Phóng viên Keira Lu Huang của báo SCMP nói rằng một quan chức làm việc cho một tập đoàn nhà nước yêu cầu không nêu tên đã nhận được chỉ thị nói trên qua điện thoại từ Bộ Thương mại Trung Quốc. Ba công ty Trung Quốc khác đang thực hiện các gói thầu ở Việt Nam cũng nhận được chỉ thị như vậy, các nguồn tin xác nhận.
Một quan chức làm việc tại văn phòng cấp phép dự thầu của bộ này cũng xác nhận có chỉ thị cấm như trên nhưng nói rằng ông ta không biết lệnh cấm sẽ kéo dài bao lâu.
Trong khi đó, ông Xu Liping, chuyên viên về quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á tại Viện chiến lược quốc tế thuộc Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh muốn gây sức ép kinh tế lên Chính phủ Việt Nam. “Đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chơi lá bài kinh tế. Hiệu quả đến đâu thì chúng ta phải chờ xem”, ông Xu nói với báo SCMP.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2004; nhưng trong quan hệ thương mại hai chiều, Việt Nam luôn bị thua thiệt với tỷ lệ nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn và tăng rất nhanh.
Về đầu tư, Trung Quốc (kể cả Hồng Kông) chỉ xếp thứ 11 trong số các nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Hiệp hội doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam cho biết hiện có 113 công ty Trung Quốc làm ăn tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực điện và hóa chất.
Vì thế, theo ông Zhang Jie, một chuyên viên đối ngoại khác ở Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, tác động của lệnh cấm dự thầu này sẽ “rất hạn chế” ở Việt Nam. “Trung Quốc không thể đe dọa phát triển kinh tế ở Việt Nam vì khối lượng hoạt động của chúng ta ở đó là quá nhỏ bé”, ông Zhang nói.
“Ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc được tham gia đấu thầu thì trong tình hình hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng sẽ không để cho nhà thầu Trung Quốc được thắng”, ông Zhang nói thêm.
(Theo TBKTSG Online)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.