Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thưa Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân! Tháng 12 là tháng của những người đàn ông Việt Nam, tháng có ngày truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và phải nói rằng, trong cảm nhận của rất nhiều người Việt, Trung tướng Phạm Tuân là một trong những biểu tượng rất tiêu biểu của những quân nhân đất Việt, một người anh hùng trong chiến tranh chống xâm lược, một anh hùng trong hòa bình và công cuộc chinh phục vũ trụ ở tầm quốc tế. Xin mạn phép được thay mặt những bạn đọc gần xa, chúc Trung tướng luôn được mạnh khoẻ, giữ được sự lạc quan, phong cách như ông đã từng như thế trong mấy chục năm nay, chúc ông tiếp tục giữ được năng lượng tinh thần luôn dồi dào, phóng khoáng!
Anh hùng Phạm Tuân: Trên thế giới ít có đội quân nào như quân đội Việt Nam, như người lính Cụ Hồ…. Nhiều niềm vui, nhiều xúc động, nghĩ về ngày xưa, về bây giờ và cả tương lai nữa. Đây cũng là dịp gặp gỡ anh em, đồng đội. Và việc các bạn vẫn còn nhớ đến những người cũ kỹ như bọn tôi cũng là niềm vui…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Anh hùng thì không bao giờ là cũ cả. Những người lính Cụ Hồ cũng luôn thế, dù đã là cựu chiến binh thì vẫn mang trong mình tinh thần và phong cách luôn là mới mẻ của những người lính-nhân-dân đất Việt…. Thưa ông, bây giờ ngồi đây, sau hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, ông có còn nhớ cảm giác của ông ngày đầu nhập ngũ không? Khi ấy, ông có nghĩ rằng rồi mình sẽ trở thành một phi công chiến đấu và một Anh hùng không?
Anh hùng Phạm Tuân: Tôi có ngày nhập ngũ đặc biệt, đúng ngày 2/9/1965. Lúc đó cả nước ra quân, mình cũng trong đoàn quân chung thế thôi. Tôi cũng không bao giờ nghĩ mình thành một phi công. Ngày xưa ở nông thôn có biết không quân là gì đâu, mơ ước thành một phi công thì nó cũng khó lắm. Tôi chỉ nghĩ mình thành một người chiến sĩ. Khi đó tôi còn trẻ, chỉ nghĩ mình theo đoàn quân chiến đấu thế thôi, không nghĩ gì về sống chết cả. Ngày nhập ngũ cũng là kỷ niệm sâu sắc. Tôi không nghĩ sau này mình trở thành anh hùng, trở thành một vị tướng thì lúc đó sẽ thế nào.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thái Bình và một số tỉnh lớn ở đồng bằng Bắc Bộ là những "cái nôi" cung cấp nhiều người lính ra chiến trường. Nhiều người đã hy sinh, nhưng cũng có nhiều anh hùng hôm nay vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của đất nước. Đầu những năm 80, trên báo Quân đội Nhân dân, khi viết về anh, có nhà báo viết rằng: Thuở ấu thơ, chú bé Phạm Tuân được bố bế lên, hướng lên mặt trời như một mơ ước… Không biết những thông tin kiểu này mà người ta viết về ông, thực ra như thế nào?
Anh hùng Phạm Tuân: Tôi có cảm giác nhiều khi những người viết có cá nhân của họ trong đó, và đôi khi muốn định hướng một chút. Cái đó thì cũng là tốt thôi. Người ta muốn là mình trở thành phi công thì ít nhất khi là trẻ con mình đã mơ ước rồi, hay là ông già bà già thấy thằng này có lẽ nó giỏi đây, từ bé, chẳng hạn. Người ta lồng cái gì đó cá nhân vào…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Chứ còn sự thật thì Anh hùng Phạm Tuân hồi bé đã không phải như thế?
Anh hùng Phạm Tuân: (cười):…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Con đường trở thành Anh hùng của mỗi một con người đều không ai giống ai. Đôi khi trở thành anh hùng là sự tình cờ, nhưng tựu trung cũng phải cần những tố chất bẩm sinh nào đấy, yếu tố rèn luyện nào đấy. Cuộc đời ai cũng có cơ hội, nhưng không có những yếu tố bên trong mà mình chuẩn bị trước thì không thể nào tận dụng được cơ hội đó. Sự tình cờ nào, và ông đã phải tự mình làm gì để trở thành một phi công chiến đấu và lập được những chiến công như vậy?
Anh hùng PhạmTuân: Tôi nghĩ thế này: Mình làm bất cứ việc gì cho đất nước, kể cả là bộ đội, là công nhân, nếu là con người có suy nghĩ chín chắn, đúng, thì không bao giờ nghĩ là tôi sẽ phấn đấu trở thành anh hùng. Cứ mong muốn tôi thế này thế kia thì không bao giờ đạt được. Cứ làm đi rồi xã hội sẽ đánh giá. Mình làm tốt thì mình sẽ được. Còn nghĩ mình phải thể hiện, phải bóng bẩy để người ta đưa mình lên thì không bao giờ được.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Vâng, sự vinh danh cũng như những vinh quang, thường tới như tình yêu trong thơ Hoàng Nhuận Cầm, "bất ngờ không báo động"…
Anh hùng Phạm Tuân: Làm sao để được trở thành Anh hùng? Thì tôi vẫn nói rằng tôi là may. Nhưng có lẽ may ở đây là nói theo cách đơn sơ, đúng ra là thời cơ. Thời cơ cho mọi người là như nhau, gặp địch như nhau, nhưng anh nào bản lĩnh tốt hơn thì tìm được chiến thắng. Cùng một trận chiến, có người đánh được có người không. Đó là do bản lĩnh. Bản lĩnh gồm ý chí và biết làm. Anh chỉ có ý chí quyết tâm thì không làm được. Ngược lại, anh tài thật nhưng không có ý chí, gặp địch sợ rồi thì làm sao được? Hai yếu tố kết hợp với nhau, ý chí và cách làm, là hai yếu tố then chốt thể hiện bản lĩnh. Tôi nghĩ bản lĩnh đơn giản như thế thôi. Ý chí và cách làm, biết đánh và biết thắng.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Con người ta, rất nhiều người gặp được thời cơ, nhưng không có sự chuẩn bị, không có bản lĩnh, không có vận may. Vận may trong chuyện này rất ít, chủ yếu do bản lĩnh của mình, sự dũng cảm của mình, thì may ra mình mới tận dụng được thời cơ ấy, đạt được thành tựu mà người khác không đạt được. Có một số người nói mà tôi không đồng tình: Xây dựng đơn vị thành điển hình tiên tiến, thành Anh hùng. Theo ông, có thể xây dựng thành Anh hùng được không?
Anh hùng Phạm Tuân: Tôi cũng đã từng nhận xét ở một đơn vị bộ đội. Anh em đề ra là phấn đấu trở thành Anh hùng. Tôi nói điều này không thể được. Ý nghĩ trở thành Anh hùng thì cũng có thể, nhưng nói phấn đấu trở thành Anh hùng thì không được. Anh phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, và khi hoàn thành thì anh có thể trở thành Anh hùng. Chứ còn đôi khi anh cố gắng làm này làm kia để gắng nâng mình lên, thì tôi nghĩ cái đó chưa hoàn toàn đúng…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Ông có nhớ trận chiến đấu anh đã hạ B52 không? Và ngay lúc đó ông có nghĩ mình đã làm gì đó rất anh hùng, rất đột biến không, hay là vẫn như ông nói, hoàn toàn là một thời cơ mà mình đã tận dụng được, mà ngay lúc ấy chưa cảm thấy cái gì to lớn vĩ đại cả, mà sau này nghĩ lại mới nhận thức được tầm cỡ của nó?
Anh hùng Phạm Tuân: Trước khi nói tới trận tôi đánh được B52 thì có lẽ phải nói tới đêm 18/12/1972, là cái đêm B52 lần đầu tiên đánh Hà Nội. Tôi là người xuất kích, xuất kích trong điều kiện đặc biệt mà nếu là bây giờ nghĩ lại thì thấy mình khó có thể làm được. Mọi người vẫn nói rằng, ông Tuân sao may mắn thế! Tôi ngồi ở sân bay, lúc đó máy bay địch đánh vào đường băng rồi. Tôi đã phải lái máy bay lăn ra cất cánh trong điều kiện xung quanh lửa cháy. Máy bay lăn trên đường băng mấp mô, lộc cộc, lộc cộc... Bình thường ra, máy bay phải cất cánh trên một đường băng thật sạch, không có một hòn sỏi nhỏ nào, vì sỏi có thể bị hút vào động cơ. Thế nhưng mình vẫn lái máy bay lăn ra và cất cánh. Rồi lúc về hạ cánh thì đèn không có, ánh sáng không đủ theo yêu cầu tối thiểu. Sở chỉ huy không cho hạ cánh, nhưng mà máy bay hết dầu rồi nên tôi quyết tâm phải hạ cánh. Tôi hạ cánh thì máy bay tiếp vào hố bom luôn, nảy lên và nghiêng 90 độ rồi lật ngửa. Đấy là rất may, không hiểu thế nào mà mình vượt qua được, không làm sao cả...
Sau đó, gần chục đêm đánh nhau, chúng ta cất cánh nhiều lắm, nhưng đánh không được, không hạ được chiếc B52 nào cả. Đến hôm đưa tôi lên Yên Bái cất cánh đánh B52, cấp trên căn dặn rất nhiều. Anh Soát gặp tôi còn nói "Mày bắn được B52 thì tao cõng mày từ dưới chân đồi lên hầm". Ai nhìn thấy cũng dặn cố gắng. Trách nhiệm đặt lên mình nặng lắm. Các phi công khác cũng được căn dặn, động viên…
Mọi người đều nhìn mình với ánh mắt mong mỏi lắm. Họ không trách móc đâu, nhưng bản thân mình thì thấy có gì hơi tủi, mình chưa làm tròn trách nhiệm. Trước đây thì mình cứ đòi đi đánh nhau, phi công chiến đấu mà không bắn được máy bay địch thì làm sao còn gọi là phi công chiến đấu! Xin đi chiến đấu, cấp trên bảo thôi, các anh là phi công để đánh máy bay B52, phi công đánh đêm, cứ chờ đấy, khi nào có nhiệm vụ… Thì bây giờ nhiệm vụ đến rồi mà mình chưa làm được. Mà cấp trên nói thế là đúng, phải dự trữ phi công bay đêm, không đem ra đánh ngày, nhỡ rơi mất thì không còn. Nhiều khi cấp trên xuống động viên, mình cảm thấy như có gì trong lòng. Anh nào cũng quyết tâm bay lên gặp B52 để hạ nó...
Đêm hôm ấy, 27/12/1972, tôi cất cánh lên. Đã rút kinh nghiệm những trận trước, gặp máy bay địch, cấp trên nói vượt qua nó mà đi thôi thì mình vượt qua và đi tiếp. Đêm ấy, tôi phát hiện được B52 từ rất xa. Khi phát hiện, trên cho phép vào phục kích. Khi vào cách khoảng 10km thì vẫn còn máy bay hộ tống địch xung quanh. Tôi nói, các anh quan sát, khi nào nó lại gần thì báo cho tôi. Lúc đó hồi hộp lắm, chỉ sợ nó chạy mất. Lúc đó ở dưới 3-4 đài chỉ huy đều báo lên, về sau Sở chỉ huy Quân chủng phải lệnh tất cả các sở chỉ huy khác không dẫn nữa, để Sở chỉ huy Quân chủng dẫn, và nhắc tôi hết, không sót một tí gì. Đến cự li khoảng 5-6km thì nhắc tôi chú ý bật công tắc tên lửa rồi thế này thế khác. Thời gian chỉ có mấy chục giây thôi, nhưng cảm thấy dài vô cùng. Thế rồi tôi mới nói, các anh yên tâm, nhất quyết tôi sẽ bắn được. Về sau, có anh chỉ huy mới nói với tôi, đúng mày người Thái Bình, người ta nói "quyết tâm" thì mày bảo "nhất quyết". Thực ra lúc đó mình đang nung nấu ý nghĩ quyết đánh, thì thấy các anh ấy nói nhiều quá nên mình mới nói thế…
Vào đến cự li khoảng 3km, cấp trên cho bắn, tôi bảo chờ một tí. Khẩu lệnh thứ hai, tôi cũng bảo chờ một tí. Tới sau khẩu lệnh thứ ba thì tôi mới bắn. Các anh ở bên dưới sợ mình ham quá lại đâm vào nó, nên giục "bắn, thoát ly ngay" nhưng mình chưa bắn, chỉ nói rất nhanh "chờ tí". Mấy giây sau tôi bắn, quan sát thấy máy bay địch nổ bùm cái. Không nhìn thấy cả máy bay đâu, chỉ nhìn thấy điểm lửa trước mắt. Mình kéo máy bay lên, nhìn lại thì thấy F4 nó đuổi đằng sau rồi nên chạy.
Giờ có những anh hỏi lúc bấy giờ nghĩ thế nào? Lúc bấy giờ thì phớt qua một cái thôi là mình bắn rồi, không kịp nghĩ cái gì. Máy bay địch thì còn đầy, sở chỉ huy dưới nói lên ríu rít các thứ. Nhao xuống đến khi hạ cánh xong, cảm thấy sứ mệnh mình đã hoàn thành. Nhưng lúc bấy giờ còn lo lắm, bởi trước anh Rạng (Vũ Đình Rạng – HTQ) đã bắn trúng, nhưng nó chưa rơi ngay… Sau đó gần sáng, điện đài báo Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chúc mừng Không quân bắn rơi máy bay B52. Lúc bấy giờ vẫn hồi hộp, vì còn không biết hôm qua ngoài mình cất cánh, còn anh nào nữa không? Nghĩa là sau khi xuống rồi, mới cảm thấy thoải mái, mình đã làm được sứ mệnh. Đây là trận đầu tiên, là người đầu tiên bắn rơi B52. Đó là trọng trách của mình trước một tập thể lớn lao…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Ngay sau đó thì cũng nửa tin nửa ngờ, chưa dám chắc là máy bay B52 bị bắn rơi là chiến công của mình?
Anh hùng Phạm Tuân: Đúng thế… Đêm hôm sau anh Thiều (Vũ Xuân Thiều – HTQ) cũng cất cánh từ sân bay như thế và bắn rơi thêm một chiếc. Đấy là sự khẳng định rằng chúng ta đã tìm ra được cách đánh. Tôi nghĩ đó là bản lĩnh của người chỉ huy, bản lĩnh của phi công ở chỗ đó. Chứ nếu cứ hô quyết tâm, cứ nhao nhao vào không đánh được đâu.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Đúng là chiến công của ông gỡ bỏ được rào cản tâm lý rất quan trọng. Và phải rất nhiều thử nghiệm không thành công mới đạt được thành công. Không thể đơn thuần là sự may mắn, mà đó là sự rèn luyện và bản lĩnh sẵn có.
Anh hùng Phạm Tuân: Bây giờ ngồi nghĩ lại thì thấy thế này. Phòng không có 2 lực lượng là không quân và tên lửa. Tên lửa đã chạm trán với địch rất nhiều, tổn thất rất nhiều, mới rút ra kinh nghiệm. Đánh từ Vinh ra Thanh Hoá rồi Hải Phòng, từng bắn tám chín chục quả tên lửa không rơi máy bay nào. Mỹ thấy thế đắc chí, nhưng sau đó tên lửa tìm ra được cách đánh…
Còn không quân, thời đó tập luyện thì đều là "tập giả", máy bay dùng máy bay của ta tập, không có nhiễu, không có gì cả. Mình huấn luyện chay rất nhiều, không sát với thực tế, không có những điều kiện huấn luyện như thực tế.
Những cái đó thì giờ phải suy nghĩ lại. Để chiến đấu được, phải có rèn luyện bản lĩnh cho bộ đội, y như thật. Rèn luyện cả ý chí và kỹ thuật!
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Tôi cũng từng là một nhà báo quân đội mấy chục năm. Theo ông, có phải việc tuyên truyền về không quân có thể chưa đạt đủ độ chân thực, khiến nhiều khi xã hội chưa hiểu đúng về không quân, về những khó khăn gian khổ, chưa hiểu được rằng để đạt được mục tiêu thì cần vô cùng nhiều yếu tố, chứ không chỉ là một công việc lãng mạn với các anh phi công đẹp trai được các cô gái yêu quý?
Anh hùng Phạm Tuân: Đúng là vẫn còn hình thức một chút, chưa thực sự phản ánh được thực tế khách quan của đơn vị, con người, người chiến sĩ. Còn nhiều vấn đề lắm, có lẽ do cách tuyên truyền chúng ta thường tránh nói mặt trái vì nó không hay. Đã viết, thường viết mặt phải. Người ta muốn báo cáo thành tích, không ai muốn báo cáo khuyết điểm.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Đúng là chỉ có thể tiến bộ nếu nhìn ra được điểm còn chưa tốt của mình. Xây dựng quân đội, chúng ta chỉ mong muốn hoà bình lâu dài thôi. Nhưng sống trong hoà bình lâu dài, những người cầm quân không hiểu rõ những khó khăn nguy hiểm thời chiến thì rất khó tạo ra bài tập đúng tầm cho các quân nhân, nhất là không quân.
Anh hùng Phạm Tuân: Đánh giá 1 phi công, chiến sĩ cực kỳ khó, phải cực kỳ sâu sắc mới đánh giá được bản chất. Bản chất con người không phải lúc nào cũng bộc lộ. Trong đơn vị, trong thời bình, có những người là tiên tiến, chiến sĩ thi đua thế này thế khác. Có những người xuềnh xoàng, thậm chí còn những vi phạm này nọ nữa kia. Nhưng khi vào cuộc chiến thì mọi người mới thể hiện được chính bản chất của mình.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Vâng, chỉ có lửa mới thử được vàng…
Anh hùng Phạm Tuân: Điển hình là Anh hùng Đỗ Văn Lanh, là bạn tôi, khi bình thường nói năng cộc lốc, hay có những phản ứng, tác phong không tốt v.v… Nên hay bị cán bộ chính trị nhắc nhở. Nhưng khi vào chiến đấu, anh Lanh đánh nhau cực giỏi, bắn rơi 4 máy bay địch trong thời gian rất ngắn. Thậm chí ngay cả khi máy bay tắt máy trên không rồi, anh Lanh vẫn còn hạ cánh được. Có lần máy bay bị bắn vỡ đuôi, anh ấy vẫn quyết tâm lái máy bay về, hạ cánh được. Hay anh Võ Sĩ Giáp cũng thế…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Vâng, anh hùng Võ Sĩ Giáp đã chọn cách hy sinh thân mình để cứu các em nhỏ, lái chiếc máy bay đã bị trúng đạn địch ra khỏi khu vực có trường học ở phía dưới và lao xuống ruộng… Mặc dù khi ấy, anh đã được Sở chỉ huy cho phép nhảy dù…
Anh hùng Phạm Tuân: Đúng thế… Vậy nên tôi nói đánh giá con người, làm sao biết được bản chất con người không phải là dễ, đòi hỏi chúng ta phải kỳ công. Người chỉ huy phải biết từng con người một để biết sử dụng họ như thế nào. Phải thấy được ý chí thể hiện thế nào, chứ không phải chỉ nghe một hai câu nói mà đánh giá người ta thế này thế kia.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Chúng ta rất tôn trọng các quy trình, nhưng phải hiểu những con người không tầm thường thì hay phạm vào những tiểu tiết trong các quy trình. Họ không thích tự "đẽo chân" của mình cho vừa "giày" của tổ chức.
Anh hùng Phạm Tuân: Những người bản lĩnh, tự tin thì thường là họ không nghe theo những gì mà họ thấy là không đúng. Người ta thể hiện bản lĩnh, bản chất, chứ không phải nhắm mắt theo người khác. Còn về phần người chỉ huy thì quan trọng là mình phải biết nghe, chứ đừng nghĩ mình là cấp trên thì cái gì cũng là đúng hết. Thấy cấp dưới người ta cãi thì mình phải phấn khởi, và phải suy nghĩ xem người ta cãi thế là đúng hay không đúng. Đừng vì thấy người ta nói không đúng ý mình mà trù úm hay không có cảm tình…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Bản thân người chiến sĩ Phạm Tuân, khi còn ở cấp bậc bình thường, là người ngoan ngoãn tuân theo quy chế, hay là người giữ bản sắc không giống ai?
Anh hùng Phạm Tuân: Lúc bình thường, tôi nghĩ mình là người mà nhiều chỉ huy không thích lắm. Mình hay nói trái, hay phản biện. Bây giờ tôi vẫn thế. Gặp bất cứ chuyện gì cũng thế, không bao giờ mình nói kiểu tôi hoàn toàn nhất trí, nhưng thế này thế kia, mà mình nói, tôi nhất trí chỗ này, không nhất trí chỗ này. Ở đơn vị ngày xưa mình cũng không phải loại chăm chỉ lắm. Tuy chưa đến mức "đầu gấu" nhưng cũng không phải người ngoan ngoãn…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang (cười): Không "gọi dạ, bảo vâng, lễ phép ngoan suốt ngày"…
Anh hùng Phạm Tuân: (cũng cười) Ví dụ, có lần họp rút kinh nghiệm sau chuyến bay, có anh phi công lên nói là tôi cất cánh lên nhìn thế này thế kia, lòng căm thù quyết tâm thế này thế khác. Mình ở dưới bèn nói là "Mẹ! Mai nếu mà tôi bắn rơi máy bay thì tôi sẽ nói là nghĩ như thế từ lúc mở máy!". Thế nào mà cấp trên các ông ấy nghe thấy. Hôm sau, phó chính ủy xuống hỏi: Tối hôm qua rút kinh nghiệm, cậu phát biểu thế nào thế?" Tôi bảo, tôi chả nói gì cả. Ông ấy bảo, không, anh em nói cậu nói gì gì ấy, đại khái thế. Tôi bảo à, tôi có nói, vì thực tế đi chiến đấu, lúc mở máy cất cánh lên, nhìn xuống đất cháy nổ thì đúng thật. Nhưng lúc bấy giờ mới lòng căm thù trào sôi thì với tôi không có đâu. Căm thù mình phải có từ trước, phải rèn luyện thành ý chí của mình rồi. Chứ lúc bấy giờ mới tôi căm thù, tôi quyết xông lên thì cảm thấy nó hơi khách sáo một chút…
Cũng may là ông phó chính ủy thì biết tôi, biết mình bay tốt, nhiệm vụ nặng nề cũng hoàn thành, tuy còn kém nhiều anh em khác, nhưng cũng được sử dụng nhiều và đến hết chiến tranh, mình cũng là át chủ bài, và chỉ có nghe thấy ngang tai trái mắt thì mới nói thế…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Trong chiến tranh, ông đã được huấn luyện phi công ở Liên Xô?
Anh hùng Phạm Tuân: Cuộc đời của mình thì may mắn thế này. Tôi thi tuyển phi công ở Việt Nam không trúng, sang Liên Xô học thợ máy năm 1965. Sang năm 1966 phi công ta trượt bay cũng nhiều, nên họ mới tuyển lại số thợ máy để đưa lên phi công. Vì thế nên tôi mới trở thành phi công chiến đấu, và về nước chiến đấu.
Chiến đấu xong thì đi học ở Học viện Gagarin. Sau đó thì tuyển phi công vũ trụ. Thực ra thì lúc đầu, tôi không có tên trong danh sách. Khi đó, phía Việt Nam đã cử 4 anh sang Liên Xô để tuyển lấy 2 phi công vũ trụ, nhưng cuối cùng chỉ được có 3 là anh Cốc, anh Kháng, anh Liêm. Và lúc bấy giờ đã định chọn anh Cốc rồi. Nhưng do thiếu một người dự tuyển theo đúng quy định nên gọi thêm tôi cho đủ, theo kiểu quân đỏ quân xanh. Mình có lẽ được chọn làm quân đỏ… Đến lúc khám kỹ thì thế nào thì phía Liên Xô lại chọn tôi.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang (cười): Chắc ông thích hợp với tiêu chí của Liên Xô hơn là Việt Nam?
Anh hùng Phạm Tuân: Chuyện là thế này, mình bị tim bẩm sinh. Nếu quá trình tuyển chọn diễn ra trong một thời gian rất ngắn thì mình không đáp ứng đủ yêu cầu. Thế nên khi dự tuyển phi công ở Việt Nam thì mình chỉ đạt tiêu chuẩn làm thợ máy… Nhưng nếu quá trình xét tuyển kéo dài hơn thì mình lại không làm sao cả và đạt được yêu cầu. Đến giờ, đo bình thường thì mình vẫn loạn nhịp tim. Phía Liên Xô họ tuyển theo cách của họ, chứ với bác sĩ Việt Nam thì mình trượt từ đầu (cười)…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Ông đã được học tập và huấn luyện ở thành phố Ngôi sao, rồi trở thành phi công vũ trụ. Giai đoạn đó đã giúp ông có thêm những kỹ năng gì?
Anh hùng Phạm Tuân: Trong quá trình tập bay vũ trụ, yếu tố tự quyết, tự tin là rất quan trọng. Trong vũ trụ, việc điều khiển rất phức tạp, nên làm bất cứ điều gì phải tự tin vào mình, làm đúng, trúng, chuẩn xác. Rèn luyện cho mình tính kiên trì và tỉ mỉ. Nó không như phi công chiến đấu, lúc nào cũng ầm ầm. Mình là phi công chiến đấu quen rồi, giờ phải trở lại, ngăn nắp lại.
Khi ở học viện, anh Soát, anh Đễ, anh Thái và tôi cùng lớp, có lần ông Hiệu trưởng, là Đại tướng, Anh hùng Không quân, đã tập hợp cả trường nói: Các anh cứ nói Nga giỏi hơn Việt Nam, nhưng các anh nhìn đây: Việt Nam học rất giỏi, đứng đầu cả!
Sang Trung tâm vũ trụ, các nước học 3 năm, mình chỉ học 1,5 năm. Cuối cùng được nhận xét là một trong những tốp tốt nhất. Từ lúc học đến lúc thi, lúc bay, không hề có khuyết điểm, sơ sẩy gì.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Khi bay vào vũ trụ, ông có mang theo một số thí nghiệm khoa học mà các nhà khoa học VN đã chuẩn bị, trong đó có bèo hoa dâu. Về sau kết quả chuyển về có được phát triển gì không, có ích gì cho nghiên cứu khoa học sau này không, hay chỉ là một lần thử nghiệm rồi thôi?
Anh hùng Phạm Tuân: Đây là chương trình dài hạn, thí nghiệm không chỉ một lần là xong. Trong rất nhiều thí nghiệm sinh học, hóa học, vật lý thì riêng bèo hoa dâu không phải là thí nghiệm mình mang đi. Người ta muốn xem trong vũ trụ có một cây gì đó sống, phát triển được, hút cacbonic nhả oxy, làm xanh không gian. Bèo hoa dâu mang lên là để trên đó, chứ không phải mang lên để mang về, để nhân giống cho Việt Nam. Để hiểu sai về việc này, khuyết điểm là của các nhà báo. Không phải tôi mang bèo hoa dâu lên rồi mang về trái đất để nuôi…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Truyền thông Nga tới giờ vẫn ra rả nói, thời kỳ những năm 70-80 ở Liên Xô là "giai đoạn trì trệ". Nhưng tôi và ông cũng đã đều ở Nga thời gian đó. Khi ấy nhiều người Việt sang Liên Xô có lúc đã ngỡ, đó đã như thể "thiên đường". Theo cảm nhận của ông, thực tế xã hội Xô viết thời kỳ đó như thế nào?
Anh hùng Phạm Tuân: Thực sự mà nói, khi đó chúng ta chưa đi các nước khác nên thấy Liên Xô là một thiên đường. Nhưng thực tế thì Liên Xô so với các nước khác thì vẫn ở một tầm thấp. Hàng hóa rất đơn giản, chưa có mẫu mã thương hiệu, còn thiếu thốn, tuy nhiên là tốt. Chúng ta sang thì thấy thiên đường, nhưng thực tế trì trệ lắm. Ngay các thầy giáo Xô viết cũng nói rồi. Sùng bái cá nhân lên cao quá. Lúc đó có rất nhiều giai thoại, tiếu lâm chính trị về các đồng chí lãnh đạo của Liên Xô, đặc biệt là ông cao nhất: 4 lần tuyên dương anh hùng, viết một cuốn sách mà khắp nơi hội thảo, họp hành thì đâu cũng phải đưa lên làm chủ tịch danh dự. Đó là dấu hiệu của suy thoái…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Trình độ khoa học vũ trụ của Liên Xô đã là rất cao. Tại sao ở một cường quốc có trình độ khoa học vũ trụ cao như thế, nhưng lại để hạ tầng cơ sở, đời sống sinh hoạt lại thấp như thế? Mâu thuẫn này nói lên điều gì, theo ông?
Anh hùng Phạm Tuân: Có 2 vấn đề. Thứ nhất là lãnh đạo điều hành kinh tế, theo cách kế hoạch hóa, quá cào bằng, không phát huy được năng lực của con người. Thứ hai, Liên Xô gánh cho quá nhiều nước, giúp cho Việt Nam, cho các nước Đông Âu, Cu Ba… cho theo kiểu cộng sản chủ nghĩa. Hai yếu tố kết hợp với nhau nên phát triển không kịp…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang (cười): Vung tay quá trán?!
Anh hùng Phạm Tuân (cũng cười):…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Chắc ông còn nhớ khi học trong các trường quân sự của Liên Xô, có môn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô và triết học Mác-Lênin. Giáo trình dạy thường có những quyển sách tóm tắt các vấn đề và lý giải các trích dẫn. Chúng ta đã học về chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng phần lớn là không đọc những tác phẩm kinh điển gốc, mà chỉ học theo những trích dẫn, tức là bó buộc trong cách nhìn của người biên soạn các trích dẫn đó. Điều đó giúp chúng ta tiếp nhận mau hơn các nguyên lý kinh điển, nhưng lại làm mất sức sáng tạo của chúng ta vì bị bó buộc theo ý của người xử lý tài liệu đó. Ông nghĩ thế nào về việc này?
Anh hùng Phạm Tuân: Tôi hoàn toàn nhất trí. Có lẽ rất ít người đọc "chính gốc" Mác - Lenin. Người trích dẫn, qua tiếng Trung, qua tiếng Việt thì nhiều. Nó lồng theo quan điểm chỉ đạo của từng cá nhân, từng giai đoạn. Ví dụ về hợp tác xã, Lenin viết rất rõ là có 7 bước để đưa người dân vào hợp tác xã, dần dần từ từ để vận động, người ta tình nguyện đóng góp vào, ai vào thì vào, ai không thì ở ngoài. Thế nhưng về Việt Nam thì đôi khi ở nông thôn nếu không vào thì chết, không thể dần dần từ từ, không thể tự nguyện, có trâu phải góp vào luôn, có ruộng phải góp vào luôn, phải vào ngay. Thi đua XHCN cũng thế, gốc nó là sự tự giác của mỗi người, để người ta tự thấy phải làm điều đó, ta lắm khi lại biến thành thi đua một cách hình thức….
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Những nhà khoa học, lý thuyết kinh điển không bao giờ suy nghĩ đơn giản, một chiều, vì nội hàm cuộc sống luôn phức tạp.
Anh hùng Phạm Tuân: Lenin đã từng sử dụng cả các yếu tố tư bản chủ nghĩa, nhưng ta thì có lúc đã đánh tư bản…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Nguyên do là không đọc hết, mà chỉ trích dẫn. Cái này quan trọng với thời đại chúng ta: Hãy cho học sinh tiếp cận bản gốc để có cách suy nghĩ đầy đủ hơn. Không nên áp đặt sự cắt cúp nào của thế hệ đi trước, kể cả có kinh nghiệm, vì như thế sẽ làm mất sự sáng tạo.
Anh hùng Phạm Tuân: Trước tác có một hệ thống tiếp nối nhau. Cắt khúc chỉ phục vụ nhiệm vụ mục tiêu chính trị nhất thời. Thuận lợi thì ta cắt đoạn này, không thuận lợi thì cắt đoạn kia. Đôi khi nó không phải là dòng chảy xuyên suốt từ trong lý luận ra ngoài thực tiễn.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Trong tư duy phương Đông, để ca ngợi những ông quân sư nói chung, người ta thường truyền tụng: tướng ra trận hay được giao cái túi chứa bí kíp các quân sư, khi gặp việc này thì mở. Nhưng tình huống thực tế bao giờ phong phú hơn những gì mà các ông quân sư đã có thể nghĩ ra. Phải kích thích sự sáng tạo của người trong cuộc chứ không nên chỉ tuân theo lời mách bảo từ bên ngoài.
Anh hùng Phạm Tuân: Thực tế khách quan khác nhau, phải bám sát thực tế để xử lý khác nhau. Ngay ở cùng dưới một bầu trời Việt Nam, huyện này tỉnh này đều có cái khác nhau. Xử lý điều kiện đó trong từng trường hợp cụ thể khác nhau.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Các phi công đều được hình dung như biểu tượng hào hoa và yêu văn học nghệ thuật. Ông cũng là người yêu văn học nghệ thuật hay chỉ đơn thuần yêu thích một số người làm văn học nghệ thuật?
Anh hùng Phạm Tuân: Về nghệ thuật, phải nói thật tôi không phải là người giỏi giang gì lắm…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Ông đã đọc tiểu thuyết "Vùng trời" chưa ạ?
Anh hùng Phạm Tuân: Tôi đã đọc "Vùng trời" của nhà văn Hữu Mai. Anh Hữu Mai rất sát với Không quân, nằm với Không quân rất nhiều. Anh ấy viết quyển đó về lớp đầu của Không quân, lớp anh Trần Hanh. Các nhân vật đều lấy từ những người cụ thể của Không quân để hình tượng hóa. Anh ấy định làm nhiều tập, nhưng tiếc là được tập 1 xong rồi thôi.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Gần đây nhiều nhân vật nổi bật của không quân viết hồi ký, ông nghĩ thế nào?
Anh hùng Phạm Tuân: Tôi đánh giá cao những người viết để nhân dân hiểu thêm về không quân. Trước đây chỉ có nhà văn viết thôi. Giờ thì chính những người từ Không quân làm sách. Viết nhiều nhất là anh Nguyễn Công Huy 4-5 quyển, anh Phạm Phú Thái viết 2 quyển, anh Nguyễn Đức Soát, anh Nguyễn Văn Nghĩa, anh Phương Minh Hòa cũng ra sách, rồi nhiều anh khác viết, có cả sách viết về anh Nguyễn Văn Bảy nữa. Đấy là những việc làm tốt, làm phong phú thêm tư liệu, và những thứ ngày trước chưa viết được thì bây giờ viết ra.
Tháng 12-2007, tôi đã viết sau một lần gặp gỡ trong khung cảnh đồng đội với Anh hùng Phạm Tuân:
"Dường như những hào quang đã được xây dựng (một cách xứng đáng và công bằng) quanh tên tuổi của anh đã không thể làm anh đổi khác tâm tính và những thói quen cố hữu. Và cả phong độ can trường hiếm có, đã được đào luyện chu đáo. Cách anh đối xử, đầy gượng nhẹ và nâng niu với phu nhân của mình, chị Tiến, cũng khiến tôi rất cảm động. Đã đi cùng nhau những chặng đường dằng dặc như thế, không phải lúc nào cũng chỉ là mật ngọt, hai con người này có lẽ tới lúc đã ngộ ra một điều căn bản nhất trong hôn nhân: Họ thực sự là những đồng đội cốt tử nhất của nhau. Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn nhớ một câu mà Anh hùng Phạm Tuân, tươi cười, mắt hơi mơ màng xa vắng, nâng ly rượu mừng ngày 22-12, nói với những người lính chúng tôi, người bằng tuổi anh, người kém tuổi anh khá nhiều nhưng đều yêu quý những người như anh và QĐND Việt Nam: "Các cậu ạ, bây giờ tớ mới hiểu ra rằng, vợ nói cái gì cũng phải!". Rồi anh cười phá lên, nhìn sang phía chị Tiến đang ngồi cùng với những người vợ của chúng tôi, mắt xem chừng còn đung đưa lắm… Chúng tôi cũng cười phá lên cùng anh và cảm thấy trong lòng mình dường như cũng ấm dần lên…"
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Ông có một cuộc hôn nhân hạnh phúc và trọn vẹn. Nhưng chắc chắn một phi công như Phạm Tuân thì luôn có nhiều người mê. Ông đã ứng xử thế nào với những người phụ nữ từng mê ông? Và bác sĩ Tiến, hiền thê của ông, ứng xử thế nào với những người ấy? Ông đánh giá cao nhất điều gì ở người bạn đời chung thủy và dài lâu của mình?
Anh hùng Phạm Tuân: Cái này thì Hồng Thanh Quang làm cho mình khó nhỉ. Đã nói phi công là nói đến cái gì bay bổng rồi. Không riêng gì Việt Nam đâu. Phi công chiến đấu lớp chúng tôi thành tích cũng cao, con người đa số là cao ráo, nhiều anh đẹp trai lắm. Anh hùng hảo hán đánh nhau cũng nhiều, rồi thông tin đại chúng cũng khiến người dân biết nhiều hơn, nhất là ở các đô thị lớn nên các chị em quan tâm cũng nhiều…
Tôi thì lấy vợ ngay trong thời kỳ chiến tranh. Nếu như sau chiến tranh mới lấy vợ thì có khi các mối tình nó lại khác. Trong chiến tranh thì chân chất thôi, hai bên đều là bộ đội. Nhà vợ hai chị em đều lấy phi công, nên rất hiểu về không quân, chia sẻ rất nhiều những cái mất mát của đồng chí bạn bè, càng hiểu sâu sắc hơn về chồng con của mình. Tôi nghĩ đó là hạnh phúc của phi công.
Còn những chị em khác có ngưỡng mộ thì mình phải xử lý sao cho đúng đắn thôi. Tôi đi ra ngoài, chị em xin chụp ảnh, thậm chí có người xin phép ôm một cái, thì cũng không vấn đề gì. Suy nghĩ mộng mơ người này người khác đôi khi cũng có, nhưng nó phải ở trong chừng mực nào đó, vì mình là người như thế rồi, không phải mình bó buộc mình nhưng mình phải giữ được điều gì đó để không khiến mình phải ân hận.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Ông là một trong không nhiều huyền thoại sống của con người Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Có rất nhiều điều ông đã làm được. Nhưng liệu ở thời điểm này nhìn lại quá khứ, có điều gì ông nghĩ mình lẽ ra phải làm, rất muốn làm, mà chưa làm được, khiến ông phải day dứt không?
Anh hùng Phạm Tuân: Cũng có chứ không phải không. Nhiều người nói với tôi: Anh thành tích có, lái máy bay, bay vũ trụ. 41 tuổi đã phong tướng, thời đó là trẻ lắm. Lẽ ra anh phải vào vị trí này, lẽ ra phải thế kia. Cấp dưới của mình còn lên cao hơn nhiều… Và nghĩ lại, mình có lẽ là đơn giản quá, đơn giản cả trong cuộc sống và các mối quan hệ. Mình thích chơi thế này, anh em bạn bè vui vẻ. Nếu mình chỉn chu hơn chút nữa, chăm chút hơn nữa trong các mối quan hệ thì có lẽ đã khác, nhưng mình không làm được điều đó và cũng không hối tiếc gì…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Người luôn tận tình với cuộc sống thì không cần phải hối tiếc gì về quá khứ. Vì mình đã sống đúng mình và luôn chân thành với mọi sự. Cái gì mình đạt được là của mình, và mình không cần gì hơn thế…
Anh hùng Phạm Tuân: Tôi đã uống rượu nhiều và hay nói chuyện đùa, mà không thay đổi được. Cái đó cũng hạn chế mình, nhưng mình không có gì tiếc. Đến giờ hưu vẫn thấy rất thoải mái, không phải cám ơn quá mức ông này ông kia, "đội ơn" ông ấy đã giúp mình chức này chức kia. Mình rất thoải mái, gặp thủ trưởng nào mình vẫn rất tôn trọng, không có chỗ nào mình phải ân hận.
Bay chiến đấu mình cũng hoàn thành, bay cao nhất là vũ trụ giao cho mình cũng hoàn thành, chỉ huy đơn vị hoàn thành không để xảy ra cái gì. Lúc về hưu sướng nhất có 2 cái: Thứ nhất là về công tác cán bộ, thứ hai về tài chính, mình không dính dáng điều gì không phải cả. Mình không kéo ai làm bậu xậu của mình, không dìm ông nào, ông nào ghét mình thì mình cũng không ác ý gì. Nhiều người bảo, thằng này thằng kia không thích anh sao anh không thay đi… Mình bảo: Có phải nó là con tôi đâu? Nó là người của đơn vị, ghét tôi là chuyện của nó, chứ không phải vì ghét tôi mà tôi đuổi nó đi.
Về tài chính, tôi từng quản lý cả hệ thống công nghiệp quốc phòng, rồi cả ngân hàng, nhưng mình không phạm lầm lỗi gì. Tôi cho rằng, làm cán bộ thì hai cái đó là quan trọng nhất. Khi tôi còn ở đơn vị, anh em bảo: Tiêu chuẩn xe, chúng em mua cho anh cái xe thật tốt để đi. Tôi không nhận, tôi bảo cứ nhà nước cho cái gì đi cái đó thôi. Nhà cửa có thế nào thì ở thế…
Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Xin cám ơn ông rất nhiều về cuộc trò chuyện này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.