Vì sao con đường đắt đỏ nhất TP.HCM trở thành con đường... trả mặt bằng?

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 25/03/2023 13:30 PM (GMT+7)
Từ con đường đắt đỏ bậc nhất TP.HCM, đường Lê Lợi trở thành con đường có tỷ lệ trả mặt bằng lớn nhất khu vực trung tâm, dù rào chắn thi công đã được tháo dỡ và ngành du lịch đã phục hồi. Vì sao lại như vậy?
Bình luận 0

Hàng loạt mặt bằng trên đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM đang đóng cửa im ỉm. Thậm chí, tỷ lệ cửa hàng đang hoạt động trên con đường đắt đỏ bậc nhất TP.HCM chỉ chiếm thiểu số, áp đảo là các mặt bằng chi chít thông tin cho thuê.

Giá thuê mặt bằng ngất ngưởng

Tháng 8/2022, rào chắn thi công trên đường Lê Lợi - đoạn nối phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành được tháo dỡ sau 8 năm thi công metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Rào chắn không còn khiến con đường này được kỳ vọng sẽ sớm nhộn nhịp, các cửa hàng mở cửa trở lại, thu hút khách như trước.

Tuy nhiên, đã nửa năm trôi qua, tình hình tại con đường đắt đỏ bậc nhất TP.HCM vẫn không có gì thay đổi. Thậm chí, theo nhiều người dân sống ở đây, tỷ lệ trả mặt bằng trên tuyến đường này còn đang cao hơn so với giai đoạn trước.

Vì sao con đường đắt đỏ nhất TP.HCM trở thành con đường... trả mặt bằng? - Ảnh 1.

Măt bằng trên đường Lê Lợi, quận 1, TP.HCM bị trả hàng loạt và không có khách thuê. Ảnh: Hồng Phúc

Trên con đường chỉ khoảng 300 mét, ghi nhận của Dân Việt cho thấy, số lượng mặt bằng trống, đang rao cho thuê lên đến hơn 20 cửa hàng. 

Con số này chưa tính hàng loạt các cửa hàng nhỏ cũng đang cần tìm chủ trên các chung cư cũ. Với tình hình hiện nay, đường Lê Lợi trở thành tuyến đường đắt đỏ bậc nhất TP.HCM nhưng có tỷ lệ trả mặt bằng lớn nhất khu vực trung tâm.

Không chỉ các cửa hàng nhỏ lẻ “bỏ của chạy lấy người” mà một số thương hiệu lớn cũng rời đi. 

Nhiều người có nhu cầu thuê mặt bằng thời điểm này cho biết giá thuê trên đường Lê Lợi hiện cao ngất ngưởng nhưng lượng khách theo họ vẫn chưa tương xứng với mức giá.

Khảo sát cho thấy, giá thuê một mặt bằng có diện tích khoảng 100m2 từ 200 triệu đồng/tháng, diện tích 300m2 từ nửa tỷ đồng mỗi tháng. Mức giá này áp dụng cho các căn nhà phố, nằm trên mặt tiền đường Lê Lợi, thuận tiện cho khách ra vào. Các căn nằm trong chung cư để mở shop quần áo, quán cà phê có giá thấp hơn.

Chị Thúy - môi giới đang rao cho thuê một mặt bằng hơn 100m2, cho biết mức giá thuê 200 triệu đồng/tháng là phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Theo chị, đường Lê Lợi hiện “quá đẹp, khách du lịch nhộn nhịp, không chỉ kinh doanh mà còn làm thương hiệu rất tốt”. 

Không đồng ý giảm giá, nếu khách muốn có giá thuê thấp hơn thì môi giới gợi ý nên chuyển sang thuê mặt bằng ở những vị trí khác.

"Nắng chang chang thì tới chơi cái gì"

Nằm cạnh chợ Bến Thành, đối diện hai trung tâm thương mại Takashimaya và Saigon Centre, kéo thẳng ra phố đi bộ Nguyễn Huệ và Nhà hát Thành phố, chủ nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không phủ nhận vị trí của đường Lê Lợi hiện quá đẹp. 

Vì sao con đường đắt đỏ nhất TP.HCM trở thành con đường... trả mặt bằng? - Ảnh 3.

Đường Lê Lợi sau khi tháo rào chắn thi công, nắng chang chang và không có cây xanh. Ảnh: Hồng Phúc

Tuy nhiên, theo họ, nếu thuê ở thời điểm này sẽ khó hút khách vì con đường quá nắng, thiếu cây xanh và thiếu các hạng mục phụ trợ. Từ trưa, dưới cái nắng chói chang và thiếu cây xanh, đường Lê Lợi nóng hừng hực. Khách du lịch và dân công sở làm việc tại khu vực này phải nép đi dưới các mái hiên.

“Đường nắng chang chang thì chơi cái gì, muốn nép vào cũng không có chỗ nép. Dân công sở còn hạn chế đi thẳng đường Lê Lợi, họ nép vào những con đường nhỏ hơn, nhiều cây xanh”, một tài xế xe ôm chuyên đợi khách trên đường Lê Lợi nói.

Ghi nhận cũng cho thấy, một số quán cà phê hiếm hoi trên con đường này, thậm chí là của các thương hiệu lớn nhưng cũng rất ít khách. Các cửa hàng quần áo hầu như chỉ có nhân viên. Tối đến, là cao điểm phục vụ của ngành F&B nhưng những nhà hàng và cà phê tại đây đều chỉ đón khoảng một nửa công suất thiết kế.

Thực tế này cũng được cơ quan quản lý nhận thấy. Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM, đường Lê Lợi hiện đã thông thoáng nhưng cảnh quan cùng các tiện ích phục vụ hoạt động mua sắm, đi bộ của người dân, du khách chưa đủ đáp ứng. Trong điều kiện chưa thể bố trí ngay mảng xanh đủ lớn để tạo bóng mát cho vỉa hè, cơ quan này cũng đề xuất thiết kế mái che vươn ra ngoài khoảng 4m để tạo điều kiện phát triển thương mại - dịch vụ.

Không chỉ đường Lê Lợi mà nhiều tuyến đường khác ở khu vực trung tâm TP.HCM như Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Lê Lai… mặt bằng rao cho thuê mấy năm chưa có chủ rất nhiều. 

Trong bối cảnh sức mua sụt giảm hậu Covid-19, các thương hiệu, doanh nghiệp đều thận trọng khi xuống tiền thuê mặt bằng kinh doanh ở khu vực trung tâm TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem