Lưu Quang Định - Vinh Hải - Lương Kết
Chủ nhật, ngày 10/05/2020 10:45 AM (GMT+7)
Vụ án oan hy hữu xảy ra với người nông dân Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đã làm rúng động cả nước. Trong lịch sử tư pháp Việt Nam có lẽ chưa có ai đi tù oan lâu đến thế...
LỜI TÒA SOẠN:Những ngày này, dư luận đang đặt để toàn bộ sự chú ý vào phiên giám đốc thẩm đối với vụ án của Hồ Duy Hải - bị cáo đã bị kết án tử hình qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đó khi bị buộc tội sát hại dã man hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) hơn 12 năm trước.
Ngày 8/5, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ra phán quyết Giám đốc thẩm, qua đó bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và đề nghị y án tử hình đối với bị cáo Hồ Duy Hải.
Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận được đẩy lên cao trào ngay sau phán quyết giám đốc thẩm là trong quá trình điều tra, truy xét vụ án Hồ Duy Hải, còn có rất nhiều sai sót của các cơ quan điều tra (dù có thể "không làm thay đổi bản chất vụ án" như phán quyết của phiên giám đốc thẩm), nhưng cũng khiến dư luận có quyền nghi ngờ về sự chính xác và công tâm của bản án.
Nhân dịp này, Dân Việt xin đăng tải lại loạt bài về vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, người đã được minh oan sau hơn 10 năm ngồi tù.
Ở đây, chúng tôi không đặt vấn đề (và cũng không khẳng định) bị cáo Hồ Duy Hải có phải chịu án oan như ông Chấn hay không. Nhưng, cũng giống như vụ án Hồ Duy Hải, trong quá trình điều tra, truy xét vụ án Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tư pháp khi đó cũng đã mắc phải nhiều sai lầm vô cùng nghiêm trọng khiến cho kết quả điều tra sai lệch căn bản…
Xin mời bạn đọc đón xem lại loạt bài 5 kỳ về vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn. Loạt bài từng đăng tải trên Dân Việt vào năm 2015.
Kỳ 1: Án mạng bất ngờ và 9 ngày kinh hoàng bức cung, nhục hình
Kể từ ngày nhận giấy triệu tập lên Cơ quan cảnh sát điều tra (20/9/2003), bị buộc phải ký giấy tự thú nhận tội giết người, trải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, rồi những năm dài thụ án ở trại giam Kế (tỉnh Bắc Giang), trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc), đến khi được thả tự do (4/11/2013), tổng cộng ông Chấn đã ngồi tù oan hơn 10 năm - chính xác là 3.699 ngày.
“Một ngày ở tù - nghìn thu ở ngoài”. Trong 3.699 ngày oan trái ấy, ông Chấn (và cả gia đình vợ con ông) đã trải qua những tủi nhục gì, hành trình giải oan của ông đã có những lúc tưởng như tuyệt vọng ra sao? Và niềm tin vào công lý, sự kiên trì đáng kinh ngạc trên con đường đi đòi lại tự do, cuối cùng đã giúp ông thoát khỏi tù ngục như thế nào? Kính mời bạn đọc theo dõi loạt tư liệu dài kỳ độc quyền của báo Dân Việt về vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn.
Cách đây hơn 10 năm, tối ngày 15/8/2003, tại thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bất ngờ xảy ra một vụ giết người dã man. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan (SN 1972) – một phụ nữ bỏ chồng, xinh đẹp vào loại nhất thôn. Địa điểm xảy ra án mạng là cái quán nước đầu thôn – nơi nạn nhân bán hàng và sống cùng cậu con trai mới 17 tháng tuổi...
Đi theo đường cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, đến Khu công nghiệp Đình Trám thì rẽ trái tìm về huyện Việt Yên. Dọc hai bên đường bán đầy bánh đa Kế. Hỏi xã Nghĩa Trung ở đâu nhiều người không biết, nhưng hỏi “làng ông Chấn” thì ai cũng nhiệt tình chỉ ngay.
Thôn Me trông thật hiền lành như cái tên dân dã của nó. Đường đất ven đê, dăm lò gạch lúp xúp, cái cổng thôn đơn giản với hai trụ xây bằng gạch đỏ để trần. Trên sân bóng đầu thôn, vài con bò thản nhiên gặm cỏ. Ngay sát sân bóng có vài cái quán nhỏ bán chè, nước giải khát, thuốc lá, bia, vật tư nông nghiệp… Trong dãy đó có quán của nạn nhân Hoan, hôm nay khóa cửa im ỉm.
Và cả quán của nhà ông Chấn. Chúng tôi gặp bà Phạm Thị Vì, mẹ ông Chấn (sinh năm 1942), đang ngồi trông hàng. Người làng bảo cảnh vật rất ít thay đổi, dường như câu chuyện đau thương ấy mới xảy ra hôm qua…
Gặp ông Chấn trong ngôi nhà xưa cũ nát
Ông Chấn nom già và khắc khổ hơn cái tuổi 53 của mình (ông sinh năm 1961). Dáng người gầy yếu, nước da bây bấy rất đặc trưng của mấy anh bị nhốt lâu. Đôi mắt ầng ậng nước, giọng run run, ông bảo: “Trước khi bị bắt tôi cân nặng hơn 60kg, giờ chỉ còn hơn 50kg thôi. Lại thêm cái chứng đau đầu, lúc nào cũng quên quên nhớ nhớ…”. Dấu ấn của hơn 10 năm tù oan có lẽ để lại khá rõ nơi ông.
Ngôi nhà ba gian của gia đình ông lợp ngói nhỏ, tường đất, nền đất. Đồ đạc rất tuềnh toàng: Ba cái giường ọp ẹp, một tủ chè, một tủ gương với tấm kính đã vỡ, được dán lại bằng dải băng dính. Tất cả đồ đạc đều là loại thường thấy ở nông thôn cách đây hàng chục năm. Trên cột nhà có treo một tấm bằng Tổ quốc ghi công đề tên liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn, hy sinh tại chiến trường Lào năm 1964. Ông Chấn là người con duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn và bà Vì.
Ông Thân Văn Hoạt (chồng bà chị ruột của vợ ông Chấn – một người đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hành trình giải oan mà chúng tôi sẽ kể kỹ hơn với bạn đọc ở những phần tiếp theo của loạt bài) cho biết: Trước khi bị bắt, nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình ông Chấn thuộc vào loại khá giả trong thôn: Có quán bán hàng, có máy xay xát gạo, có cả một cỗ xe ngựa chở thuê cho bà con trong thôn. Hai vợ chồng còn sở hữu hai cái xe máy (gồm một chiếc Cub 81 đời 93, một chiếc Angel mới mua với giá 17 triệu).
Trước khi sa vào vòng lao lý, vợ chồng ông đã chuẩn bị 4 vạn viên gạch để làm lại căn nhà này, vốn được bà Vì cất từ năm 1976. Lúc đó nhà cửa trong thôn vẫn mái tranh nhiều, giờ hầu như đã lên mái bằng, 3 – 4 tầng hết cả. 4 vạn gạch gia đình đã phải bán hết từ lâu trong suốt 10 năm chạy vạy kêu oan cho ông, mà ngôi nhà thì vẫn xiêu vẹo như thế…
Rót chén nước chè nhạt, mắt lại ầng ậng nước, ông Chấn kể tiếp cho chúng tôi nghe câu chuyện oan nghiệt từ hơn 10 năm trước...
"Tôi mệt quá, đau quá, sợ quá! Cứ hành hạ thế này mãi thì chết mất... Chỉ mong sao kết thúc càng sớm càng tốt những giây phút kinh hoàng này" - ông Nguyễn Thanh Chấn nói về những ngày bị dùng nhục hình ở Công an huyện Việt Yên.
Tai họa bất ngờ
Chiều tối 15/8/2003, thôn Me như vui hơn bởi có trận đá bóng. Cái quán nhỏ của vợ chồng ông Chấn cạnh sân cũng tấp nập hơn. Khoảng hơn 6 giờ chiều thì trận bóng tan, trời vẫn còn sáng. Đến lúc khách khứa vãn một chút, bà Chiến – vợ ông Chấn – bảo chồng đi lấy nước.
Theo lời bà Chiến, lúc đó tầm 18 giờ 30. Ông Chiến lấy hai cái thùng nhựa, buộc hai bên đằng sau chiếc xe đạp, đi vào xóm đến nhà bà Viển xin nước. Trên đường đi có ngang qua nhà chị Hoan. Lấy được nước về, ông lại quay về quán. Rồi sau đó về nhà ở trong làng nghỉ.
Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, trong thôn rộ lên tiếng hô hoán: “Con Hoan chết rồi !” Bà mẹ của nạn nhân – sống ở nhà bên cạnh, là người đầu tiên đến hiện trường. Tại đây, mọi người thấy nạn nhân nằm ngửa trên sàn nhà, giữa một vũng máu. Nhiều vết thương ở cổ, trán, ngực, bụng, quần áo bị xô, rạn rách, tóc rối bù… Dưới nền nhà vẫn còn nhiều dấu chân, dấu tay, mảnh vỏ chai bia vỡ… dính bê bết máu. Và một lưỡi dao nhọn, màu trắng, không chuôi.
Khỏi phải nói, vụ án mạng làm cái thôn Me bình yên ấy xôn xao như thế nào. Đi đâu người ta cũng bàn tán, dò hỏi, đưa ra các giả thuyết: Ai giết? Giết khi nào? Vì sao? Cướp của? Tình cờ hay trả thù? Bao giờ thì công an tóm được kẻ sát nhân?... Các tổ trinh sát điều tra của Công an huyện liên tục xuống làm việc, với quyết tâm phải phá vụ trọng án này nhanh nhất, sớm trả lại sự bình yên cho thôn Me. Nhiều nhân chứng được mời lên huyện lấy lời khai.
Khi án mạng xảy ra, ông Chấn tội nghiệp vẫn hết sức vô tư. Ngay tối 15/8, khi mọi người hô hoán “Hoan chết”, người nhà chị Hoan còn nhờ ông Chấn gọi điện thông báo cho người thân (quán ông Chấn có dịch vụ điện thoại công cộng). Đến khuya, khi công an xuống làm việc, mọi người còn bảo ông Chấn đi nấu cháo gà. Ngày hôm sau, ông Chấn còn đánh xe ngựa chở quan tài về mai táng cho chị Hoan.
Đến ngày 30/8, đến lượt ông Chấn lần đầu tiên nhận được giấy mời lên Công an huyện Việt Yên làm việc. Họ hỏi ông có biết gì về vụ cô Hoan bị giết không? Tất nhiên ông trả lời không biết. Đến ngày 20/9, ông lại nhận được giấy triệu tập – lần này là triệu tập rồi. Đến ngày 29/9 thì tin đâu như sét đánh ngang tai loang ra khắp cả làng: Chính thằng Chấn giết người!
Hôm sau, chị Chiến, vợ ông Chấn – được công an gọi lên, cho đọc một lá đơn, nghe một đoạn băng do chính ông Chấn viết và khai nội dung là ông xin tự thú đã giết chị Hoan. Công an hỏi: Đúng chữ chồng chị không? Đúng tiếng chồng chị không? Vậy thì về thôn quỳ lạy, xin lỗi gia đình bị hại đi, không thì chồng chị sẽ bị xử bắn đấy! Chị gào khóc: Không, các anh nhầm rồi! Không phải chồng tôi giết người! Các anh nhầm rồi!
Ngày 9/5/2014, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Thế Vinh (Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang) nguyên là kiểm sát viên thụ lý chính vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn và ông Trần Nhật Luật (thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nguyên là điều tra viên thụ lý chính trong vụ án này. Cả hai bị can bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi cố tình “làm sai lệch hồ sơ vụ án” theo Điều 300 Bộ luật Hình sự. Theo Điều 300 Bộ luật Hình sự, những người cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án có thể bị phạt tù từ 1 - 15 năm.
9 ngày kinh hoàng nhục hình, bức cung
Khi chúng tôi hỏi: “Vì sao không giết người mà ông lại viết lá đơn tự thú ngày 29/9 ấy?”, trái với lời lẽ nhát gừng, yếu ớt bình thường, giọng ông Chấn bỗng lưu loát hẳn lên. Chắc hẳn “đoạn phim” đau thương đó đã tua đi tua lại đậm nét trong trí nhớ ông suốt bao năm qua:
“Ngày 20/9 tôi lên huyện, công an lấy dấu chân dấu tay của tôi rất nhiều lần, rồi hỏi đi hỏi lại rất nhiều lần. Tối họ cho về, ngày hôm sau lại lên, gặp cán bộ Nguyễn Hữu Tân, lại dấu chân dấu tay, rồi đánh tôi rất đau. Tôi kêu: Tôi có giết người đâu mà các anh bắt tôi nhận? Cán bộ Tân bảo: Cho mày uống thuốc lú cho mày cãi khỏe, mày không biết rồi mày khắc phải nhận. Từ đó các cán bộ Nguyễn Văn Dũng, Ngô Đình Dung, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành, Tuyến, Trần Nhật Luật thay nhau túc trực suốt 4 – 5 ngày đêm liền bức cung tôi".
"Trong phòng đi cung có một chiếc giường nhỏ nhưng tôi không hề được nằm một phút nào. Họ đá, họ đấm, họ dùng dép đánh vào hai bên tai tôi. Đầu óc tôi như nổ tung ra. Họ không cho tôi về, không cho tôi ngủ, dọa nạt bắt buộc ép tôi thế này ép tôi thế nọ. Như cán bộ Ngô Đình Dung bắt tôi phải chỉ giấu dao ở đâu? Dưới giếng à? Hay dưới ao? Tôi bảo tôi có giết người đâu mà giấu dao. Ông Luật bắt tôi vẽ dao, tôi bảo tôi biết dao nào mà vẽ? Ông Luật bảo tao cho mày một búa vào đầu mày chết bây giờ! Cán bộ Nguyễn Hữu Tân trên tay lúc nào cũng lăm lăm con dao trên tay hăm dọa tôi, ép buộc tôi phải nhận…”.
Cuối cùng, đến ngày 29/9. Suốt đời tôi không quên được giây phút đó. Nước mắt đầm đìa, tôi nghĩ đến những ngày tháng làm ăn lương thiện, đến mẹ, đến vợ, đến những đứa con thơ ở nhà. Tôi biết mình làm thế này là ký án tử hình cho chính mình, là có thể không bao giờ còn được gặp vợ con nữa. Nhưng tôi không còn cách nào khác! Tôi mệt quá, đau quá, sợ quá! Cứ hành hạ mãi thế này thì chết mất... chỉ mong sao kết thúc càng sớm càng tốt những giây phút kinh hoàng này. Thế là tôi nhận đã giết người, để dao trong tủ.
Người ta liền bắt tôi viết đơn tự thú. Lá đơn đó, chính cán bộ Ngô Đình Dung đọc cho tôi từng câu, từng chữ một. Rồi người ta bắt tôi đọc to cái đơn đó lên, ghi âm lại. Ngay chiều hôm đó, người ta cho tôi lên trại Kế. Có ngày chuyển 4 - 5 phòng giam.
Có lần người ta quẳng tôi vào cùng buồng giam với 4-5 “đầu gấu”, thằng nào cũng to béo, xăm trổ đầy mình. Có thằng tên là Hồng Hiển bắt tôi "phục vụ" nó. Và suốt cả tháng sau, họ bắt tôi diễn. Họ làm mẫu cho tôi diễn. Diễn đi diễn lại. Đâm như thế nào. Bế cô Hoan đập xuống đất thế nào. Đến ngày 30/10, tại trại Kế, họ dựng lại hiện trường, bắt tôi diễn lại từ đầu tới cuối, chụp ảnh, ghi hình...
Hai phiên tòa xét xử phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn diễn ra tại Bắc Giang ngày 26/3/2004 (sơ thẩm) và 27/7/2004 (phúc thẩm) thu hút rất đông người dân tham dự. Sau này lật lại hồ sơ vụ án, ai cũng có thể thấy là quá trình điều tra cũng như các bản cáo trạng luận tội đều bộc lộ hàng loạt sơ hở, thiếu sót.
Ví dụ như người ta chỉ căn cứ vào bản nhận tội của ông Chấn để kết tội ông (mặc dù luật nói rõ không thể chỉ căn cứ vào bản nhận tội để xét xử mà còn phải căn cứ vào các bằng chứng, chứng cứ khách quan khác); hay không tìm thấy chuôi con dao gây án; hay dấu chân của ông Chấn chỉ “gần đúng” với dấu chân nghi phạm để lại hiện trường; hay có nhiều nhân chứng đã làm chứng trước tòa về tình trạng ngoại phạm của ông Chấn.
Ví dụ ông Thực, một người cùng thôn, xác nhận đã đến quán ông Chấn nhờ ông Chấn bấm số điện thoại gọi cho số máy 566095 – bảng kê điện tử của bưu điện cho biết cuộc gọi kéo dài từ 19 giờ 5 phút đến 19 giờ 20 phút 31 giây, nghĩa là trùng với quãng thời gian chị Hoan bị giết); hay tòa nhận định ông Chấn không chứng minh được từng phút một trong quãng thời gian từ 19 giờ đến 19 giờ 30 ông đã đi đâu, làm gì (trong khi có một nguyên tắc quan trọng là tòa phải chứng minh công dân có tội chứ công dân không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội)…
Trước tòa, các luật sư bào chữa đều phân tích kỹ những thiếu sót, sơ hở này. Trước tòa, ông Chấn cũng một mực kêu oan, nói rõ trước đó mình nhận tội vì đã bị ép cung, nhục hình.
Nhưng bất chấp tất cả, cả hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều kết luận: Công dân Nguyễn Thanh Chấn đã phạm tội giết người, “với hành vi hung hãn, tàn bạo, độc ác, cố tình thực hiện đến cùng”, nhưng vì phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, là con liệt sĩ, “sau một thời gian gây án đã thành khẩn khai nhận tội lỗi, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng sớm kết thúc vụ án”, nên “chỉ” áp dụng hình phạt: Chung thân!
Đón đọc Kỳ 2: 10 năm ngồi tù, 2 lần tự sát, nhận biệt danh “Chấn kêu oan” vào lúc 14h ngày 10/5.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.