Vĩnh biệt nhà văn Tô Hoài: Khoảng trống phía sau lưng thầy

Nhà thơ Trần Ninh Hồ Thứ hai, ngày 07/07/2014 16:52 PM (GMT+7)
Trưa 6.7, chúng tôi lặng đi khi nghe tin nhà văn lão thành Tô Hoài qua đời ở tuổi 95. Vậy là một trong những cây đại thụ tỏa bóng mát xuống làng văn đã nhẹ bước về miền cực lạc. Với những người đi sau như chúng tôi, nhà văn Tô Hoài luôn là một người thầy lớn.  
Bình luận 0

Những ngày tôi làm báo Văn nghệ (1977-1996) có hai “ông lớn” trong làng văn thường tạt qua theo kiểu đi việc gì đó rồi “tiện thể rẽ vào” là nhà văn Tô Hoài và nhà thơ Chế Lan Viên. Vì cái cách đi như thế nên chúng tôi, đám học trò, thường "lôi" hai ông thày này vào bất cứ bàn làm việc nào đó để hỏi bất cứ điều gì.

Có lần chúng tôi đang họp Ban Phóng viên (vừa được thành lập tháng 10.1980) thì nhà văn Tô Hoài vừa nhâm nhi chén rượu từ phòng nhà văn Nguyễn Văn Bổng nhẩn nha đi qua. Thấy ông mủm mỉm cười, anh Hồng Phi đứng lên: "Vua phóng sự, bút ký đây rồi! Anh cho chúng em phỏng vấn vài đường nghiệp vụ".

"Hỏi thì hỏi, nhưng tớ không có diễn thuyết đâu nhé” – nhà văn Tô Hoài tự kéo ghế ngồi ngay cạnh cửa ra vào:  “Phóng viên à? Thời nào mà chả có hai việc chính là ghi chép và chụp ảnh, bây giờ thêm ghi âm. Thời tớ làm báo Cứu Quốc, hồi 1945 đến 1952, đi khắp nơi Tây Bắc, Việt Bắc, địch hậu, làm khỉ gì có máy ảnh, ghi âm nên ghi chép là chính...". "Nhưng cụ ơi, ghi chép thế nào cho nó đỡ ngán?".

"À, đã dễ ngán thì làm phóng viên sẽ là rất khó đấy nhá. Ghi ngày giờ, đi đâu, gặp ai, việc gì, chứ còn ghi gì nữa. Mới ghi xong thì tưởng là rất ngán vì ngày nào cũng thế, phải không? Nhưng chí ít ngày sau mở ra xem, những ghi chép ấy nhắc mình nhớ lại rất nhiều thứ thì lại cứ bồi hồi. Mà bồi hồi là dễ có văn hay... Có chỗ ghi chép cách đến hàng chục năm vẫn cho mình những trang văn, trang báo như vừa mới chứng kiến”... Cái cô Xuân Quỳnh kia kìa - ông hất hàm về phía phòng trong của Ban Thơ - chỉ làm thơ thôi mà xem ra cũng đang lắng nghe cánh phóng sự đấy nhá!". Thì ra nhà thơ Xuân Quỳnh cũng đang lắng nghe thật!. "Cháu cũng hay làm thơ... phóng sự đấy bác ạ - Xuân Quỳnh cười rất tươi - Cả thơ tình nữa cơ, cũng cần ghi chép như... phóng sự ấy đấy!".

Tất cả cười ồ lên vui vẻ. "Ghi chép", Tô Hoài có lẽ là một nhà văn có nhiều sổ tay ghi chép nhất. Từ đấy sinh ra bạt ngàn các bài báo và gần hai trăm đầu sách. Ghi chép. Ghi chép! Một đời...

Gần Tết 2004, tôi và nữ đạo diễn Khang Anh đi làm phim phóng sự về chợ Tết Hà Nội. Chợ Tết Hà Nội thì có ngàn cảnh, nhưng nếu thiếu một Tô Hoài, Kim Lân, rồi đến Hà Ân, Hoài Anh... thì xem ra cũng là cái sự thiếu không nhỏ. Đến phố Đoàn Nhữ Hài hỏi mãi, cụ bà Tô Hoài mới nói lộ ra là cụ ông đang "trốn" lên tận Nhật Tân nhà con rể để viết cái gì đó. Thế là chúng tôi lao lên.

"Ô tô, máy móc để xa nhà một chút, không thì nhìn thấy, ông cụ lại ngại" - sau khi dặn khẽ đám làm phim, tôi bấm chuông cửa.

Nhìn thấy tôi là người của Hội Nhà văn, "cái cậu" Hồ hay đặt bài đã quen, cụ đang tưới cây tỉa lá gì đó, lục túi cầm chùm chìa khóa khá to ra mở cửa, nhưng chưa mời vào. "Cái gì đấy. Họp à?" - bác Tô Hoài cười vẻ diễu diễu - Hay là lại quay phim, chụp ảnh, đặt bài?".

Biết không giấu được, tôi thú thực chỉ xin bác mười lăm phút quay phim truyền hình rồi đi ngay. "Có cần quần áo gì khác không?”. Tôi ngắm qua, nhất là cái mũ nồi rất bản làng đã có rồi nên trả lời: "Bác cứ tưới cây. Vườn của bác nhỏ mà đẹp đáo để, hoa Tết đây chứ đâu. Cháu sẽ diễn cùng bác".

Thấy tôi nói mạnh, ông cụ tỏ vẻ vui, nhưng vẫn dặn thêm: "Phiên phiến thôi nhá. Mà đừng có bắt đi đâu. Năm ngoái đã quay rồi!". "Năm ngoái mưa. Năm nay nắng, bác sẽ ăn phim hơn, nhất là vào tuổi tám lăm mà vẫn... tươi sáng thế này, biết đâu cụ lại lấy từ... ghi chép ra vài tập nữa! "Chiều chiều lại nhớ chiều chiều/ Nhớ người quân tử khăn điều vắt vai". "Câu ca ấy có nơi còn đọc quân tử là quân tải nữa đấy, cậu ạ"...- cụ cười.

Bàn về văn hay, văn được đã khó, bàn về “văn hỏng” mà lại về triệu chứng của sự hỏng nữa, để mà lo liệu chữa chạy, có nhẽ cũng khó không kém. Nhưng rồi cứ loanh quanh quanh cụ Tô Hoài, tình cờ tôi nghe được cụ nói với cụ Nguyên Hồng ở 65 Nguyễn Du tôi mới ngộ ra.

Không biết hai cụ nói gì quanh cái bi-đông rượu của cụ Nguyên Hồng mới từ Yên Thế xuống đặt trên cái bàn đá dưới tán cây bách tuế cửa trụ sở Hội Nhà văn, nhưng có một câu của cụ Tô Hoài tôi nghe rất rõ khi lặng lẽ đi qua:

“Hỏng là khi không có chữ nào mới. Nhất là ở cái sự đặt câu.

Nhoáng qua là đã thấy cái loại văn lười, không biết tập thể dục cho văn. Mình cứ hay để ý cái người đánh máy chữ bản thảo ở văn phòng mỗi khi mình nhờ là thấy ngay. Khi câu nào người đánh máy chỉ cần đọc nửa câu, không cần nhìn nửa câu sau, nó cũng đánh nốt được đúng như bản thảo, đấy là câu văn hỏng. Hết cái sự đột biến của cả văn phạm và ý tưởng. Hỏng!”.

Bậc thầy của làng văn, người thầy lớn của nhiều thế hệ nhà văn cuối cùng đã lặng lẽ rời bước khỏi cõi trần, để lại một khoảng mênh mông trống vắng. Sẽ không còn ai tiện thể rẽ qua những cuộc sum vầy để đưa ra vài lời chí tình chí lý.

Sẽ không còn ai để chúng tôi trông vào mà thấy mình còn có một ngọn đèn phía trước, tỏa ra ánh sáng ấm áp của tri thức, nhân cách, trí tuệ và tình yêu đời, yêu người... Khoảng trống!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem