Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, đến nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Nguyên nhân chính khiến GDP quý I thấp là xuất khẩu sụt giảm
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nguyên nhân quý I/2023 kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn là do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, lạm phát toàn cầu tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn... đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của nước ta. Kết quả này đã khiến cho GDP quý I tăng thấp (tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023), khá áp lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2023.
Hiện tại, các tổ chức quốc tế đều có dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 thấp hơn năm 2022 từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm. Tại khu vực Đông Nam Á, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế của Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan năm 2023, lần lượt giảm 0,2, 0,5, 0,5 và 0,7 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2022. Nhìn tương quan, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó và thể hiện rất rõ trong tăng trưởng quý I chỉ ước đạt 3,32%, thấp hơn 1,72 điểm phần trăm so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 là 5,05%); thấp hơn 2,28 điểm phần trăm so với kịch bản của Nghị quyết 01 (5,6%) và chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Tăng trưởng chủ yếu nằm ở khu vực dịch vụ và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi khu vực công nghiệp vốn luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế lại suy giảm.
Việc các nước giảm nhập khẩu từ Việt Nam không phải do năng lực của doanh nghiệp Việt Nam yếu kém, khả năng cạnh tranh thấp mà do nền kinh tế của nhiều nước đang gặp khó khăn nên họ thắt chặt tiêu dùng.
TS Đinh Thế Hiển
Theo chuyên gia này, Chính phủ đã nhìn thấy khó khăn này từ quý III/2022 và cũng dự đoán sự suy giảm này sẽ kéo đến hết quý II/2023 mới trở lại phục hồi.
TS. Đinh Thế Hiển phân tích thêm, bên cạnh nguyên nhân khách quan từ sự sụt giảm của kinh tế thế giới thì kinh tế trong nước cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều công ty thiếu việc làm, cắt giảm nhân sự. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đều giảm trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại gia tăng. Nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng trưởng thấp. Bên cạnh đó, thị trường tài chính và bất động sản trong nước cũng đang giảm, tác động đến lĩnh vực xây dựng và các ngành liên quan. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/3 mới chỉ đạt 1,61% (cùng kỳ năm trước tăng 4,03%); việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân chưa đáp ứng yêu cầu. Trong đầu tư công, mặc dù Chính phủ và các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, nhưng kết quả giải ngân chưa cao. Hiện tại, thị trường Trung Quốc chưa trở lại trạng thái bình thường do hậu quả của đại dịch Covid-19, đến thời điểm này vẫn chưa mở cửa hoàn toàn với Việt Nam nên hàng hóa xuất, nhập khẩu chưa thể thông thương.
"Việc các nước giảm nhập khẩu từ Việt Nam không phải do năng lực của doanh nghiệp Việt Nam yếu kém, khả năng cạnh tranh thấp mà do nền kinh tế của nhiều nước đang gặp khó khăn nên họ thắt chặt tiêu dùng. Với những vấn đề này, chúng ta đã từng gặp trong giai đoạn 2008-2009 khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng lúc đó chúng ta vẫn đạt mục tiêu GDP là lúc đó chúng ta vẫn đạt chỉ tiêu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, với quý I/2023, chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Đó là do dòng tiền nội địa đã mắc kẹt ở những nhà đầu tư bất động sản. Nếu như những năm 2008-2009, dòng tiền chỉ mắc kẹt ở những nhà đầu tư bất động sản lớn tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… thì đến thời điểm này, dòng tiền bị mắc kẹt ở cả các nhà đầu tư bất động sản địa phương, nhỏ lẻ, ở khắp nơi. Như vậy, dòng tiền bị mắc dẫn đến thị trường không có dòng tiền xoay vòng để tiêu dùng, sản xuất. Còn nếu như hệ thống ngân hàng cung tiền ra lúc này để kích thích nền kinh tế thì vô tình dòng tiền lại đi vào đầu tư tài chính. Điều này lại là nguy cơ. Vì thế, khi nhận định được vấn đề này, Chính phủ phải có giải pháp để tháo gỡ", TS. Hiển phân tích.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, những vấn đề trên chính là thách thức với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2023 của Việt Nam.
Bên cạnh những khó khăn như vậy, chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Đó là từ nay đến cuối năm, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh sẽ có tác dụng thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực. Đây là nguồn vốn mồi thúc đẩy đầu tư tư nhân, thúc đẩy sản xuất, kích cầu nền kinh tế phát triển.
Song song với đó là động thái giảm lãi suất của các ngân hàng thời gian gần đây sẽ giúp cho tiêu dùng nội địa tăng, kích thích sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm dần. Ngoài ra, ngành nông nghiệp do đặc thù không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là "trụ đỡ" vững chắc của nền kinh tế. Và thời gian tới, Trung Quốc mở cửa biên giới và bỏ giới hạn đi lại quốc tế sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, kết nối nguồn cung nhập khẩu nguyên vật liệu bị gián đoạn do dịch bệnh, cũng là cơ hội để ngành du lịch xây dựng các chương trình chính sách thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Những giải pháp trước mắt và ngắn hạn cần thiết
TS. Đinh Thế Hiển nhận định, với những khó khăn trên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong năm 2023 sẽ là một thách thức đối với nền kinh tế trong nước. Vì thế, để thực hiện mục tiêu này, rất cần nỗ lực lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
TS. Hiển đề xuất Chính phủ theo dõi sát diễn biến của kinh tế thế giới, đặc biệt chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản…, bởi những nền kinh tế này ảnh hưởng rất lớn tới thương mại với Việt Nam, từ đó đưa ra dự báo sát nhất; đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, khai thác hiệu quả các thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
"Tôi cho rằng khả năng phải từ quý III/2023 thì nền kinh tế mới phục hồi để tạo cơ sở cho xuất khẩu của Việt Nam tăng. Như vậy trong quý II này, chúng ta cần tập trung nguồn lực cho các công ty xuất khẩu của Việt Nam", TS. Đinh Thế Hiển nói.
TS Đinh Thế Hiển
Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, Chính phủ cần thực hiện có hiệu quả các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra; trong đó tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thông qua các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm. Việc tập trung giải ngân đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân chính là để kích thích sản xuất phát triển.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng được tiếp cận vốn; kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Đặc biệt cần tập trung đấy mạnh phát triển kinh tế du lịch.
TS. Hiển chia sẻ: "Chúng ta chính thức mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2022, nhưng đến nay ngành du lịch của chúng ta đang thua rất xa Thái Lan. Vậy ở đây chính sách về thu hút du lịch của chúng ta đang có vấn đề cần sửa đổi. Phải chăng sự kết nối giữa chính sách kinh tế và chính sách du lịch còn rời rạc. Chúng ta nên hiểu rằng, nguồn tiền thu từ du lịch là nguồn tiền "tươi", tiền mặt. Dòng tiền này sẽ trực tiếp giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dịch vụ của chúng ta".
Thứ ba, Chính phủ và các bộ, ngành cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyển thống, cụ thể các thị trường Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin...
Thứ tư, Chính phủ cần có dòng tiền đẩy mạnh vào tiêu dùng nội địa. Dòng tiền này cần phải đưa vào đúng đối tượng lao động bằng các hình thức hỗ trợ bởi khi người lao động có tiền để tiêu sẽ giúp đẩy mạnh sức mua trong nước, từ đó nâng cao cầu nội địa.
"Đây là những giải pháp cần thiết, trước mắt và ngắn hạn. Nếu như chúng ta giải quyết được những khó khăn này thì nền kinh tế sẽ có cơ sở đưa tăng trưởng GDP trở lại như mục tiêu mà chúng ta mong muốn", TS. Đinh Thế Hiển nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.