Tính từ vòng loại World Cup 2026 diễn ra vào tháng 6/2024, HLV Kim Sang-sik đã trải qua 5 trận đấu chính thức lẫn giao hữu quốc tế cùng ĐT Việt Nam. Nhà cầm quân người Hàn Quốc chỉ giành được 1 trận thắng, 1 kết quả hòa và thua đến 3. Toàn đội ghi được 6 bàn thắng (1,2 bàn/trận), một thông số ở mức vừa phải. Nhưng ngược lại, đội bóng của ông Kim dẫn dắt đã để thủng lưới đến 11 bàn thua (2,2 bàn/trận). Đáng lo hơn khi trận đấu nào hàng thủ của ĐT Việt Nam đều bị đối phương xuyên thủng.
Thực tế, hơn một nửa trong tổng số 11 bàn thua mà ĐT Việt Nam phải đón nhận đến từ những sai lầm cá nhân. Riêng thủ môn Đặng Văn Lâm trở thành tác nhân chính khiến đội nhà để thủng lưới 2 lần ở trận đấu gặp Nga đợt FIFA Days tháng 9 và một lần khi tiếp đón Philippines hồi tháng 6.
Còn 2 bàn thua tại trận giao hữu với Thái Lan xuất phát từ lỗi của trung vệ Nguyễn Thanh Bình (chọn điểm rơi sai) và hậu vệ Nguyễn Phong Hồng Duy (phá trượt bóng). Mới nhất trong trận hòa 1-1 với Ấn Độ, trung vệ đội trưởng Quế Ngọc Hải đã “mở đường” cho đối phương ghi bàn vào lưới của thủ môn Nguyễn Filip.
Có thể nói, ĐT Việt Nam đã tự thua khi đội bạn chỉ vừa bắt đầu dàn xếp mảng miếng tấn công.
Trong 2 đợt FIFA Days tháng 9 và tháng 10, dù không có Bùi Hoàng Việt Anh vì chấn thương, nhưng trong tay HLV Kim Sang-sik vẫn có những ngôi sao ở hệ thống phòng ngự. Quế Ngọc Hải trở lại sau thời gian dài chấn thương, trong khi những Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thành Chung và Thanh Bình đang bước vào độ chín sự nghiệp, bên cạnh 2 thủ môn chất lượng Nguyễn Filip và Đặng Văn Lâm.
Nhưng rồi, hệ thống phòng ngự lại trở thành mắt xích yếu nhất của ĐT Việt Nam qua từng trận đấu. Nỗi lo ấy càng lớn hơn khi ASEAN Cup 2024 chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa khởi tranh.
Việc sở hữu 2 người gác đền xuất sắc buộc HLV Kim Sang-sik chia cho Nguyễn Filip bắt 3 trận và 2 trận còn lại thuộc về Văn Lâm. Vị trí đứng trong khung gỗ không có tính ổn định khiến sợi dây liên lạc giữa các cầu thủ thuộc tuyến dưới thiếu đi gắn kết. Bởi thủ môn là chốt chặn cuối cùng của một đội bóng, trở thành điểm tựa vững chắc cho toàn bộ hệ thống.
Văn Lâm, Ngọc Hải, Thành Chung, Tiến Dũng hay Thanh Bình là nhóm trụ cột của ĐT Việt Nam suốt một thời gian dài. Điểm mạnh, yếu từng người đều được đối phương nghiên cứu và khai thác kỹ. Chưa thể làm mới được chính mình, bản thân các ngôi sao này cũng đã chạm đến ngưỡng về năng lực.
Hệ thống phòng ngự mắc sai số cũng một phần nguyên nhân từ việc các tiền vệ trung tâm chưa thể kiểm soát được thế trận. Từ đó, khiến áp lực dồn lên hàng thủ lớn hơn. Đến khi sức ép từ đối phương đạt đến đỉnh điểm, hệ thống phòng ngự của ĐT Việt Nam vốn đã quá nhiều vấn đề khó mà trụ vững.
“Hoàng Đức không đảm bảo được cả về khía cạnh tấn công lẫn phòng ngự, thể lực cũng không tốt nên tôi phải rút ra khỏi sân trong hiệp hai”, HLV Kim Sang-sik thẳng thắn chỉ ra vị trí của Hoàng Đức không hỗ trợ được cho tuyến dưới ở trận đấu với Ấn Độ.
Không chỉ Hoàng Đức mà những thử nghiệm đến từ Thái Sơn, Văn Trường… chưa cho thấy sự hiệu quả. Bộ đôi cựu binh Hùng Dũng và Quang Hải vẫn đang trên đường tìm lại ánh hào quang xưa, còn Tuấn Anh đang có dấu hiệu mất tích dưới thời HLV Kim Sang-sik.
Việc trận nào cũng để thủng lưới là điều không được phép xảy ra với một đội bóng có tham vọng cạnh tranh chức vô địch ASEAN Cup 2024 như ĐT Việt Nam. Còn nhớ thầy trò Park Hang-seo lên ngôi tại sân chơi khu vực vào năm 2018 khi giữ sạch lưới sau 5 trận đấu tại vòng bảng. Cũng chính hệ thống phòng ngự không để thủng lưới bàn thua nào đưa HLV Park Hang-seo cùng các tuyển thủ U23 Việt Nam bảo vệ tấm HCV tại SEA Games 31.
ĐT Việt Nam dưới thời HLV Kim Sang-sik không cần giữ sạch lưới, nhưng phải có một hệ thống phòng ngự tạo ra sự an tâm cho tuyến trên. Một trong những điều kiện bắt buộc là không cho phép bản thân mắc sai lầm. Khi đó, toàn đội mới có quyền hy vọng vào chiến thắng.
Trận đấu với Ấn Độ cũng chính thức khép lại chuỗi trận giao hữu để thử nghiệm đội hình của HLV Kim Sang-sik, nhưng ĐT Việt Nam vẫn còn bộn bề nỗi lo. Đặc biệt ở hệ thống phòng ngự, vốn là điểm mạnh đưa toàn đội chạm đến đỉnh cao châu Á, giờ lại là điểm yếu chưa có lời giải.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.