Trong khi ly hôn là vấn đề chính quyền Trung Quốc tìm mọi cách giải quyết thì với nhiều phụ nữ nước này, việc chấm dứt hôn nhân không hạnh phúc được xem như sự giải thoát.
Tỷ lệ kết hôn và sinh sản ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục nhưng số vụ ly dị lại tăng chóng mặt trong những thập kỷ gần đây, CNA đưa tin.
Năm 2012, tỷ lệ ly hôn lần đầu tiên vượt qua kết hôn và đạt đỉnh, 4,71 triệu cặp vào năm 2019. Năm 2022, con số này giảm xuống còn 2,1 triệu cặp.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm là vì việc xử lý hồ sơ bị chậm trễ trong thời gian phong tỏa vì đại dịch Covid-19 và quy định “30 ngày hòa giải".
Theo đó, các cặp vợ chồng muốn ly hôn thì phải có sự đồng thuận từ cả hai phía, đồng thời trải qua một giai đoạn suy nghĩ lại trong 30 ngày trước khi chính thức chia tay.
Sự thay đổi
Trước đây, ly hôn được xem là “đặc quyền của nam giới”, phụ nữ ít có cơ hội làm vậy.
Vào đầu những năm 1900, Trung Quốc đã điều chỉnh luật, cho phép vợ chồng kết thúc hôn nhân khi có sự đồng ý của cả hai.
Tuy nhiên, quá trình này vẫn bị kỳ thị nặng nề và việc nộp đơn ra tòa là một thách thức lớn đối với nữ giới.
Những năm 1950, đất nước tỷ dân đã nỗ lực xóa bỏ các tập tục phong kiến, đưa ra một hệ thống mới dựa trên chính sách một vợ một chồng, bình đẳng và tự do kết hôn, ly hôn.
Đến thập niên 1980, ly dị được chấp thuận với lý do “không còn tình cảm với nhau”. Năm 2021, các cặp vợ chồng có thể “đường ai nấy đi” vì bạo lực gia đình và ngoại tình.
Năm 2003, Trung Quốc đã đơn giản hóa việc đăng ký ly hôn bằng cách loại bỏ yêu cầu phải có thư từ đơn vị làm việc từ hai bên chồng, vợ.
Tuy nhiên, những sửa đổi này cũng khiến Trung Quốc trở thành một trong những quốc gia dễ dàng chấm dứt hôn nhân nhất thế giới.
Mãi đến năm 2021, giới chức Trung Quốc mới ban hành quy định 30 ngày "suy nghĩ lại" để hạn chế tỷ lệ ly dị gia tăng.
Trong nhiều thập kỷ, đất nước tỷ dân đã khuyến khích kế hoạch hóa gia đình, hầu hết đôi vợ chồng chỉ được sinh một con.
Không giống như cha mẹ của họ, những người lớn lên dưới chính sách một con chịu ảnh hưởng bởi quan niệm về tình yêu lãng mạn và quyền cá nhân.
Đối với họ, hôn nhân là kết quả từ tình cảm của đôi bên. Tâm lý này đã dẫn đến hiện tượng “hôn nhân trần trụi” - cặp đôi lấy nhau không có xe hơi, nhà cửa, nhẫn cưới, tiệc cưới hay tuần trăng mật.
Bên cạnh đó, sự phổ biến của các hôn lễ “mì ăn liền” đã kéo theo “ly hôn chớp nhoáng”.
Thế hệ sau thập niên 1980 có trình độ học vấn và địa vị kinh tế ngày càng cao, đặc biệt là phụ nữ, đã làm thay đổi mô hình hôn nhân gia trưởng truyền thống.
Ưu tiên hạnh phúc
Nhiều phụ nữ ngày nay khó chấp nhận những cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Họ sẵn sàng quyết định chia tay để bảo vệ lợi ích của mình.
Tuy nhiên, mặt trái là họ có thể bị thiệt thòi trong việc tiếp cận và thực hiện quyền ly hôn. Đặc biệt với những bà mẹ có con nhỏ, họ cũng thường gặp khó khăn về tài chính khi tái hôn.
Khi các thế hệ sau thập niên 1980 đối mặt với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và giá bất động sản quá cao, họ phải phụ thuộc vào tài sản của cha mẹ.
Với các bậc phụ huynh, họ sẽ đầu tư rất nhiều cho đứa con duy nhất của mình, bao gồm học phí, tiền tổ chức đám cưới, nơi ở sau khi lập gia đình. Điều này đã hợp pháp hóa vai trò của cha mẹ trong việc quản lý cuộc sống riêng tư của con cái như sắp xếp những buổi hẹn hò, quản lý đời sống hôn nhân.
Sự can thiệp như vậy dễ gây nên nhiều cuộc xung đột giữa các cặp vợ chồng với hậu quả nghiêm trọng là ly hôn.
Ngoài ra, tình trạng thất nghiệp cộng với những đợt phong tỏa vì dịch bệnh đã tăng căng thẳng về kinh tế và tinh thần trong các gia đình.
Kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ một số lệnh hạn chế, làn sóng ly hôn đã diễn ra ở nhiều tỉnh thành. Hình ảnh các cặp vợ chồng xếp hàng dài để chờ ly hôn tại văn phòng dân sự địa phương được nhiều phương tiện truyền thông ghi nhận.
Hậu chia tay với chồng, nhiều phụ nữ không ngần ngại chia sẻ cuộc sống của họ trên mạng, thậm chí gọi giấy ly hôn là “chứng nhận hạnh phúc". Một số còn chi hàng nghìn USD để chụp ảnh làm kỷ niệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.