Vì sao có thông tin tài khoản ngân hàng, công an vẫn khó tìm được kẻ lừa đảo?

Bạch Dương Thứ năm, ngày 30/03/2023 18:40 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp báo định kỳ chiều 30/3, đại diện Công an TP.HCM đã cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chuyển tiền qua số tài khoản.
Bình luận 0
Vì sao có tài khoản ngân hàng, công an vẫn khó tìm được kẻ lừa đảo? - Ảnh 1.

Thượng tá Lê Mạnh Hà. Ảnh: P.V

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, các đối tượng lừa đảo thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng (có họ tên chủ tài khoản, tên ngân hàng) do các đối tượng chỉ định, cung cấp. Tuy nhiên, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo hiện nay không trực triếp đến ATM để rút tiền, mà chuyển tiền lòng vòng qua các tài khoản ngân hàng khác nhau bằng dịch vụ internet banking.

Hầu như các tài khoản nhận tiền từ hoạt động lừa đảo đều được đối tượng thuê người khác đứng tên đăng ký. Các đối tượng còn yêu cầu nạn nhân trực tiếp mở tài khoản ngân hàng, đăng ký dịch vụ internet banking rồi chuyển tiền vào, sau đó nạn nhân phải cung cấp mã thẻ, số tài khoản điện tử và mã OTP. Khi nạn nhân cung cấp xong, các đối tượng đăng nhập được vào tài khoản nhanh chóng chuyển tiền sang tài khoản khác. Thời gian luân chuyển dòng tiền diễn ra ngay lập tức sau khi nạn nhân chuyển tiền từ 10p đến 30p.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, đường đi của dòng tiền lừa đảo được các đối tượng trong băng nhóm chuẩn bị, tính toán kỹ để đối phó cơ quan công an điều tra, truy vết. Nhận được tiền do nạn nhân chuyển, các đối tượng sẽ chuyển liên tiếp sang nhiều tài khoản khác, chia nhỏ số tiền vừa chiếm đoạt ra để gửi hoặc sử dụng tiền lừa đảo được để mua hàng hóa điện tử tại các trang thương mại của nước ngoài, chuyển tiền vào ví điện tử, mua thẻ cào điện thoại, thẻ game. Hoàn toàn không rút tiền mặt truyền thống như trước.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, tội phạm sẽ không dùng tài khoản của chính tội phạm mà tài khoản của người khác (có thể tài khoản đi thuê, đi mượn) hoặc là tài khoản được mở bằng giấy tờ giả. Khi nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản đó, tiền có thể được rút qua thẻ ATM hoặc lại được chuyển tiếp nhiều lần tới các tài khoản khác, ở các ngân hàng khác nhau rồi mới rút ra bằng thẻ ATM để dòng tiền đi lòng vòng nhằm đối phó với cơ quan công an.

Hiện nay, Bộ Công an, Công an TP.HCM đã phối hợp với các cơ quan truyền thông công bố danh sách các số tài khoản ngân hàng liên quan đến các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để người dân phòng tránh. Tuy nhiên, hình thức tuyên truyền chỉ là một phần trong công tác phòng ngừa, đấu tranh. Việc phối kết hợp giữa cơ quan công an với các ngân hàng vẫn tồn tại nhiều hạn chế.

Giải thích về việc khó khăn khi truy tìm thủ phạm, thượng tá Hà cho biết, khi nạn nhân bị lừa đảo chuyển tiền vào các số tài khoản đối tượng cung cấp, người dân thường đến ngay ngân hàng do mình mở tài khoản yêu cầu hỗ trợ khóa tài khoản hoặc chặn việc giao dịch, nhiều ngân hàng yêu cầu phải có công văn của cơ quan công an yêu cầu thì mới vào cuộc được. 

Tuy nhiên sự phối hợp giữa cơ quan công an với ngân hàng phải mất nhiều thủ tục và thời gian. Đến khi có sự đồng thuận giữa 2 bên cơ quan thì các đối tượng đã chuyển tiền sang nhiều tài khoản khác. Khi cơ quan công an muốn phong tỏa tài khoản cá nhân phải thực hiện một số thủ tục nhất định theo trình tự pháp luật, thời gian chờ đợi rất bất cập, đến khi ngân hàng nhận được văn bản yêu cầu thì tiền trong tài khoản nhận của đối tượng đã chuyển đi hết...

Vì sao có tài khoản ngân hàng, công an vẫn khó tìm được kẻ lừa đảo? - Ảnh 3.

Một dạng tin nhắn lừa đảo để lừa tiền. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, do vướng mắc về thủ tục pháp lý, liên quan đến yếu tố bảo mật thông tin cá nhân khách hàng, nhiều ngân hàng phải chờ có ý kiến của lãnh đạo ngân hàng duyệt thì mới được phép phong tỏa tài khoản nhận tiền. Có trường hợp nạn nhân chuyển tiền cho đối tượng vào thứ 7, chủ nhật, mặc dù đã trình báo ngay với cơ quan công an, nhưng phía ngân hàng lại không làm việc nên thời gian chờ đợi phong tỏa kéo dài, tỷ lệ nghịch với thời gian mà đối tượng thực hiện việc chuyển tiền để tẩu tán.

Bên cạnh đó, Công an TP cũng cảnh báo nguy cơ đối tượng sử dụng thông tin cá nhân giả để đăng ký tài khoản. Do đó, người dân không cung cấp qua điện thoại: thông tin cá nhân, số điện thoại, số giấy tờ tùy thân, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào yêu cầu mà mình không quen biết.

Khi có đối tượng đề nghị nhờ đăng ký mở tài khoản hộ, thuê mở tài khoản, cần tỉnh táo để nhận biết, cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng thông tin cá nhân để thực hiện hoạt động phạm tội lừa đảo. Nếu phát hiện, cần thông tin ngay đặc điểm, thông tin cá nhân, số điện thoại của đối tượng nhờ mở tài khoản cho cơ quan công an biết để kịp thời ngăn chặn.

"Lực lượng công an và các lực lượng chức năng khác của cơ quan Nhà nước trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc, không bao giờ làm việc với công dân qua điện thoại, tuyệt đối không có lời lẽ hăm họa, đe dọa hoặc gửi những tài liệu khởi tố, khởi kiện qua điện thoại. Nếu cơ quan chức năng mời làm việc sẽ gửi giấy mời thông qua chính quyền đoàn thể địa phương nơi công dân cư trú để làm việc đúng theo quy định của pháp luật", thượng tá Hà thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem