Những cơ quan nào có thể khen thưởng Thiếu tá công an?
Vụ tố cáo sai phạm tại CA Đồ Sơn: Những cơ quan nào có thể khen thưởng cựu Thiếu tá công an?
Đinh Hợp- Hải Anh
Thứ tư, ngày 19/05/2021 16:22 PM (GMT+7)
Theo luật sư, việc cựu thiếu tá Trịnh Văn Khoa làm đơn tố cáo một số cán bộ Công an quận Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) làm sai lệch hồ sơ vụ bắt 25 người sử dụng ma túy trong quán karaoke Hải Sơn rất đáng ngợi khen và xứng đáng được cơ quan chức năng xem xét khen thưởng.
Sau khi ông Khoa làm đơn tố cáo, Viện KSND tối cao đã vào cuộc, khởi tố, bắt giam 4 cán bộ thuộc Đội Điều tra tổng hợp, Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Đội CSĐT tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy Công an Q.Đồ Sơn.
Được biết, đánh đổi cho hành động đó, ông Khoa và gia đình đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Bản thân ông Khoa trước khi làm đơn tố cáo cũng đã có đơn xin ra khỏi ngành sau 19 năm gắn bó, cống hiến.
Sau vụ việc, rất nhiều người cảm phục hành động của cựu thiếu tá công an, dám từ bỏ vị trí công tác, xin ra khỏi ngành để tố cáo sai phạm tại Công an Quận Đồ Sơn, Hải Phòng, đồng thời mong muốn cơ quan chức năng có hình thức khen thưởng xứng đáng cho cựu thiếu tá Khoa.
Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà, (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, những tiêu cực như vụ việc vừa rồi không phải là lần đầu tiên và cũng không phải là duy nhất.
Tuy nhiên, là người trong chính các cơ quan đó đứng ra tố cáo những sai phạm, tiêu cực này thật sự hiếm thấy.
Điều này chứng tỏ bản thân người tố cáo đã tôn trọng pháp luật, tôn trọng danh dự của bản thân, của ngành mà mình đang đảm nhiệm. Hành vi tố cáo của cựu thiếu tá vừa là rất có trách nhiệm và xứng đáng được tuyên dương.
Ngoài ra, vụ việc nêu trên có sức ảnh hưởng rất lớn trong dư luận và cả trong công tác thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là trong quá trình tố tụng.
Cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan an ninh điều tra của công an cấp huyện là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện công tác điều tra làm sáng tỏ các hành vi có dấu hiệu của tội phạm, sáng tỏ tội phạm,… là tiền đề để các cơ quan tố tụng khác tiến hành xử lý theo thẩm quyền của mình.
"Hành động của cựu thiếu tá Khoa làm là thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn của một người công an, một cán bộ trong cơ quan điều tra.
Hành động này góp phần rất lớn trong công tác phòng chống tham nhũng, chống tiêu cực trong ngành công an, tố giác hành vi có dấu hiệu của tội phạm, tố cáo các cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật", luật sư Tùng nói.
Đơn vị nào có thể tặng bằng khen cho thiếu tá Khoa
Theo quy định tại Điều 67, Luật Phòng chống tham nhũng, người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi tham nhũng được khen thưởng về vật chất, tinh thần theo quy định của pháp luật.
Việc bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng được quy định chi tiết tại Điều 58 và 59 của Nghị định số 59/2013/NĐ-CP.
Luật sư Tùng cho biết, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo vệ người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
Do anh Khoa đã làm đơn xin ra khỏi ngành, hiện tại không còn công tác trong ngành công an, nên việc khen thưởng này có thể được xác định là khen thưởng công dân, người tố cáo trong công tác phát hiện, phòng ngừa chống tham nhũng.
Vì vậy, UBND TP. Hải Phòng sẽ là đơn vị xem xét việc khen thưởng cho cựu thiếu tá Khoa.
Ngoài ra, cơ quan phòng chống tham nhũng của Trung ương cũng là đơn vị có thể xem xét tặng bằng khen cho thiếu tá Khoa.
Về mức khen thưởng, không có quy định cụ thể về mức khen thưởng là bao nhiêu. Mức khen thưởng phụ thuộc vào quỹ khen thưởng, đánh giá mức đóng góp của người được khen thưởng.
Bản chất của việc khen thưởng là để ghi nhận, tuyên dương hành vi, công sức của cá nhân trong việc đóng góp tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng, xử lý tội phạm (trong vụ việc này).
"Khen thưởng thế nào là nhiều, ít hoặc mức cụ thể ra sao cá nhân tôi cho rằng không quan trọng vì mức tiền không đánh giá hết toàn bộ công lao của người được khen thưởng.
Và trong vụ việc này, mục đích tố cáo hành vi vi phạm mà cựu thiếu tá đã làm là vì lương tâm, vì pháp luật chứ không phải vì mức khen thưởng", luật sư Tùng nói thêm.
Điều 58 và 59 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định về khen thưởng trong công tác phòng chống tham nhũng:
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng thì được khen thưởng về vật chất và tinh thần. Khen thưởng người có thành tích trong việc tố cáo tham nhũng được thực hiện theo pháp luật về tố cáo và khen thưởng.
2. Quỹ khen thưởng về phòng chống tham nhũng.
a) Quỹ khen thưởng về phòng chống tham nhũng được thành lập để khen thưởng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.
b) Quỹ khen thưởng về phòng chống tham nhũng được lấy từ ngân sách Nhà nước, trích từ tài sản được thu hồi từ các vụ, việc tham nhũng và đóng góp của tổ chức, cá nhân.
Tin cùng chủ đề: Cuộc chiến với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Vui lòng nhập nội dung bình luận.