Vì sao nhiều trẻ nhỏ bị chẩn đoán sai sốt xuất huyết?
Nhiều trẻ nhỏ bị chẩn đoán sai sốt xuất huyết
Bạch Dương
Thứ tư, ngày 03/08/2022 16:08 PM (GMT+7)
Nhiều trẻ nhỏ mắc sốt xuất huyết khi đến các bệnh viện nhi đồng tại TP.HCM đều trong tình trạng nặng. Ngoài những trẻ có bệnh nền như béo phì, một số trẻ bị chẩn đoán sai bệnh ở các cơ sở y tế trước đó.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết nguy kịch, trong đó nhiều trẻ sơ sinh bị chẩn đoán sai khi đi khám ở các cơ sở y tế tuyến trước, phòng khám tư nhân.
Điển hình là 4 trường hợp trẻ dưới 1 tuổi bị sốc sốt xuất huyết nặng bị chẩn đoán nhầm bệnh khác. Trong đó có bé trai H.G.B. (11 tháng tuổi, Tiền Giang) được ghi nhận bị sốt cao liên tục 4 ngày, tiêu chảy 5-6 lần, phòng khám tư chẩn đoán tiêu chảy nhiễm trùng, uống thuốc không rõ loại.
Đến ngày thứ 5, người nhà đưa trẻ đến bệnh viện, được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, được truyền dịch chống sốc, test nhanh kháng nguyên dương tính sốt xuất huyết. Sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần.
Bác sĩ Tiến cho biết, ở trẻ nhỏ, dấu hiệu sốt xuất huyết thường không rõ như sốt không cao, tiêu chảy, ho, sổ mũi, hắt hơi… nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh tiêu hoá, hô hấp. Hiện nay, để xét nghiệm phát hiện sốt xuất huyết thường có 3 xét nghiệm thường quy: Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 (dương tính hay âm tính), tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm CRP.
Các cơ sở y tế hiện nay đều làm được các xét nghiệm này, tuy nhiên vẫn có tình trạng chẩn đoán sai, theo bác sĩ Tiến là do khi có các dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ khám không nghĩ đến sốt xuất huyết mà nghĩ sang các bệnh lý khác về hô hấp, tiêu hoá. Khi xét nghiệm máu ra kết quả bình thường nên chẩn đoán sang sốt siêu vi trong khi thực chất là giai đoạn đầu của bệnh.
Bác sĩ Tiến cho biết, những trẻ mắc sốt xuất huyết 2 ngày đầu không cần xét nghiệm, nhưng từ ngày thứ 3 trở đi, bắt buộc phải làm xét nghiệm cho trẻ, lý tưởng nhất là ngày thứ 2 nên xét nghiệm cho trẻ để phát hiện sớm.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng nhận định, các cơ sở y tế quận huyện đang thiếu người có kinh nghiệm phòng chống sốt xuất huyết. Nguyên nhân là sau đợt chống dịch Covid-19, nhiều nhân viên y tế cơ sở đã nghỉ việc vì thu nhập thấp. Các bác sĩ trẻ còn thiếu kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết và hồi sức. Các hoạt động dự phòng sốt xuất huyết của các trạm y tế như tuyên truyền, kiểm tra các điểm nguy cơ, phun xịt thuốc diệt muỗi và loăng quăng... không đủ người làm.
Sở Y tế đã phối hợp cùng 4 bệnh viện tuyến cuối là Nhi đồng 1, 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh Nhiệt đới cùng Hội Y học TP.HCM cấp tốc tổ chức hàng loạt lớp tập huấn sốt xuất huyết cho nhân viên y tế cơ sở, các phòng khám tư, giúp nhận diện sớm sốt xuất huyết và không bỏ sót dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng, tránh nhập viện muộn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.