Ukraine đối phó với nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia như thế nào?

Lê Phương (Newsweek) Thứ bảy, ngày 03/09/2022 15:14 PM (GMT+7)
Tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã tặng 5,5 triệu viên kali iodua cho Ukraine trong bối cảnh lo ngại về các cuộc pháo kích cùng nhiều hoạt động quân sự khác gần nhà máy Zaporizhzhia có thể gây ra một thảm họa hạt nhân.
Bình luận 0
Ukraine đối phó với nguy cơ rò rỉ phóng xạ tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia như thế nào? - Ảnh 1.

Xe quân sự của Nga chạy qua cổng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Energodar, Ukraine, ngày 1/5/2022. Ảnh: Getty

Một tuyên bố từ Ủy ban Châu Âu hôm 30/8 đã công bố khoản viện trợ, mô tả đây là một "biện pháp an toàn phòng ngừa để tăng mức độ bảo vệ" xung quanh nhà máy.

"Không một nhà máy điện hạt nhân nào nên được sử dụng trong xung đột", Janez Lenarčič, ủy viên phụ trách quản lý khủng hoảng của khối, cho biết trong tuyên bố. "Không thể chấp nhận được việc tính mạng dân thường bị đe dọa. Mọi hoạt động quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phải dừng lại ngay lập tức... Chúng tôi sẽ tiếp tục đề phòng và sẵn sàng hành động".

Nhà máy Zaporizhzhia đã được quân Nga tiếp quản trong những ngày đầu triển khai chiến dịch quân sự nhưng vẫn do người Ukraine vận hành. Ukraine và Nga đã có những cáo buộc pháo kích gần nhà máy trong những tuần gần đây. Nhà điều hành Energoatom cho biết hôm 1/9 rằng một trong hai lò phản ứng đang hoạt động của nhà máy đã ngừng hoạt động do bị Nga pháo kích, Reuters đưa tin. Tuy nhiên kể từ khi xác nhận trên Telegram, lò phản ứng đã hoạt động trở lại.

Một phái bộ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế mà CNBC xác nhận đã đến nhà máy hôm 2/9 nhằm "giúp đảm bảo an ninh và an toàn hạt nhân" tại đây.

Những nỗ lực của Ukraine nhằm chuẩn bị cho dân thường đối phó với nguy cơ cháy nổ hạt nhân tại Zaporizhzhia bao gồm việc phân phát thuốc kali iodua. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, kali iodua (KI) là một loại iốt không có tính phóng xạ nhưng có thể giúp ngăn chặn việc tuyến giáp hấp thụ iốt phóng xạ. Iốt phóng xạ có thể được thải ra môi trường trong một số trường hợp, chẳng hạn như tai nạn nhà máy điện hạt nhân, và xâm nhập vào cơ thể qua đường thở hoặc đường ăn uống.

CDC cho biết tuyến giáp hấp thụ lượng iốt phóng xạ cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh niên "nhiều năm sau khi tiếp xúc". Để kali iodua hoạt động hiệu quả chống lại tác hại của iốt phóng xạ, nó phải được dùng trước hoặc ngay sau khi tiếp xúc.

CDC giải thích: "Khi một người uống đúng lượng KI vào đúng thời điểm, nó có thể giúp ngăn tuyến giáp hấp thụ iốt phóng xạ. Nguyên lý là khi tuyến giáp đã hấp thụ KI, nó sẽ không còn chỗ để hấp thụ iốt phóng xạ. Hãy nghĩ đến việc đổ đầy một chiếc lọ bằng những viên bi xanh. Nếu sau đó bạn đổ những viên bi xanh khác lên trên lọ, sẽ không còn chỗ và chúng sẽ tràn ra ngoài".

CDC nói rằng kali iodua vẫn có thể gây ra các ảnh hưởng có hại cho sức khỏe và chỉ nên dùng theo hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quan chức y tế công cộng hoặc quan chức ứng phó khẩn cấp. Cũng có những giới hạn về mức độ bảo vệ dân thường trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân.

CDC cho biết kali iodua có thể không bảo vệ 100% khỏi iốt phóng xạ. Đó là bởi vì nó hiệu quả nhất khi được dùng trước hoặc ngay sau khi tiếp xúc, và hiệu quả của nó cũng có thể phụ thuộc vào lượng iốt phóng xạ đi vào cơ thể, cũng như tốc độ hấp thụ.

Kali iodua chỉ bảo vệ tuyến giáp, không bảo vệ các bộ phận khác của cơ thể và không bảo vệ khỏi các loại bức xạ khác.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem