Trồng mai vàng, cả làng ở tỉnh Vĩnh Long ăn Tết khá giả

Thứ hai, ngày 31/01/2022 06:07 AM (GMT+7)
Những ngày này, không khí mùa Xuân đang ngập tràn ở làng trồng cây mai vàng Phước Định, thuộc ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Bình luận 0

Ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) hiện có trên 150 hộ trồng với số lượng hơn 30.000 gốc mai các loại. Nghề trồng cây mai từ một thú vui, một món ăn tinh thần giờ đây đã thực sự trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho người dân, khó khăn hay sung túc cũng trông vào cây mai. 

Dịp Tết năm nay, nhà vườn trồng mai phấn khởi hơn khi thị trường tiêu thụ tưởng chừng khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì nay lại sôi động như những năm trước. Nhà vườn trồng cây mai vàng tất bật đưa mai sang chợ hoa Xuân để bán, một số thì để mai ở nhà chờ thương lái đến tận nơi thu mua.

Trồng mai vàng, cả làng ở tỉnh Vĩnh Long ăn Tết khá giả - Ảnh 1.

Cây mai vàng được người dân ở làng mai vàng Phước Định, xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) tạo dáng độc đáo hình con phụng hoàng.

Cả làng ăn Tết “khá”nhờ trồng cây mai vàng

Làng nghề mai vàng Phước Định được xem là nơi cung cấp mai cho thị trường Tết hàng năm tại Vĩnh Long và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Mai vàng Phước Định có đặc trưng là mai 5 cánh, dáng bonsai kiểng cổ, mai y. 

Thương hiệu mai vàng xứ này đã được khẳng định khi nhiều thương lái, khách hàng khó tính từ nhiều tỉnh, thành đều tin tưởng đến tìm mua. Nhờ đó, người dân nơi đây nhiều năm nay cũng “ăn nên làm ra” với nghề trồng mai, nhất là thời điểm cận Tết.

Năm nay, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người trồng mai thấp thỏm. Tuy nhiên, những ngày qua, số thương lái tìm đến tăng đáng kể khiến người dân phấn khởi. Một năm chăm sóc, nhà vườn chỉ trông chờ vào vụ Tết để có thu nhập vừa đón Tết vừa là nguồn vốn tái sản xuất cho năm sau.

Với kinh nghiệm gần 40 năm gắn bó với nghề trồng mai, ông Tiêu Hùng Minh (xã Bình Hòa Phước) cho biết, cây mai vàng đã mang đến kinh tế ổn định cho nhiều gia đình nơi đây, từ chăm lo việc học cho đến sắm sửa trang hoàng nhà cửa, tất cả đều trông chờ chủ yếu từ nguồn thu nhập bán mai vào dịp Tết Nguyên đán. 

Tuy nhiên, để có được một cây mai đẹp, bán được giá cao trong ngày Tết thì đòi hỏi người trồng mai phải mất nhiều năm chăm sóc, uốn tỉa và định thế cho chậu mai, hội tụ đủ 4 yếu tố: “nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ”. 

Chính vì là nguồn thu nhập chính nên hàng năm cứ vào thời điểm cận Tết là người dân lại hồi hộp, phần trông thời tiết phần lo thị trường tiêu thụ. Chỉ có bán được mai, có thu nhập thì  Tết mới trọn vẹn.

Ông Tiêu Hùng Minh chia sẻ: "Năm nay dịch bệnh, bà con ai cũng lo không bán được mai. Tình hình mua bán như mấy hôm nay khiến bà con rất phấn khởi. Ở đây thì cây mai là một nguồn thu nhập chính, trồng một năm trời chỉ thu chủ yếu thời điểm này. Bán được vài chục đến một trăm triệu đồng thì bà con cũng tích góp mua sắm đồ Tết trong nhà, phần còn lại dành dụm lo cho con ăn học hoặc qua Tết tìm những cây mới về trồng chuẩn bị cho Tết năm sau”.

Ông Lê Văn Tý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Mai vàng Phước Định cho biết, nghề trồng mai đã có ở ấp Phước Định 2, xã Bình Hòa Phước mấy chục năm qua. Nghề trồng mai trước đây là một thú vui tao nhã, nghệ thuật truyền thống từ cha ông để lại, nhưng theo thời gian, nhu cầu thưởng thức cây kiểng của người dân ngày càng đa dạng vào dịp Tết đến, Xuân về cây mai là cây không thể thiếu trong nhà nên nhờ đó đời sống người trồng mai khấm khá hơn. 

Dần dần các hộ trồng mai ngày càng nhiều, nghệ thuật trồng mai cũng phát triển với những kỹ thuật cao hơn, từ đó trở thành nghề mang thu nhập chính của người dân trong làng nghề. 

Từ đầu tháng 11/2021, Hợp tác xã Mai vàng Phước Định chính thức được thành lập với 30 thành viên. Đây là điều kiện để nghề trồng mai được phát triển hơn, mang lại kinh tế ổn định hơn cho nhiều hộ dân.

Ông Lê Văn Tý nói: “Kinh tế chính của bà con ở đây là trông vào cây mai. Chỉ cần bán được 1-2 cây mai là bà con ăn Tết sung túc rồi. Năm nay thương lái vẫn đến tấp nập nên bà con ai cũng vui mừng. 

Qua thống kê sơ bộ, một số bà con đã bán được gần 7 tỷ đồng tiền mai, một số thì đang đem mai sang chợ hoa Xuân, hoặc tiếp tục đón thương lái đến tận nhà để mua. Ngày xuân ngày Tết, cây mai vàng nở cả xóm, cả sân khiến không khí phấn khởi nhưng càng phấn khởi hơn khi mai vàng bán được giá, giúp người dân đón Tết đầy đủ và sung túc”.

Món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đến những con đường, từng sân vườn ở làng mai vàng Phước Định, du khách sẽ bị thu hút bởi sắc vàng rực rỡ của những vườn mai. 

Những chậu mai lớn nhỏ được người dân chưng trong sân vườn, thềm nhà và cả những cành hoa được trang trí trên tủ thờ. 

Sắc mai rực rỡ đem đến cho người dân một niềm vui, hy vọng trong năm mới. 

Theo ông Lê Văn Tý, cây mai vàng được xem là biểu trưng cho Tết bởi theo quan niệm của người dân màu vàng của hoa mai là màu tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý và may mắn, báo hiệu điều tốt lành cho cả năm. 

Vì ý nghĩa đó mai vàng không thể thiếu được trong nhà người dân vào dịp Tết với ý nghĩa cầu mong sự tốt lành, may mắn trong năm mới. 

Trồng mai vàng, cả làng ở tỉnh Vĩnh Long ăn Tết khá giả - Ảnh 4.

Anh Lê Văn Hòa ngụ xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long chăm sóc những chậu mai chuẩn bị cho ngày Tết.

Với mai vàng Phước Định, hoa mai có một ý nghĩa đặc biệt hơn vì ở làng nghề này chỉ toàn là loại mai 5 cánh, tượng trưng cho ngôi sao 5 cánh trên lá cờ của Tổ quốc. Chính vì niềm tự hào này, người dân trong làng nghề vẫn luôn giữ nét truyền thống là trồng mai 5 cánh, không chọn những loại mai ghép khác.

Là thế hệ trẻ tiếp nối nghề trồng mai truyền thống của gia đình, đến nay anh Lê Văn Hòa ở xã Bình Hòa Phước đã có gần 20 năm gắn bó với nghề trồng mai. Không chỉ chăm sóc cho vườn mai của gia đình, anh còn là nghệ nhân chuyên đến tận nhà để chăm sóc, bảo trì mai cho nhiều khách hàng. 


Anh Lê Văn Hòa cho biết, người trồng mai không chỉ là người chăm sóc mà còn phải xem cây mai là đứa con tinh thần, chăm sóc quanh năm. Nhờ chịu khó sưu tập, chăm sóc, tạo dáng, đến nay anh đã có được nhiều cây mai có dáng, thế rất đặc biệt.

 Anh Lê Văn Hòa chia sẻ: “Trồng mai mang đến kinh tế cho mình, nhưng cái đam mê thì còn lớn hơn. Có những cây khi thật sự đam mê thì dù khách trả bao nhiêu tiền cũng không bán. Bởi để có một cây mai với dáng thế vừa ý phải rất tốn công, người trồng mai phải suy nghĩ, sáng kiến để tạo ra những dáng độc đáo. Mình chăm sóc nó mỗi ngày nên thường cây nào ưng ý thì mình không bán”.

Còn với ông Tiêu Hùng Minh, nghề trồng mai tuy rất cực nhưng lại khiến ông tự hào vì góp phần mang đến không khí mùa Xuân tươi mới cho mọi người. 

Ông Tiêu Hùng Minh phấn khởi chia sẻ: “Những ngày đầu năm mới, dù có bao nhiêu chuyện để nói với nhau nhưng câu chuyện thường xuyên của người dân trong làng nghề vẫn quanh quẩn bên cây mai, người thì mừng vì bán được mai, người thì lo cho chuyện chăm sóc, tìm mua mai… Càng phấn khởi hơn khi ngày xuân ngày Tết, du khách tìm đến với làng nghề để du xuân, chụp ảnh, hân hoan tìm hiểu về  nghề trồng mai . Tin rằng nghề truyền thống này còn sống mãi với thời gian”.


Lê Thúy Hằng (TTXVN/Báo Tin tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem