Từ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Hồ Ngọc Hà... bị "nhắc khéo" ủng hộ miền Trung: Nghệ sĩ có đáng bị chỉ trích?
Từ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Hồ Ngọc Hà... bị "nhắc khéo" ủng hộ miền Trung: Nghệ sĩ có đáng bị chỉ trích?
Mỵ Lương
Thứ năm, ngày 22/10/2020 14:20 PM (GMT+7)
"Chúng ta không có nghĩa vụ hoặc phải chịu trách nhiệm với sự khó khăn nghèo khổ của người khác. Đó chỉ là sự tự nguyện xuất phát từ trái tim biết đồng cảm xót thương mà thôi!", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ.
Ngoài sự ủng hộ, chung tay giúp người dân miền Trung thì một bộ phận dân mạng sẵn sàng buông lời cay đắng, gây tổn thương tinh thần không ít nghệ sĩ đang làm công việc thiện nguyện. Đến ca sĩ Thủy Tiên khi quyên góp được số tiền "khủng" hơn 100 tỷ đồng cũng bị soi mói đủ thứ từ trang phục, phụ kiện đồ hiệu cô mặc đến miền Trung cứu trợ. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi đăng hình chuẩn bị khai trương cho công việc kinh doanh cũng bị một số cư dân mạng thẳng thắn "phán xét": "Đăng tấm hình phản cảm. Sao không lo đi cứu miền Trung? Lòng người đang để đâu hỡi những kẻ giàu có. Cầm 30 tỷ rồi trao 20 tỷ vậy 10 tỷ đi đâu? Anh cũng là người miền Trung mà sao không làm gì đi?".
Mới đây, hành động kêu gọi cộng đồng chung tay ủng hộ miền Trung của NSƯT Hoài Linh tiếp tục bị một số cư dân mạng buông lời cay đắng. Có người cho rằng nghệ sĩ Hoài Linh: "Chỉ giỏi kêu gọi. Tóm lại cũng chẳng bỏ túi ra đồng nào, có tiếng lại không mất miếng". Trước lời lẽ kém duyên, nghệ sĩ Hoài Linh nói lại người này bằng một câu sâu cay: "Cảm ơn bạn đã nhắc nhở. Tôi đã 52 tuổi rồi!".
Hay đến ca sĩ Dương Triệu Vũ - em trai nghệ sĩ Hoài Linh khi đăng tải hình ảnh bán nhà cũng nhận về không ít bình luận đúng chuẩn "dạy đời" của một số "nhà đạo đức online". Họ cho rằng phải đem số tiền đó đi cứu trợ mới đúng thay vì mua nhà trong lúc người dân miền Trung khó khăn.
Một số ngôi sao như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà... thì bị "vặn vẹo": Quê miền Trung sao không cứu trợ? Dù Mỹ Tâm là một trong những nghệ sĩ đầu tiên về miền Trung trao quà cứu trợ cho bà con vùng bão lũ. Còn Hồ Ngọc Hà thì đang mang thai, và thường xuyên cập nhật hình ảnh mẹ và dì ruột của mình cùng đoàn đi cứu trợ bà con các xã ngập sâu nhất tỉnh Quảng Trị.
Mẹ Hồ Ngọc Hà - cô Ngọc Hương, đã ngoài 60 tuổi, là một người làm từ thiện rất năng nổ, hiệu quả. Cô Ngọc Hương đã được Trấn Thành đã tin tưởng gửi 1 tỷ đồng trong số hơn 8 tỷ anh kêu gọi quyên góp được để đem về miền Trung hỗ trợ bà con. "Ai là người làm từ thiện chuyên nghiệp nhất trong mùa lũ năm nay? Không ai khác là 3 ứng cử viên xuất sắc của làng nghệ thuật: Đại Nghĩa, Thuỷ Tiên và một nhân vật sừng sỏ mới toanh... mẹ ruột của ca sĩ Hồ Ngọc Hà - cô Ngọc Hương", Trấn Thành chia sẻ.
Đến trường hợp ca sĩ Phi Nhung khi trực tiếp đến miền Trung cứu trợ người dân cũng vẫn chưa làm vừa lòng những "anh hùng bàn phím". Nụ cười của giọng ca "Tội tình" khi cô đứng bên người dân vùng lũ cũng bị "kết án" cho là không phù hợp khi đi từ thiện.
Đối mặt với những bình luận khiếm nhã, Phi Nhung không ngại nói thẳng những kẻ chỉ ngồi "soi" người khác làm từ thiện. "Khóc được gì? Khóc là khi nào mình không được giúp gì cho bà con. Nghệ sĩ chúng tôi cười, cười là vì đích thân chúng tôi đến tận nơi tận nhà giúp được người dân và thấy những nụ cười của người dân trao lại cho chúng tôi, chỉ có vậy thôi... Mong rằng bạn hãy để cho chúng tôi làm những việc mà bạn không làm được. Bạn hãy cho chúng tôi sức mạnh và năng lượng. Để anh chị em nghệ sĩ chúng tôi có tinh thần chia sẻ nỗi đau với người dân nhé!", nữ ca sĩ bày tỏ.
Chuyện các nghệ sĩ "làm kiểu gì cũng bị... nói" phải kể đến trường hợp Hoa hậu H'Hen Niê. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 là một trong những người quyên góp và kêu gọi giúp người dân miền Trung sớm nhất nhì showbiz Việt. Tuy nhiên, điều cô nhận được là những lời chỉ trích, chê bai số tiền 50 triệu đồng ủng hộ là "ít ỏi". Từ thiện bằng tấm lòng đúng là chẳng dễ dàng gì, Hoa hậu H'Hen Niê thừa nhận bị tổn thương. Cô bật khóc trước những bình luận mang tính xét đoán của những người này. "Hen khóc trong lúc Hen thấy và không thể chịu nổi, cảm thấy bị tổn thương rất nhiều. Hiển nhiên Hen luôn trấn an mình bằng những năng lượng tích cực. Nhưng mỗi lần Hen đọc lại, Hen đều cảm thấy cực kỳ đau đớn", người đẹp chia sẻ.
"Từ thiện phải từ tâm"
Trước việc các nghệ sĩ bị chỉ trích trong quá trình hoạt động thiện nguyện chỉ vì những lý do "trời ơi đất hỡi", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung không khỏi bức xúc. Tác giả "Nhật ký của mẹ" cảm thấy cần phải thay mặt những người đồng nghiệp nói với những "nhà đạo đức online" đang tích cực chửi bới, phê phán, dạy đời những người nghệ sĩ đang chung tay giúp đỡ đồng bào miền Trung.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, việc từ thiện cần đủ duyên thì làm, đủ tâm thì làm và đủ lực thì làm. Tác giả "Nhật ký của mẹ" lý giải: "Đủ duyên thì làm: Trên đời này có hàng ngàn con người bất hạnh, không phải ai chúng ta cũng biết cũng gặp. Vì thế nếu vô tình gặp thấy một vài trường hợp bất hạnh nào đó thì chúng ta mới có thể giúp đỡ họ, còn không thì xem như không có duyên với nhau, hoặc do lúc đó mình đang gặp khó khăn có việc khẩn cấp riêng. Đó là sự ngẫu nhiên của mỗi người.
Đủ tâm thì làm: Tâm ở đây là sự rung động, sự thương xót, đúng là rất nhiều trường hợp đáng thương, bệnh tật nhưng có những trường hợp sẽ tác động mạnh mẽ đến cảm xúc riêng của từng người khiến mình đồng cảm xót xa và muốn giúp họ hơn những trường hợp khác, đó là cảm xúc riêng mỗi người.
Đủ lực thì làm: Lực ở đây là sức khỏe, là tài chính, là thời gian. Có hàng trăm ngàn trường hợp khó khăn nhưng chúng ta vẫn chỉ là những con người bình thường, phải đi làm kiếm sống, phải chăm lo gia đình, phải đầu tư cho sự nghiệp, phải bảo đảm cho tương lai con cái... Chúng ta không phải siêu nhân, cũng không phải tỷ phú có hàng trăm triệu đôla để mà bao bọc quan tâm đến hàng triệu người nghèo khó. Chúng ta chỉ có thể giúp những trường hợp nào nằm trong khả năng của mình, đó là lựa chọn riêng của mỗi người".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng nhấn mạnh chuyện từ thiện là quyền cá nhân của mỗi người. "Không ai có tư cách ép buộc hay sai khiến người khác làm từ thiện, làm như thế nào và bao nhiêu tiền! Chúng ta không có nghĩa vụ hoặc phải chịu trách nhiệm với sự khó khăn nghèo khổ của người khác, đó chỉ là sự tự nguyện xuất phát từ trái tim biết đồng cảm xót thương mà thôi!".
Theo đó, những ý kiến như: "Sao nghệ sĩ X làm từ thiện mà anh không làm?", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng đó là sự vô duyên. "Sao không bán nhà/bán đồng hồ đi làm từ thiện đi?" là sự vô lý; "Sao từ thiện 50 triệu ít vậy?" thể hiện sự vô học; "Sao đi làm từ thiện mà cười tươi?" đánh giá như vậy thật sự là "nực cười".
"Và việc người làm từ thiện mà PR, tôi cho rằng họ vẫn là những người tốt vì họ đã "làm từ thiện", và họ vẫn còn tốt hơn trăm ngàn lần những kẻ ngồi chỉ trích và hỏi những câu ngớ ngẩn như trên!", tác giả "Nhật ký của mẹ" nhận định.
Riêng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đưa ra lời khuyên các nghệ sĩ cần mạnh dạn lên tiếng trước những "nhà đạo đức online". "Xung quanh chúng ta có rất rất nhiều người hiểu biết chứ không vô ý thức như những kẻ này. Ai cho phép họ định đoạt được hoạt động của nghệ sĩ? Xúc xiểm nghệ sĩ. Còn những thứ như vậy thì ai dám làm từ thiện? Người nghèo chính là người thiệt thòi", Đàm Vĩnh Hưng bày tỏ.
NTK Đức Hùng cho biết bản thân ấn tượng nhất câu hỏi: "Anh nghĩ sao việc làm thừ thiện của các sao nhiều người cho là mốt? Tôi trả lời ngay lập tức trả lời: "Nếu mọi người cho việc làm từ thiện nói chung và chúng tôi những nghệ sĩ nói riêng là đang chạy theo mốt. Tôi khẳng định: Mọi người nên theo mốt từ thiện, chứ đừng theo mốt thời trang".
Việc làm thiện nguyện là đáng trân trọng, nhiều hay ít cũng là tấm lòng. Nghệ sĩ cũng là con người và cũng phải cố gắng phấn đấu để có được sự yêu mến và lòng tin yêu của công chúng. Và họ đã dùng sức ảnh hưởng và uy tín của của riêng mình kêu gọi tấm lòng hảo tâm để tiên phong các phong trào cứu trợ. Chỉ có kẻ vô tích sự và não chưa hoàn thiện mới có cái nhìn lệch lạc về những nghĩa cử cao đẹp này".
Tin cùng chủ đề: Ca sỹ Thủy Tiên kêu gọi được 100 tỷ đồng ủng hộ miền Trung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.