“Vết đen” trong sự nghiệp cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

PV t/h Thứ bảy, ngày 11/07/2020 11:46 AM (GMT+7)
Trước khi bị khởi tố điều tra, bà Hồ Thị Kim Thoa, từng ngồi “ghế nóng” tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (DQC) và "dính" nhiều sai phạm buộc bị kỷ luật khi làm Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Bình luận 0

Tối 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Sai phạm tại "đế chế" Điện Quang

Sinh năm 1960 ở Nghệ An, bà Hồ Thị Kim Thoa có thời gian dài công tác trong ngành công thương. Cụ thể, trước năm 1992, bà Thoa công tác tại Phòng Tài vụ Công ty Xuất nhập khẩu Tạp phẩm (Tocontap) - Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương).

Bà Thoa bắt đầu làm việc ở Điện Quang từ tháng 6/1992 với vị trí là cán bộ nghiệp vụ Phòng Kế hoạch vật tư Công ty Điện Quang, rồi lần lượt được thăng tiến trong công việc.

Tháng 4/2000, sau khi trải qua nhiều chức vụ quan trọng, ở tuổi 40, bà Hồ Thị Kim Thoa trở thành Tổng giám đốc công ty Điện Quang. 

Đến tháng 2/2005, bà Thoa làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty bóng đèn Điện Quang.

Cũng từ đây, những lùm xùm về tài sản của vị cựu Thứ trưởng này đã gây xôn xao dư luận.

Năm 2017, tại kỳ họp thứ 15, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho ý kiến và kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với bà Hồ Thị Kim Thoa - Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công thương.

Theo kết luận, trong thời gian giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang (tháng 1/2004 - 5/2010), bà Hồ Thị Kim Thoa đã có các vi phạm, khuyết điểm như vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng. 

Bà Hồ Thị Kim Thoa cũng được xác định thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, TP.HCM với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận. Không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản.

Bên cạnh đó, bà Thoa mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của Công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Theo thống kê ở thời gian bà Thoa còn tại nhiệm chức vụ Thứ trưởng, sở hữu (cả trực tiếp lẫn gián tiếp) của bà này tại Điện Quang lên tới 11.782.431 cổ phiếu DQC, tương ứng trên 34% vốn điều lệ Bóng đèn Điện Quang. Trong đó, cá nhân bà Thoa đứng tên sở hữu 1.686.415 cổ phiếu. Đến tháng 11/2018, cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa rút vốn khỏi Điện Quang, thu về khoảng 40 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 16, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo với Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ đối với bà Thoa.

"Vết đen" trong sự nghiệp chính trị

Chưa hết, sự nghiệp của bà Hồ Thị Kim Thoa tiếp tục xuất hiện sóng gió kể từ thời điểm đảm nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương vào năm 2010. Đặc biệt, trong thời kỳ làm thứ trưởng, bà Hồ Thị Kim Thoa bị Ủy ban kiểm tra Trung ương chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Đây được xem là một "vết đen" trong sự nghiệp chính trị của bà Thoa.

Cụ thể, tại kết luận công bố hồi tháng 10/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật khiển trách đối với bà Hồ Thị Kim Thoa vì vi phạm liên quan tới công tác cán bộ, có phần trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016.

Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được cho là có trách nhiệm trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định; thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với bà Thoa căn cứ theo Quy định số 181-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Tháng 1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

“Vết đen” trong sự nghiệp của cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa - Ảnh 2.

Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa bị khởi tố về hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Đến ngày 28/7/2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có đơn xin nghỉ việc vì "lý do cá nhân". Đầu tháng 8/2017, Văn phòng Trung ương Đảng ra Thông cáo báo chí về việc Ban Bí thư quyết định miễn nhiệm chức vụ ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công thương và đề nghị Thủ tướng miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

Đến giữa tháng 8/2017, Thủ tướng đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc bà Hồ Thị Kim Thoa nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày 1/9/2017.

Gần 3 năm sau khi nghỉ hưu, Bộ Công an khởi tố cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa vì  để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Thông báo của Bộ Công an nêu: Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đang tiến hành điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-C01-P4, ngày 08/11/2018 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 09/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định tố tụng đối với các cá nhân nguyên là lãnh đạo Bộ Công Thương đã có hành vi vi phạm pháp luật.

Liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, từ cuối năm 2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố 5 bị can liên quan đến vụ án hình sự "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" bao gồm: Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM); Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM); Trương Văn Út (SN 1970, Phó Trưởng Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM); Lê Văn Thanh (SN 1962, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM) và Nguyễn Thanh Chương (SN 1974, Trưởng phòng Đô thị, Văn Phòng UBND TP.HCM).

Theo những kết quả điều tra ban đầu, Sabeco từng được Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) rộng tới 6.000 m2 để xây dựng trụ sở văn phòng tổng công ty và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng theo phương án sắp xếp và xử lý nhà đất công.

Tháng 2/2015, Sabeco hợp tác với một số doanh nghiệp khác, lập ra Công ty Cổ phần Đầu tư Sabeco Pearl với vốn điều lệ khoảng 567 tỷ đồng gồm các cổ đông Sabeco, Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh. Trong đó, Sabeco nắm giữ 26% vốn điều lệ.

Mục đích lập ra công ty này là để triển khai dự án Sài Gòn Mê Linh Tower với quy mô 3 tầng hầm, khối đế 9 tầng, 2 tháp cao 48 tầng và 36 tầng tại khu "đất vàng" nói trên. Nhưng đến tháng 6/2016, Sabeco đã thoái toàn bộ vốn khỏi Sabeco Pearl bằng cách bán đấu giá hơn 14 triệu cổ phần nắm giữ cho chính các cổ đông sáng lập, thu về gần 195 tỷ đồng. Theo đó, Sabeco bị "đuổi" khỏi khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Kiểm toán Nhà nước vào cuộc và đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng vốn của Sabeco, đặc biệt là ở vụ thoái vốn khỏi Sabeco Pearl. Cơ quan kiểm toán kết luận Sabeco đã chuyển nhượng khu đất với mức giá quá rẻ so với giá trị thực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem