Chia sẻ với Dân Việt ngày 23.11, bà Ngô Thị Ngọc Anh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giới gia đình và Phát triển cộng đồng cho rằng, nguyên nhân chính là do các gia đình chưa cẩn trọng trong việc tuyển chọn, cũng như không có tiêu chí để đánh giá lựa chọn được đúng người giúp việc có tâm, có chuyên môn, kỹ thuật.
Hình ảnh bé gái hơn 1 tháng tuổi bị người giúp việc hành hạ dã man khiến dân mạng phẫn nộ (Ảnh cắt từ clip)
Theo bà Ngọc Anh, có 5 tiêu chí để các gia đình có căn cứ tuyển chọn người giúp việc:
Một là, chỉ tuyển những người giúp việc có xác nhận thân nhân, lý lịch rõ ràng. Hồ sơ, lý lịch cần phải rõ ràng có xác nhận của chính quyền địa phương, có người giám hộ, hoặc địa chỉ của người thân để liên lạc khi cần.
Hai là, ngoài việc lựa chọn người giúp việc theo độ tuổi, cũng cần chú ý tới khả năng chuyên môn. Kiểm tra xem nhân viên giúp việc đó có kinh nghiệm trong lĩnh vực cần tuyển không. Thực tế, nhiều người giúp việc ở quê lên, chưa quen với tác phong làm việc chuyên nghiệp hay khoa học. Việc sắp xếp công việc nhiều khi chưa hợp lý. Thậm chí, có người giúp việc lúc được phỏng vấn rất tự tin là mình có kinh nghiệm chăm 3 đứa cháu, nhưng khi về nhà chủ làm việc thì lại không hoàn thành công việc. Nhiều người áp dụng thủ tục lạc hậu chăm trẻ sơ sinh, trẻ chỉ sốt cảm đã không cho tắm, trẻ ốm thì không cho uống thuốc mà chỉ cần đáp lá… những “kinh nghiệm” này rất nguy hiểm.
Ba là, khi tuyển người giúp việc cần chú ý tới vấn đề sức khỏe. Nhiều người giúp việc khi đi giúp việc mắc bệnh truyền nhiễm hoặc có vấn đề về sức khỏe tim mạch. Trong quá trình làm việc dễ lây bệnh cho thành viên khác trong gia đình chủ nhà.
Trước đó, ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã xảy ra vụ việc đáng sợ khi chủ nhà đi công tác dài ngày, để giúp việc ở nhà với con. Người giúp việc lên cơn đau tim tử vong, bé trai chưa đầy 2 tuổi đã nhịn đói khóc ngằn ngặt bên cạnh tử thi suốt 2 ngày. Chưa kể tới, việc nhiều người giúp việc có bệnh lý tâm thần, hoặc trầm cảm thể nhẹ. Không kiểm soát được hết cảm xúc và hành vi, nếu gặp các yếu tố ngoại lực tác động như bé ốm, khóc, quấy quá nhiều thường dễ nỗi cáu và có những hành vi sai phạm kiểu như bạo hành, tâng, ném, đánh trẻ… khi không kiểm soát được hành vi.
Bốn là, khi tuyển người giúp việc ngoài việc biết lý lịch, có chuyên môn, khỏe mạnh còn cần lưu ý đến góc độ sự nhiệt tình, cẩn trọng. Công việc giúp việc gia đình là công việc vất vả, người giúp việc lại sống cùng với gia đình chủ, do vậy khi tuyển chọn cần cố gắng tìm hiểu thật kỹ tính cách, lối sống của họ. Tránh việc lúc đến làm thì hứa hảo rất nhiều, nhưng tới lúc làm việc thì lừa dối, đối xử với con cái bố mẹ của chủ nhà theo kiểu đối phó.
Năm là, ngoài tất cả những vấn đề trên thì một vấn đề rất quan trọng khi tuyển người giúp việc là phải ký hợp đồng. Ký hợp đồng giúp hai bên có cơ chế giàng buộc, qua đó nâng cao trách nhiệm, tuân thủ nguyên tắc đã đề ra từ trước đó.
Theo bà Ngọc Anh, dù nói gì thì nói, quan hệ lao động trong lĩnh vực giúp việc gia đình là quan hệ qua lại. Ngoài việc yêu cầu, đặt ra những mục tiêu trong công việc với người giúp việc thì bản thân chủ sử dụng cũng cần phải thấu hiểu, sẻ chia với họ. Thêm vào đó, chủ nhà nên hỗ trợ, chỉ bảo hoặc hướng dẫn công việc tận tâm để giúp họ thích ứng. Có như vậy, mới tạo ra được mỗi quan hệ hài hòa với người giúp việc.
Sáng 23.11, trả lời Dân Việt, đại diện UBND phường Quang Trung, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam xác nhận vụ việc trên có xảy ra trên địa bàn. Bé gái được phản ánh bị người giúp việc bạo hành là N.N.B.N sinh ngày 5.10.2017, bố là anh N.N.A (Sn 1990) và mẹ T.N.P (Sn 1991). Gia đình đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Quang Trung, TP Phủ Lý.
“Sự việc trên là có xảy ra và đã được tổ dân phố cũng như Công an phường ghi nhận. Hiện nay Công an TP Phủ Lý đã đưa người phụ nữ được cho là bạo hành em bé lên làm việc” – đại diện UBND phường Quang Trung cho biết.
|
Liên không bao giờ ngờ Long có thể phản bội mình cho đến khi gặp một ca cấp cứu hy hữu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.