Vành đai 2 TP.HCM: Gần 20 năm vẫn chưa thể khép kín 14km còn lại

Tứ Quý Chủ nhật, ngày 16/06/2024 16:38 PM (GMT+7)
Triển khai từ năm 2007, nhưng sau gần 20 năm, 64km Vành đai 2 TP.HCM vẫn chưa thể khép kín, vẫn còn 14km lận đận không biết ngày nào về đích.
Bình luận 0

3 đoạn vẫn nằm... trên giấy, đoạn còn lại được 44% rồi "đắp chiếu"

Liên quan đến dự án xây dựng đường Vành đai 2 TP.HCM, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết tuyến đường này có tổng chiều dài 64km, được quy hoạch từ năm 2007 và sau đó đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác 50km.

Các đoạn đã đưa vào khai thác gồm đoạn quốc lộ 1 (từ Gò Dưa đến An Sương) dài 13,5km và đoạn từ An Sương đến An Lạc dài 13,5km, đoạn tuyến theo đường Nguyễn Văn Linh dài 12,4km, đoạn tuyến từ nút giao Khu A đến cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công dài 11km.

Theo Sở GTVT TP.HCM, 50km Vành đai 2 đã đưa vào khai thác với quy mô từ 6-12 làn xe. Tuy nhiên, còn 14km còn lại vẫn đang dang dở và kéo dài đến nay, khiến Vành đai 2 chưa thể khép kín sau 17 năm, gây nhiều hệ lụy cho toàn dự án cũng như mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông đô thị của TP.HCM.

Vành đai 2 TP.HCM: Gần 20 năm vẫn chưa thể khép kín 14km còn lại- Ảnh 1.

Đoạn 3 thuộc 14km của Vành đai 2 TP.HCM vẫn đang dang dở. Ảnh: T.Q

Có thời điểm dự án bị lãng quên một thời gian gây bức xúc cho người dân, sau đó nhờ sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP.HCM khi chỉ đạo các sở ban ngành khẩn trương tìm giải pháp gỡ vướng, 14km Vành đai 2 mới tiếp tục tái khởi động.

Từ đó, 14km Vành đai chưa khép kín tiếp tục được chia thành 4 đoạn để xây dựng. Tuy nhiên mới chỉ đoạn 3 đã xây dựng dang dở nhưng rồi "đắp chiếu" để đó, 3 đoạn còn lại vẫn còn nằm trên... giấy vì còn nghiên cứu tính khả thi.

Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu – đường Võ Nguyên Giáp với chiều dài 3,5km, tổng mức đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng được chia thành 2 dự án thành phần gồm xây lắp và bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trong đó dự án xây lắp có tổng mức đầu tư sơ bộ là hơn 2.650 tỷ đồng, còn bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 6.670 tỷ. Đoạn này Sở GTVT đã gửi các sở ngành xin ý kiến, nhưng đến nay chỉ 19/20 đơn vị phản hồi, riêng Sở Xây dựng chưa có ý kiến, do đó, Sở GTVT tiếp tục tổng hợp ý kiến để tổ chức thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng, xác định ranh giới dự án để giải phóng mặt bằng.

Vành đai 2 TP.HCM: Gần 20 năm vẫn chưa thể khép kín 14km còn lại- Ảnh 2.
Vành đai 2 TP.HCM: Gần 20 năm vẫn chưa thể khép kín 14km còn lại- Ảnh 3.

Đoạn 3 Vành đai 2 với chiều dài 2,7km xây 4 năm chưa xong, hiện đang bỏ hoang. Ảnh: T.Q

Đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp – đường Phạm Văn Đồng, dài 2,5km, với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng, trong đó xây lắp hơn 2.500 tỷ đồng và bồi thường mặt bằng hơn 1.900 tỷ đồng. Đoạn này đang gặp vướng mắc về xác định ranh chiếm dụng công trình. Do báo cáo nghiên cứu chưa chặt chẽ, nên Sở GTVT đã đề nghị Ban Giao thông TP.HCM khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu để trình thẩm định.

Đoạn 4 từ quốc lộ 1 – đường Nguyễn Văn Linh, dài 5,3km hiện UBND TP.HCM đã giao Sở GTVT lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nhưng hiện nay chưa được bố trí vốn để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án.

Riêng đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quốc lộ 1) dài 2,7km đang trong quá trình triển khai thi công bằng hình thức đối tác công tư (PPP) với vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng (xây lắp hơn 940 tỷ đồng, chi phí bồi thường mặt bằng hơn 1.800 tỷ đồng).

Đoạn này được khởi công vào cuối năm 2017 với 2 nhánh đường song song 2 bên tuyến chính, rộng 10,5m với 3 làn xe. Trong đó xây dựng 3 cầu gồm Rạch Lùng, Rạch Ông và Rạch Gò Cát.

Dự kiến hoàn thành vào năm 2026 nhưng đến tháng 3/2020 khi xây dựng được khoảng 44% thì dự án phải tạm dừng do khó khăn trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng (mới thu hồi được 79% mặt bằng) và chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh hợp đồng BT với nhà đầu tư.

Vướng thêm quy hoạch đường sắt, đến bao giờ Vành đai 2 mới khép kín?

Hiện, các sở ngành đang tập trung đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai các dự án xây dựng thuộc 14km Vành đai 2, tuy nhiên lại bị gặp khó trong bối cảnh Cục đường sắt Việt Nam đang triển khai lập điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh quy Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và Quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040.

Do đó, Vành đai 2 cần phải điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với các quy hoạch. 

Theo đó, các nội dung đề xuất bổ sung vào quy hoạch liên quan đến đường Vành đai 2 gồm tuyến Metro số 6 (vành đai trong) trên địa bàn TP.Thủ Đức; tuyến trên cao số 5, tuyến dọc theo hành lang tuyến Vành đai 2; tuyến đường sắt Tân Kiên - Thủ Thiêm – An Bình; tuyến đường sắt An Bình – Sài Gòn (Hòa Hưng).

Vành đai 2 TP.HCM: Gần 20 năm vẫn chưa thể khép kín 14km còn lại- Ảnh 4.

Trong khi chưa khởi công, đoạn 1 và 2 của Vành đai 2 bị vướng thêm vào quy hoạch đường sắt. Trong ảnh đường Võ Nguyên Giáp là điểm kết nối đoạn 1 và 2 của Vành đai 2. Ảnh: N.N

Trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án xây lắp, Sở Giao thông vận tải nhận thấy cần rà soát, điều chỉnh một số nội dung đề xuất nêu trên để đảm bảo phù hợp kết quả nghiên cứu chi tiết của đơn vị tư vấn, đảm bảo các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật.

Cụ thể, tuyến Metro số 6, hướng tuyến đề xuất trên đoạn Vành đai 2 (cầu Phú Hữu – Phạm Văn Đồng) còn nhiều nhược điểm, như không kết nối được với nhà ga Bình Thái thuộc tuyến MRT1 (đã xây dựng); hướng tuyến băng qua các nút giao khác mức (nút Bình Thái, nút Vành đai 2 – Phạm Văn Đồng), yêu cầu kỹ thuật phức tạp.

Do đó, Sở GTVT đã phối hợp các đơn vị tư vấn điều chỉnh cục bộ hướng tuyến MRT6 để khắc phục các nhược điểm nêu trên. "Phương án này đã được Sở cập nhật vào Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49- KL/TW của Bộ Chính trị", lãnh đạo Sở GTVT thông tin.

Vành đai 2 TP.HCM: Gần 20 năm vẫn chưa thể khép kín 14km còn lại- Ảnh 5.

Bản đồ Vành đai 2 TP.HCM còn 14km (nét đứt) chưa thể khép kín

Còn tuyến đường trên cao số 5 dọc theo Vành đai 2, theo đề xuất quy hoạch, đường trên cao có tính chất là đường giao thông tốc độ cao, liên tục, không giao cắt với các đường nhánh; tạo kết nối thuận lợi phát triển đô thị 2 bên tuyến.

Sở GTVT nhận thấy trong một số trường hợp, phương án xây dựng đường đô thị tốc độ cao trên mặt đất kết hợp các giải pháp tổ chức giao thông phù hợp có thể đáp ứng các tính chất của đường trên cao nêu trên và đảm bảo chi phí đầu tư thấp.

Do đó, đối với các tuyến đường trên cao, Sở GTVT đề xuất bổ sung vào các quy hoạch liên quan tiêu chí mở. "Trong quá trình nghiên cứu, lập dự án đầu tư, tùy từng đoạn tuyến, có thể xem xét phương án tuyến đi dưới mặt đất, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả kinh tế", lãnh đạo Sở GTVT cho biết thêm.

Đối với 2 đoạn tuyến đường sắt quốc gia chủ yếu liên quan dự án xây lắp đoạn 2, Ban Giao thông chưa thống nhất các phương án với Cục đường sắt Việt Nam, chưa hoàn thiện và trình báo cáo nghiên cứu khả thi. Do đó, nhằm đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thẩm định, ưu tiên xác định và thống nhất ranh chiếm dụng dự án làm cơ sở triển khai việc bồi thường.

Hiện, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu về các nội dung điều chỉnh liên quan tuyến Metro số 6 và tuyến đường trên cao dọc Vành đai 2.

Đồng thời kiến nghị giao Ban Giao thông khẩn trương phối hợp Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan nghiên cứu, làm rõ tính khả thi của một số phương án bố trí các đoạn tuyến đường sắt quốc gia; tổ chức hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây lắp đường Vành đai 2 đoạn 2 và trình Sở GTVT thẩm định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem