Vừa dạy nghề vừa hỗ trợ mua cây, con giống

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 30/11/2020 22:28 PM (GMT+7)
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hưng Yên nhiều năm qua đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Bình luận 0

Chỉn chu từ khâu khảo sát, dạy nghề gắn với việc làm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường…, từ đó đã góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hàng nghìn nông dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Thoát nghèo nhờ học nghề trồng cây dược liệu

Nhiều năm gần đây, đời sống của người dân thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm, Hưng Yên) khấm khá hơn nhờ nghề trồng cây dược liệu. Toàn xã Tân Quang hiện trồng gần 20ha cây dược liệu, 38ha hoa cây cảnh, chủ yếu tại thôn Nghĩa Trai.

Vừa dạy nghề vừa hỗ trợ mua cây, con giống  - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hưng Yên hướng dẫn nông dân xã Phú Cường (TP.Hưng Yên) kỹ thuật trồng cây ăn quả, sử dụng phân bón đúng cách. Ảnh: T.H

Trong năm 2019, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Hưng Yên phối hợp doanh nghiệp thực hiện được gần 300 buổi tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giảm chỉ còn hơn 170 lớp.

Bà Đỗ Thị Lê - trưởng thôn Nghĩa Trai cho biết, thôn có 560 hộ thì 80% số hộ tham gia trồng cây dược liệu. Đây là nghề truyền thống, nhiều đời cha ông để lại, áng chừng tồn tại đã vài trăm năm. Tuy vậy, nghề chỉ thực sự phát triển mạnh khoảng chục năm trở lại đây, đặc biệt là khi được chính quyền đưa vào dạy nghề, nhân rộng nghề.

70% diện tích dược liệu của thôn Nghĩa Trai dành để trồng cây cúc chi (cúc hoa vàng) - loài hoa có công dụng chủ yếu là làm trà và dược liệu sau khi sấy khô. Ngoài cúc chi làng còn trồng nhiều loại như: Hoắc hương, cổ sâm, mần trầu, tía tô, kinh giới, cốt khí... Mỗi loại đều là một dược liệu quý, được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc nam.

Ông Đỗ Văn Trấn - người dân thôn Nghĩa Trai cho biết, nhờ được học nghề trồng dược liệu mà kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến cây dược liệu của ông ngày càng tốt hơn. "Trồng dược liệu không khó, tiền nhiều hơn trồng lúa, nhưng tốn công. Ngày nào cũng phải ra ruộng kiểm tra sâu bệnh, làm cỏ, bón phân, tưới nước" - ông Trấn nói.

Theo ông Trấn, mỗi kg cây dược liệu khô bán có giá khá cao, từ 30.000 - 50.000 đồng. Nếu có cả ha trồng dược liệu thu nhập có thể tới 300 - 400 triệu đồng/năm.

Theo Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên, nhiều năm gần đây cây dược liệu được chọn là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương ở Hưng Yên. Nắm bắt được điều này, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tiến hành khảo sát và cùng địa phương lên kế hoạch dạy nghề trồng cây dược liệu cho lao động nông thôn.

Tiến hành dạy nghề linh động

Ông Trần Mạnh Hiển - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết, 3 năm gần đây Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vẫn cấp kinh phí đào tạo nghề nông thôn. Năm 2020 Trung ương cấp kinh phí để Hội Nông dân tỉnh mở 5 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.

"Dựa vào từng thời kỳ, trung tâm lên kế hoạch dạy nghề khác nhau. 2 năm trước chúng tôi đào tạo nghề để xóa đói giảm nghèo. Hiện nay thì tập trung đào tạo nghề để bổ sung kiến thức cho các hợp tác xã để họ làm kinh tế" - ông Hiển nói.

Những ngành nghề được nhiều địa phương và nông dân yêu thích, lựa chọn học là: Nghề trồng dược liệu; trồng cây ăn quả có múi (cam, bưởi); trồng hoa; chăn nuôi...

Mặc dù đã rất nỗ lực trong việc kết nối, thực hiện đào tạo nghề, nhưng nhiều năm qua số lượng lớp dạy nghề còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu đăng ký học nghề của nông dân. Ví dụ như tại huyện Văn Lâm, sau khảo sát nhu cầu học nghề của người dân rất đông, đúng ra phải mở 5 lớp nhưng do thiếu kinh phí nên trung tâm chỉ mở được 2 lớp. Số còn lại, phải trung tâm phải phối hợp với doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang tập huấn, chuyển giao kỹ thuật hay bồi dưỡng kiến thức.

Để nâng cao chất lượng dạy nghề, giúp truyền đạt kinh nghiệm tốt nhất tới bà con nông dân, trung tâm thường xuyên mời chuyên gia trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, là các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đến truyền đạt kinh nghiệm.

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, hoạt động dạy nghề cũng gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất lúc này là hạn chế về vấn đề kinh phí. "Kinh phí đã ít lại cấp chậm. Có khi cuối năm mới cấp, trong khi đó, tới thời điểm này rất khó để có triển khai kịp các hoạt động đào tạo dạy nghề. Thêm vào đó, mặc dù có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có nhiều kinh nghiệm để truyền đạt nhưng lại không thể đứng lớp. Lý do là bởi họ không có bằng cấp, không có nghiệp vụ sư phạm" - ông Hiển nói.

Để khắc phục những khó khăn này, nhiều năm nay trung tâm phải nỗ lực, sáng tạo trong hoạt động đào tạo nghề để vừa có thể dạy nghề vừa có thể hỗ trợ nông dân. Đây là cách thức bền vững nhất, để sau dạy nghề, thầy cô vẫn có thể hướng dẫn theo dõi cách thức sản xuất, gieo trồng của nông dân.

"Không chỉ tiến hành đào tạo nghề, trung tâm còn liên kết với doanh nghiệp, tư vấn hỗ trợ cung cấp cây, con giống, phân bón giá rẻ cho nông dân. Sau đó lại tiến hành thu mua sản phẩm bà con. Như năm 2019 trung tâm đã kết nối giúp doanh nghiệp thu mua hơn 200 tấn cam của nông dân ở Kim Động. Năm nay hoạt động này vẫn tiếp tục được triển khai" - ông Hiển nói. Tất nhiên, tất cả hoạt động thu mua, hợp tác đều được thỏa thuận, đàm phán về giá để có lợi cho nông dân nhất. Với cách làm này bà con nông dân được hỗ trợ tối đa, chất lượng sản phẩm, giá trị hàng hóa cũng được nâng tầm rõ rệt. n\

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem