Trồng sen tỏa hương, khoe sắc, người dân Ninh Bình thu hàng trăm triệu đồng/năm
Quy trình trồng sen 4 mùa không hề đơn giản
Huyện Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) là địa phương phát triển du lịch phong phú, đa dạng, thu hút hàng triệu khách du lịch trong nước và ngoài nước mỗi năm.
Năm 2019, huyện Hoa Lư triển khai trồng cây nông nghiệp kết hợp phục vụ du lịch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương.
Theo UBND huyện Hoa Lư, toàn huyện có 3.000 ha đất canh tác trồng lúa. Nhưng do địa hình đồi núi chiêm trũng dẫn đến việc gieo trồng lúa gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, đầu năm 2019, huyện đã chuyển đổi 6,2 ha đất trồng lúa sang trồng sen Nhật Bản kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Ông Đỗ Đức Hồi, chuyên gia nghiên cứu kỹ thuật tại đầm sen Hang múa cho biết: "Giống sen này khi đưa về năm 2019 có đặc tính cực kỳ khó trồng vì không hợp với thổ nhưỡng ở đây. Trải qua 6 tháng rất vất vả cứ trồng nó lên rồi nó lại chết, tôi phải nghiên cứu sâu về các loài thủy sinh, mày mò am hiểu để áp dụng với nó. Sau khi tôi nghiên cứu thành công năm 2019, năm 2020 UBND huyện Hoa Lư mới đưa các nhà cung cấp về, xin chủ trương của UBND tỉnh để xin đầu tư cho toàn tỉnh."
Theo ông Hồi, những giống sen này có vòng đời rất dài, trước gọi là sen mùa đông, bây giờ du khách về đây đặt tên cho nó là sen 4 mùa. Vì bắt đầu từ mùa xuân đã có hoa nở bói, đến mùa hè, thu là mùa chính vụ nó nở rộ nhất, sang mùa đông các nhà nghiên cứu làm cho nó nở được một vụ nữa.
Khi chăm sóc hồ sen cần nhiều nhân lực và phải thực hiện quy trình rất nghiêm ngặt, từ cấy trồng, chăm bón và xử lý các thuốc bảo vệ thực vật, các thiên địch làm hại cây.
"Có 3 loại thiên địch, loại thứ nhất là từ con sâu khoang được sinh ra từ trứng kiến sau này trở thành con bọ dóm. Loại thiên địch thứ hai là con nhện, nhện trắng, nhện xanh, nhện đỏ, nhện vàng,… nó hút hết các chất dinh dưỡng trong thân, trong lá rồi nó gói lại như cái tổ tò vò. Loại thứ 3 là con dệp, nó cứ bám chặt vào cái thân cây nhằm nó hút nước. Cây sen có đặc tính thơm, ngọt nên các loại thiên địch tấn công rất mạnh, cứ từ 10 đến 15 ngày phải phun thuốc diệt thiên địch 1 lần." Bà Hoa - nhân viên chăm sóc sen tại hồ cho biết.
Lợi nhuận từ nghề trồng sen gấp 5, gấp 7 lần trồng lúa
Hiện nay, đầm sen Hang Múa thuộc sở hữu được trồng 4 loại sen: sen hồng cánh đơn của Nhật, Sen mẫu đơn nghìn cánh giống cao sản Thái Lan, sen super cánh trắng và loại sen để khai thác củ.
So với trồng lúa, trồng sen này mang lại lợi nhuận gấp 5-7 lần vì cây sen này không chỉ thu hoạch về hoa, củ, thủy sản mà còn thu hoạch về cả thương mại phục vụ du khách tới chụp ảnh.
"Đối với mỗi 1 sào bắc bộ trồng sen thì chi phí nhân công chăm sóc, giống, phân cao gấp đôi trồng lúa, tuy nhiên lợi nhuận mang lại cao hơn hẳn. Đặc biệt, trồng sen bà con chỉ cần đầu tư giống một lần cho 5 năm mà mình không phải mất công cày bừa vì bên dưới đã thả cá sục bùn" Ông Hồi chia sẻ thêm.
Anh Nguyễn Văn Hưng (Hoa Lư, Ninh Bình) chia sẻ: " Tôi được biết UBND huyện khuyến khích các hộ nông dân kết hợp với các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ khu vực cây trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Tuy nhiên nó tồn tại một khó khăn, mình không thể manh mún nhỏ lẻ được, diện tích phải đủ để sản suất, thường thì phải từ 1 đến 2 ha. Sản xuất kiểu nhỏ lẻ như trồng lúa thì không thể nào làm được. Khi mình muốn làm thì buộc phải tích tụ ruộng đất cho nên gia đình tôi chưa đủ điều kiện để chuyển đổi."
Mô hình trồng sen, kết hợp nuôi trồng thủy sản cho giá trị kinh tế từ 230-300 triệu đồng/ha. Theo những thương lái thu mua hạt sen xuất khẩu sang Trung Quốc, do dịch Covid giá sen thành phẩm giảm, họ thu mua 27.000 đồng/kg hạt sen khô, 25.000 đồng/kg hạt sen chè, 35.000 đồng/kg ngó sen. Đối với mỗi sào hoa sen hồng cánh đơn, người nông dân sẽ thu về khoảng 7 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.