Vào Google Play, App store tải ứng dụng ngắm 11.726 hình ảnh độc, lạ về đủ loại cây cối

Khánh Nguyên Thứ năm, ngày 22/12/2022 05:35 AM (GMT+7)
Nhằm tăng cường khả năng nhận biết cây rừng phục vụ công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, hợp phần 1 Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (Dự án FMCR), Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng phần mềm nhận biết loài thực vật thông qua smartphone.
Bình luận 0

Xây dựng cơ sở dữ liệu các loài thực vật

Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học trên thế giới với khoảng 13.000 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế và bảo tồn cao. Trong khi đó, nhu cầu nhận biết và tìm hiểu về các loài thực vật ngày càng lớn không chỉ đối với người làm trong ngành lâm nghiệp mà còn đối với khách du lịch, học sinh, sinh viên và người dân.

Theo Ban quản lý hợp phần 1 Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (Dự án FMCR), trên thế giới đã có một số công cụ nhận biết thực vật như hệ thống Pl@nnet, Leafsnap, PlantIdent. Tuy nhiên, các công cụ này tập trung vào các loài thực vật ở châu Âu, Mỹ nên khó áp dụng tại Việt Nam. 

Xuất phát từ đó, việc xây dựng phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận biết thực vật và rất cần thiết và có ý nghĩa, đặc biệt là các địa phương trong vùng dự án FMCR gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đây là khu vực có tính đa dạng sinh học cao không chỉ về thành phần loài mà còn có giá trị bảo tồn cao.

Click phần mềm, biết rõ về thực vật Việt Nam - Ảnh 1.

Cán bộ Trường Đại học Lâm nghiệp giới thiệu một số loại cây rừng với các em học sinh. Ảnh: V.N.U.F

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu 160 loài thuộc 112 chi, 50 họ và 19 bộ thực vật vùng dự án với đầy đủ thông tin về phân loại (tên bộ, họ, chi loài khoa học và tên phổ thông), đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái, phân bố địa lý và giá trị sử dụng, bảo tồn. Thu thập được 11.726 hình ảnh màu đẹp.

Ban quản lý hợp phần 1 Dự án FMCR, Tổng cục Lâm nghiệp đã phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu và phầm mềm cho phép nhận dạng nhanh và truy xuất thông tin ít nhất 120 loài thực vật trong vùng dự án. 

Để xây dựng phần mềm này, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tổng quan tài nguyên thực vật khu vực nghiên cứu, tham vấn ý kiến nhà quản lý, cán bộ kiểm lâm và cán bộ kỹ thuật; xác định đối tượng các loài thực vật vùng dự án gồm: loài thực vật có giá trị kinh tế, bảo tồn cao, loài và loài phổ biến.

Kết quả nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu 160 loài thuộc 112 chi, 50 họ và 19 bộ thực vật vùng dự án với đầy đủ thông tin về phân loại (tên bộ, họ, chi loài khoa học và tên phổ thông), đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái, phân bố địa lý và giá trị sử dụng, bảo tồn. Thu thập được 11.726 hình ảnh màu đẹp, hầu hết các loài đều có các hình ảnh thân, vỏ, cành, lá, hoa và quả được chụp tổng thể và cận cảnh dưới các góc độ khác nhau, trong đó có những loài rất quý hiếm, cần được bảo tồn như pơ mu, kim giao, vù hương, nghiến…

Kết quả thử nghiệm tại hiện trường cho thấy tỉ lệ nhận dạng đúng loài khá cao với tỷ lệ 86,5%. Tuy nhiên trong quá trình thử nghiệm còn 13,5% cho kết quả không như mong muốn.

Vào Google Play, App store tải ứng dụng, ngắm cây

Để tải ứng dụng, người dùng vào Google Play và App store hoặc trang chủ của phần mềm, sau đó tìm phần mềm có tên VietPlant rồi ấn nút tải và cài ứng dụng vào điện thoại. Phần mềm cũng rất dễ sử dụng với nhiều tính năng.

Ví dụ, để tra cứu thông tin của loài, nhấn vào nút Trang chủ có thể dùng thanh tìm kiếm hoặc cuộn để duyệt theo danh sách. Ấn vào tên loài bất kỳ để xem thông tin chi tiết và các hình ảnh tải lên. Để nhận dạng các loài thực vật, vào tab Nhận dạng có biểu tượng kính lúp, sau đó thực hiện chụp ảnh cây quan sát được. Hệ thống sẽ thực hiện nhận dạng và trả về kết quả loài nhận dạng, kèm theo các ảnh của loài trả về. Người dùng có thể xem chi tiết thông tin của loài bằng việc nhấn nút Mở. 

Để đăng nhập vào hệ thống, người dùng nhấn vào nút Cài đặt có biểu tượng bánh răng. Nếu chưa có tài khoản cần tiến hành đăng ký bằng cách nhấn vào nút Đăng ký tài khoản mới.

Đây là phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nhận biết cây rừng đầu tiên tại Việt Nam và được áp dụng tại vùng Dự án FMCR. Tuy nhiên, số loài phần mềm xây dựng so với tổng số loài thực vật vùng dự án còn quá nhỏ nên cần có kế hoạch nghiên cứu bổ xung để tăng tính ứng dụng của phần mềm. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem