Vì sao doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nước mắm, bánh tráng đi Mỹ, Nhật, Hàn đều đều đầu năm?
Vì sao doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nước mắm, bánh tráng đi Mỹ, Nhật, Hàn... đều đều đầu năm?
Hồng Phúc
Thứ hai, ngày 14/02/2022 07:16 AM (GMT+7)
Sớm tìm hiểu thị trường, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật từ đầu và chịu khó thâm nhập, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt các FTA thế hệ mới. Đầu năm, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, nước mắm, bánh tráng đều đều sang các nước và ngày càng có thêm nhiều khách hàng mới.
Nhiều doanh nghiệp chuyên về thực phẩm như nước nắm, bánh tráng, cà phê… đang tất bật sản xuất, đưa hàng xuất khẩu sang các nước, thậm chí mở rộng được thêm một số thị trường mới ngay đầu năm 2022.
Công ty Pacific Foods - một doanh nghiệp tiền thân từ sản xuất và xuất khẩu nước mắm truyền thống, sau đó mở rộng sang một số thực phẩm chế biến khác như gia vị, gạo cùng với nông sản sạch, đã tạo được niềm tin với các đối tác nhập khẩu tại Mỹ và Trung Quốc.
Pacific Foods nổi tiếng với thương hiệu nước mắm Mami, bán chạy số 1 Amazon hồi tháng 4/2020 và tiếp tục được người tiêu dùng đón nhận.
Ông Lê Bá Linh - Chủ tịch Pacific Foods, cho biết những ngày đầu năm, các lô hàng gạo, nước mắm của công ty đã lên đường sang Mỹ và Trung Quốc theo đường chính ngạch để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đáng chú ý hơn là doanh nghiệp được quyết định về sản lượng hàng xuất đi.
"Rất vui mừng và may mắn là chúng tôi được chủ động về sản lượng. Khách hàng hỏi chúng tôi muốn xuất bao nhiêu, họ đều sẵn sàng nhận, nhất là các sản phẩm truyền thống như nước mắm, gia vị, cà phê, gạo, nông sản. Đây là tín hiệu rất mừng sau nhiều năm chúng tôi chịu khó thâm nhập thị trường nước ngoài", ông Linh nói.
Ông Phạm Thái Hoàng - Giám đốc Công ty Tân Nhiên phụ trách chi nhánh TP.HCM, chuyên về bánh tráng không nhúng nước, cho biết ngay đầu năm mới, đã có đối tác chủ động liên hệ công ty, ngỏ ý về việc kết nối, đưa bánh sang Mỹ. Đây là một thị trường lớn và mang lại giá trị cao cho các sản phẩm Việt.
"Chúng tôi cũng vừa có thêm thị trường mới là Nhật Bản. Đơn hàng đầu tiên đã xuất đi được khoảng 14 tấn bánh tráng không nhúng nước. Đầu năm như vậy là rất khả quan", ông Hoàng nói với Dân Việt.
Ông cũng cho biết thêm, đợt Tết vừa qua, công ty sản xuất không kịp đưa ra thị trường vì sản phẩm hút khách. Sau Tết, các công nhân đã trở lại làm việc bình thường để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Khởi nghiệp 3 năm nhưng đã có 2 năm đưa bánh tráng xuất khẩu, ông Hoàng cho biết ngay từ đầu đã đầu tư máy móc hiện đại, quy trình khép kín để đạt chuẩn nước ngoài. Nhờ vậy, việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn an toàn của các nước đều nhanh chóng đạt được sau khâu thẩm định.
Ít biết nội dung các FTA thế hệ mới
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM cho biết đầu năm mới, các doanh nghiệp thành viên của hội đã có những tín hiệu tích cực và đầy khả quan. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã tất bật xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước.
Theo bà, các doanh nghiệp này đã rất tích cực và tận dụng tốt nội dung của các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Nhờ đầu tư từ đầu, chú trọng chất lượng và chịu khó tìm hiểu, thâm nhập thị trường mà nhiều thương hiệu nước mắm, cà phê, bánh tráng Việt Nam sớm được người tiêu dùng đón nhận.
Tiếng lành đồn xa không chỉ giúp các công ty dễ có thêm thị trường mới mà các đối tác mới cũng sẵn sàng tìm đến.
Dù vậy, bà cho biết thêm đa số các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và cả doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Các doanh nghiệp gặp khó khăn nhiều về hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu. Gần một nửa doanh nghiệp tôi hỏi đều ít biết về các hiệp định thương mại", bà Chi nói và cho biết đây là khó khăn lớn, nếu tận dụng tốt các FTA thế hệ mới, tình hình xuất khẩu sẽ càng khả quan hơn.
Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng cần có hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường như cách tận dụng ưu đãi FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ, biện pháp để đáp ứng quy tắc xuất xứ) và cách phòng tránh, xử lý các tranh chấp thương mại nếu có.
Nhà nước cần là bạn đồng hành của doanh nghiệp
Bà Huỳnh Thị Mỹ Nương - Tổng giám đốc Công ty Đào đạo lãnh đạo và dịch vụ Phát triển bền vững (SDLT) cho biết, qua tiếp xúc tư vấn nhiều doanh nghiệp, bà nhận thấy bên cạnh những doanh nghiệp đầu tư bài bản, làm tốt việc xuất khẩu thì cũng còn một bộ phận rất lớn doanh nghiệp còn làm thủ công. Do đó, dù muốn xuất hàng đi các nước nhưng thực tế không đủ năng lực, chưa chuẩn tốt ngay từ đầu để đáp ứng điều kiện của các nước nhập khẩu.
Bà Nương đánh giá với số lượng các FTA thế hệ mới đã ký kết, mở ra thị trường rất lớn và tiềm năng cho doanh nghiệp Việt.
"Đơn cử như châu Âu, đây là thị trường lớn nhưng yêu cầu tiêu chuẩn cao. Các loại nông sản của Việt Nam, họ rất thích và những năm tới, nhu cầu càng lớn hơn, vậy tại sao chúng ta không tận dụng? Có một thực trạng là hàng Việt Nam xuất qua Trung Quốc nhưng khi đóng biên, hàng lại tồn đọng, doanh nghiệp mới tìm đường đi mới như qua Ấn Độ, châu Âu, Hàn Quốc", bà Nương nêu quan điểm.
Theo bà, nhu cầu xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt rất lớn nhưng lại ít nắm bắt thông tin, ngại tiếp cận cơ quan nhà nước, các ràng buộc về hợp đồng, ngôn ngữ…
Bà Nương cho rằng phía cơ quan nhà nước cũng phải gần doanh nghiệp hơn, tăng cường thông tin về thị trường các nước, quy chuẩn, yêu cầu để doanh nghiệp hiểu rõ. Và đặc biệt, nhà nước phải là người bạn để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, đưa hàng Việt ra thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.