Tuyên Quang: Người trồng chè mất ăn mất ngủ vì bị hủy hợp đồng giao khoán

Vũ Thị Hải Thứ sáu, ngày 05/02/2021 11:35 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Mùi (Sn 1964, trú tại thôn Sông Lô 8, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) có đơn gửi Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cầu cứu, sau khi bị Công ty CP Chè Sông Lô hủy hợp đồng giao khoán đất trồng cây lâu năm.
Bình luận 0

Nhận khoán theo Nghị định 01, người lao động hồi sinh vườn chè 

Được biết, năm 1997, thực hiện Nghị định 01/NĐ-CP của Chính phủ, Công ty Chè Sông Lô đã thực hiện khoán vườn chè cho người lao động với thời hạn tới 50 năm. Nhiều gia đình công nhân trong đó có bà Nguyễn Thị Mùi đã ký kết với công ty Chè Sông Lô để nhận khoán vườn chè.

Để được nhận khoán hơn 3ha chè, theo cam kết trong hợp đồng số 40 ngày 1/1/1997, trong vòng 10 năm, gia đình bà Mùi đã nộp đủ số tiền giá trị còn lại của vườn chè. Cũng bởi thế, trên sổ sách kế toán của công ty đã ghi nhận khấu hao vườn chè của gia đình bà Mùi bằng 0. Từ năm 2000, Công ty Chè Sông Lô ghi nhận vườn chè của gia đình bà Mùi thuộc diện đã thanh lý.

Từ khi được giao khoán vườn chè, gia đình bà Mùi đã dồn hết tâm sức để chăm sóc, trồng dặm, trồng mới, đầu tư công sức để vườn chè hồi sinh và phát triển. Cây chè vươn tán rộng gấp đôi, các vị trí chè bị chết, bị cỗi được trồng bổ sung, trồng dặm kín đất.

Sau nhiều năm, công sức mồ hôi của người trồng chè đã được đền đáp. Từ chỗ vườn chè khi được giao khoán năng suất thấp (vườn chè loại B, loại C, thậm chí không loại, năng suất dưới 5 tấn/ha), được chăm sóc tốt đã có năng suất đạt 15 đến 17 tấn/ha, cuộc sống của bà con dần khấm khá.

Tuyên Quang: Người trồng chè mất ăn mất ngủ vì bị hủy hợp đồng giao khoán  - Ảnh 1.

Vườn chè của gia đình bà Mùi có năng suất từ 15-17 tấn/ ha, tán chè vươn rộng.

Năm 2009, Công ty Chè Sông Lô thực hiện cổ phần hóa. Tại Quyết định số 1449/QĐ-CT ngày 8/7/2009 về xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty chè Sông Lô để cổ phần hóa, UBND tỉnh Tuyên Quang xác định tài sản không đưa vào cổ phần hóa là toàn bộ diện tích trồng chè và ao hồ, chỉ cổ phần hóa nhà máy sản xuất. 

Đây là chủ trương đúng đắn của UBND tỉnh Tuyên Quang với mục tiêu đảm bảo việc làm cho người lao động là những cán bộ, công nhân viên của nông trường trước đây đang nhận khoán đất trồng cây lâu năm có công ăn việc làm, ổn định đời sống khi doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa, không gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Từ khi chuyển đổi sang công ty cổ phần, thay vì doanh nghiệp Nhà nước trước đây thu mua chè, nay chuyển sang công ty cổ phần tiến hành thu mua. Gia đình bà Mùi cũng như nhiều người dân khác đã nhiều lần đề nghị Công ty Cổ phần Chè Sông Lô phải ký hợp đồng mua bán chè búp tươi hàng năm (giống như Công ty Chè Sông Lô đã làm tại mục b, khoản 1, Điều II trong hợp đồng số 40) nhưng Công ty Cổ phần chè Sông Lô không ký. 

Đến vụ thu hoạch chè búp, hàng ngày Công ty cho người ra lô chè mặc cả giá mua chè bằng miệng, sau đó cân và chở chè đi, không có hóa đơn hoặc phiếu mua bán hoặc bất cứ chứng từ nào. 

"Việc làm này của công ty thường dẫn đến tranh cãi và bao giờ người dân chúng tôi cũng là người chịu thiệt thòi vì không có hợp đồng, không có chứng từ mua bán. Chẳng hạn như nhà tôi, khi ở lô chè thì cô Dương đại diện Công ty  trả giá 2.300 đ/kg nhưng khi thanh toán chỉ trả 1.200đ/kg… Vì thế, gia đình tôi không bán chè cho công ty nữa"- ông Phạm Văn Đáp- chồng bà Mùi bức xúc.

  Áp dụng luật nửa vời - người trồng chè mất trắng tài sản

Lấy cớ bà Mùi không bán chè cho công ty là vi phạm hợp đồng, Công ty Cổ phần Chè Sông Lô đã khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Tuyên Quang tuyên hủy hợp đồng số 40/HĐK-01/CP ngày 1/1/1997 được ký kết giữa Công ty Chè Sông Lô với bà Nguyễn Thị Mùi.         

Để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần chè Sông Lô, Tòa án nhân dân thành phố Tuyên Quang đã căn cứ vào Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 16/7/2013 của UBND tỉnh Tuyên Quang về việc thu hồi đất cho thuê đất để giao cho Công ty Cổ phần Chè Sông Lô và Hợp đồng số 02 ngày 9/12/2011 ký giữa Sở Tài chính Tuyên Quang với Cty CP Chè Sông Lô về việc cho thuê tài sản- vườn chè. 

Theo đó, Tòa án nhân dân thành phố Tuyên Quang đã xét xử sơ thẩm, tuyên hủy hợp đồng số 40/HĐK-01/CP ngày 1/1/1997 được ký kết giữa Công ty Chè Sông Lô với bà Nguyễn Thị Mùi, buộc gia đình bà Mùi phải trả lại cho Công ty Cổ phần chè Sông Lô toàn bộ diện tích đất và vườn chè nhận khoán mà không được nhận một đồng bồi thường nào.  

Để làm rõ nội dung liên quan đến công tác thu hồi, cho thuế đất tại Quyết định 257 nói trên của UBND tỉnh Tuyên Quang, PV báo Nông thôn Ngày nay đã có buổi làm việc với đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. 

Ông Hoàng Trần Trung - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường Tuyên Quang cho biết, việc UBND tỉnh Tuyên Quang thu hồi đất để giao cho Công ty Cổ phần Chè Tuyên Quang là thu hồi nguyên trạng, chuyển nguyên canh, không chuyển mục đích sử dụng đất, không động chạm đến tài sản của người dân, không thu hồi đất của người dân nên không thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng như các dự án thu hồi đất để thực hiện các mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

"Đối với các diện tích đã giao khoán cho người dân thì vẫn thực hiện các hợp đồng giao khoán như trước đây. Đó là những hợp đồng dân sự cần được thỏa thuận giữa hai bên. Còn về xử lý tài sản trên đất không thuộc phạm vi trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường "- ông Trung nói.   

Tuyên Quang: Người trồng chè mất ăn mất ngủ vì bị hủy hợp đồng giao khoán  - Ảnh 2.

Hợp đồng giao khoán đất trồng cây lâu năm của gia đình bà Mùi ký với doanh nghiệp Nhà nước từ năm 1997 hiện đang có nguy cơ bị tuyên hủy

Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Phạm Hồng Sơn- Văn phòng Luật sư Phạm Sơn (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã không tính đến hậu quả pháp lý của việc tuyên hủy hợp đồng nói trên, không đề cập đến việc ai sẽ phải bồi thường thiệt hại về tài sản trên đất (vườn chè) và khoản hỗ trợ tiền sử dụng đất cho gia đình bà Nguyễn Thị Mùi khi hợp đồng giao khoán nói trên bị hủy, người lao động bị thu hồi đất và vườn chè là việc áp dụng chưa đầy đủ các quy định của pháp luật, gây ra sự bất công đối với các gia đình nhận khoán (trong đó có bà Mùi) - là những người lao động yếu thế trong  xã hội.

Luật sư Phạm Hồng Sơn giải thích thêm, tại thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật, tức là cơ quan Tòa án nhân danh nhà nước thu hồi đất của dân, Công ty Cổ phần chè Sông Lô là đối tượng được hưởng toàn bộ vườn chè phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ vườn chè và công bồi đắp đất trên toàn bộ diện tích đất bị thu hồi. Cụ thể: 

Theo quy định tại Theo khoản 14 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013: "Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trợ giúp cho người có đất thu hồi để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển". Theo khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/NĐ-CP (được bổ sung bởi Khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2017/NĐ-CP) hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất gồm 07 đối tượng. 

Trường hợp của gia đình bà Mùi thuộc đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

Khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất ngoài việc được bồi thường (nếu đủ điều kiện được bồi thường) thì còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ.

Các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở.

Đón đọc Bài 2: Sở Tài chính tỉnh Tuyên Quang vi phạm luật dân sự về quyền định đoạt tài sản?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem