân có gai nhỏ, lá có mùi hăng nhẹ đặc trưng, dòng hoa đơn sắc, thân thế mọc đơn giản. Để tuyển chọn một cây đạt chuẩn bonsai thì phải là cây lâu năm, thân gốc có kiểu dáng độc đáo, tán rộng”.


Không chỉ bó hẹp tại TP Pleiku, phong trào chơi bonsai hoa ngũ sắc đang lan tỏa ra nhiều địa bàn, hình thành các nhóm chơi bài bản. Đơn cử như nhóm của anh Nguyễn Tiến Dũng (tổ 2, thị trấn Đắk Đoa, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) sở hữu khoảng 300 gốc bonsai hoa ngũ sắc, đa phần là gốc từ phía Bắc đưa vào.

 
Khác với giống cây bản địa tỉnh Gia Lai, phôi gốc ngũ sắc phía Bắc có dáng thế độc lạ, trổ nhiều nu trên thân. Nhờ vẻ đẹp tự nhiên của phôi gốc cộng thêm kỹ thuật ghép bông, tạo tán, tạo thế đã góp phần tôn lên giá trị thẩm mỹ lẫn giá trị kinh tế.
 
“Trước mắt, tôi và 4 người bạn đầu tư sưu tầm bonsai hoa ngũ sắc là để thỏa niềm đam mê. Mỗi gốc phôi đưa về, chúng tôi bỏ công chăm sóc, ghép thêm giống hoa ngũ sắc Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản sao cho cây bonsai thành phẩm vừa mắt, ưng ý mình nhất. Nếu có bán thì nó phải đạt xuất sắc về mặt tổng thể”-anh Dũng cho hay.  
 

Hoa ngũ sắc là loài hoa hoài niệm, gắn liền với ký ức tuổi thơ của rất nhiều người. Điều này lý giải vì sao phong trào chơi cây cảnh bonsai hoa ngũ sắc tại tỉnh Gia Lai thu hút khá nhiều người. Vừa gần gũi, vừa mới lạ trong dáng vẻ mới nên theo nhận định của giới chơi cây cảnh, nhu cầu giao lưu trao đổi, sưu tầm bonsai hoa ngũ sắc đang trên đà thuận lợi.


Sơn Ca (Báo Gia Lai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem