"Vua tiêu" tiết lộ lí do xuất khẩu cà phê, hạt tiêu tăng 33%: Ngồi im một chỗ, doanh nghiệp sẽ “chết”

Minh Huệ (ghi) Thứ ba, ngày 07/03/2023 12:40 PM (GMT+7)
Ông Phan Minh Thông – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh, người được mệnh danh là "vua tiêu" Việt cho biết, khi các doanh nghiệp vẫn đang “ngồi” suy nghĩ về giải pháp, chiến lược, thì Phúc Sinh đã ra nước ngoài đi tìm khách hàng từ lâu. Nhờ đó Phúc Sinh vẫn xuất khẩu rất tốt.
Bình luận 0

2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê, hạt tiêu của Phúc Sinh tăng 33%

Trao đổi với PV NTNN ngày 6/3, ông Phan Minh Thông tiết lộ, mặc dù kim ngạch xuất khẩu cà phê, hạt tiêu, hạt điều của cả nước 2 tháng đầu năm giảm so với cùng kì, nhưng riêng Phúc Sinh vẫn tăng trưởng 33% so với cùng kì năm 2022. 

Hiện Phúc Sinh mới chỉ chiếm khoảng 10-15% thị phần xuất khẩu hạt tiêu, cà phê, hạt điều trong nước (riêng xuất khẩu hạt tiêu chiếm khoảng 45%), do đó doanh nghiệp đã đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 39%. 

Những tưởng trong bối cảnh lạm phát ở nhiều nước tăng cao và dai dẳng, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì cà phê, hạt tiêu, hạt điều sẽ không còn là những loại thực phẩm được người tiêu dùng ưu tiên, song ông Thông khẳng định điều ngược lại. 

"Cà phê, hạt tiêu là mặt hàng thiết yếu chứ. Lâu nay chúng ta nghĩ đơn giản hạt tiêu chỉ là rắc rắc chút xíu lên các món ăn, nhưng hạt tiêu là xúc xích, là thịt nguội, dăm bông, là salami... Không có hạt tiêu thì sẽ không có xúc xích, salami, đó đều là thực phẩm thiết yếu. Tôi đã nhiều lần đi gặp khách hàng ở Mỹ và thấy rằng, người Mỹ không thể thiếu được ly cà phê buổi sáng. Họ không thể tỉnh táo làm việc bình thường được nếu như không có cà phê. Hiểu rõ như thế nên chúng tôi bán được rất nhiều hạt tiêu, cà phê" - ông Thông nói. 

"Vua tiêu" tiết lộ lí do xuất khẩu cà phê, hạt tiêu tăng 33%: Ngồi im một chỗ, doanh nghiệp sẽ “chết” - Ảnh 1.

Công ty CP Phúc Sinh rất chăm chỉ đưa hàng đi giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm. Ảnh: Nguyên Vỹ

Người được mệnh danh là "vua tiêu" Việt Nam, là doanh nghiệp trong tốp 4 xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước cho biết, kinh nghiệm của Phúc Sinh là phải đi mọi nơi tìm đơn hàng, luôn chủ động tìm khách hàng, luôn suy nghĩ tích cực. Hiểu rõ thị trường, hiểu rõ khách hàng là bí quyết đem lại thành công cho doanh nghiệp. 

"Nói chán qua điện thoại, qua các ứng dụng trò chuyện, nhưng không bằng một bữa ăn tối với khách hàng đâu. Trong những chuyến đi đó, mình sẽ hiểu được những thay đổi của thị trường, của văn hóa tiêu dùng đất nước họ, nắm bắt cách thức mua hàng… Chi phí cho các chuyến đi cũng khá nhiều, làm giảm lợi nhuận, nhưng nếu chỉ ngồi im một chỗ thì càng chết, không bán được hàng thì không có doanh thu” – ông Thông nói. 

Vào các dịp đầu năm, Phúc Sinh đều lên kế hoạch cho các chuyến đi như vậy, sẵn sàng dành một phần kinh phí không nhỏ cho marketing, xúc tiến thị trường. 

Cũng theo ông Thông, 2 tháng đầu năm 2023, thị trường truyền thống của Phúc Sinh giảm, nhưng lại tăng lên ở thị trường mới. Ví dụ nhiều khách hàng Mỹ trước đây chỉ uống trà thì nay đã dùng nhiều cà phê hơn; hay thị trường Trung Đông, sản lượng tiêu thụ cà phê đang tăng nhanh. 

Về xu hướng thị trường nông sản năm 2023, ông Thông phân tích: Giá cả hàng nông sản sẽ tăng lên, nhất là sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp khắt khe phòng chống dịch Covid-19. Trung bình một năm, Trung Quốc nhập khoảng 40.000 - 50.000 tấn hạt tiêu, nhưng khi dịch Covid-19 xảy ra, họ chỉ nhập có 10.000 tấn. 

Vì vậy khi mọi thứ quay lại bình thường, xu hướng tăng giá là tất yếu và không ai cưỡng lại được, ví dụ như câu chuyện sầu riêng thời gian qua là minh chứng rất rõ. Thị trường Trung Quốc mở cửa là ăn hàng ầm ầm. 

“Vua tiêu” Phan Minh Thông kể: “Bạn tôi làm ở cửa khẩu nói rằng, từ khi Trung Quốc mở cửa đến nay, họ mua mọi thứ, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng rất lớn. Mặc dù Phúc Sinh không xuất sản phẩm gì sang Trung Quốc nhưng chúng tôi cũng bị ảnh hưởng rõ rệt. Bởi các doanh nghiệp khác sẽ đẩy giá thu mua nguyên liệu để làm hàng sang Trung Quốc, kéo theo mọi thứ trên thị trường tăng giá”. 

“Xuất khẩu nông sản năm 2023 vẫn sẽ có những điểm sáng, nhưng điểm sáng đó sẽ chỉ đem lại kết quả khi chúng ta tích cực di chuyển, tìm tòi, đổi mới, đồng thời tạo điều kiện hoàn thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Bên cạnh đó, về phía các doanh nghiệp nên chủ động đi ra ngoài tìm khách hàng, quảng bá sản phẩm” – ông Thông kiến nghị. 

"Vua tiêu" tiết lộ lí do xuất khẩu cà phê, hạt tiêu tăng 33%: Ngồi im một chỗ, doanh nghiệp sẽ “chết” - Ảnh 3.

"Vua tiêu" tiết lộ lí do xuất khẩu cà phê, hạt tiêu tăng 33%: Ngồi im một chỗ, doanh nghiệp sẽ “chết” - Ảnh 4.

Khách hàng đến từ nước Đức trải nghiệm cà phê tại cửa hàng K COFFEE và mua về dùng.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt kim ngạch 703 triệu USD (giảm 14,6%), hạt điều 327 triệu USD (giảm 14,3%), hạt tiêu 129 triệu USD (giảm 7,4%), gạo 417 triệu USD (giảm 10,8%)...

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho rằng trước sức ép cạnh tranh và diễn biến thị trường hiện tại, cà phê Việt Nam cần nhanh chóng tìm chỗ đứng cho mình. Con đường duy nhất là doanh nghiệp phải đầu tư vào chiều sâu, trồng các loại giống có năng suất cao, tạo ra những sản phẩm cà phê có sự khác biệt, đồng thời xây dựng thị trường hàng hóa bền vững.

Giai đoạn này, doanh nghiệp cũng cần được Bộ NNPTNT, các tổ chức quốc tế, các nhà rang xay hàng đầu thế giới hỗ trợ thông qua các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế như: 4C, Rain Forest, Fairtrade...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem