Xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM: Vướng mắc do văn bản, quy định... chưa thông

Quang Phương Thứ ba, ngày 05/10/2021 10:46 AM (GMT+7)
Thời gian qua, mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM đã chính thức đi vào đời sống, nhưng một số vướng mắc đã gây không ít khó khăn trong quá trình hoạt động của mô hình này.
Bình luận 0

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa ký văn bản (1/10) gửi Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021 của Chính phủ.

Chưa có phương án thay thế, bãi bỏ văn bản cũ

Một trong những vướng mắc lớn khiến chính quyền các quận, phường gặp khó đó là việc thay thế, bãi bỏ văn bản của Hội đồng nhân dân (HĐND) quận, phường đã ban hành.

UBND TP.HCM cho biết: Các quy định pháp luật (kể cả Nghị định Quy định chi tiết và biện pháp thi hành tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM) chưa quy định việc cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc thay thế, bãi bỏ nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND quận, phường khi chính quyền địa phương ở quận, phường không tổ chức HĐND.

Xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM còn nhiều vướng mắc do văn bản hành chính, quy định, luật... chưa thông - Ảnh 1.

Mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM đang hoạt động. Trong ảnh là một góc trung tâm TP.HCM. Ảnh: Baochinhphu

Trường hợp vận dụng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì cũng không thể thay thế, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật được xem là "văn bản trái luật" của HĐND phường vì Nghị quyết số 131/2020/QH14 không tổ chức HĐND quận.

UBND TP.HCM cũng cho biết, việc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của UBND phường cũng đang "rối". 

Theo luật, UBND phường có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Và văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM, các quy định pháp luật (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) chưa quy định việc thay thế, bãi bỏ quyết định quy phạm pháp luật của UBND phường được ban hành trước thời điểm thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 sau khi UBND phường thực hiện rà soát văn bản theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 139 Nghị định số 34/2016 của Chính phủ.

Cần thêm cơ chế riêng cho TP.Thủ Đức

Trong khi đó, việc cập nhật tên đơn vị hành chính mới cũng đang gặp trở ngại. 

UBND TP.HCM cho biết, Bộ Tư pháp chưa cập nhật tên đơn vị hành chính mới là TP.Thủ Đức thay cho 3 tên đơn vị hành chính cũ (quận 2, quận 9, quận Thủ Đức) trên phần mềm Công cụ hộ tịch.

Do đó công chức phụ trách hộ tịch tại UBND của 34 phường trên địa bàn TP.Thủ Đức gặp khó khăn trong việc thực hiện phần mềm liên thông với cơ quan bảo hiểm xã hội. 

Đồng thời, công chức tư pháp tại Phòng Tư pháp không thể in trực tiếp giấy tờ hộ tịch từ phần mềm mà phải thực hiện bằng phương pháp thủ công, mất nhiều thời gian và dễ bị sai sót.

Xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM còn nhiều vướng mắc do văn bản hành chính, quy định, luật... chưa thông - Ảnh 3.

Trụ sở UBND TP.Thủ Đức. Đây là thành phố được xây dựng theo mô hình chính quyền đô thị: thành phố thuộc thành phố. Ảnh CTV.

Ngoài ra, phần mềm thống kê của Bộ Tư pháp cũng chưa cập nhật tên đơn vị hành chính TP.Thủ Đức. Do đó khi thực hiện báo cáo thống kê định kỳ 6 tháng đầu năm, Phòng tư pháp TP.Thủ Đức phải thực hiện báo cáo thống kê bằng tài khoản của 3 Phòng Tư pháp cũ, gây mất nhiều thời gian và việc tổng hợp số liệu rất khó khăn.

Về biên chế, công chức phường cũng đang gặp vướng mắc trong việc bổ nhiệm Phó Chủ tịch UBND phường đối với trường hợp là người hoạt động không chuyên trách. Theo Nghị định 131/2020 quy định Phó Chủ tịch là công chức thuộc biên chế của UBND quận. 

Như vậy, trường hợp người hoạt động không chuyên trách được bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch phường, phải được thực hiện tiếp nhận vào làm công chức (công chức từ cấp huyện trở lên) trước khi bổ nhiệm chức danh phó chủ tịch phường.

Tuy nhiên người hoạt động không chuyên trách phường không thuộc đối tượng và không đủ điều kiện để thực hiện tiếp nhận vào làm công chức theo Nghị định 138/2020 của Chính phủ, quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM còn nhiều vướng mắc do văn bản hành chính, quy định, luật... chưa thông - Ảnh 4.

Người dân TP.Thủ Đức tham gia giao thông trên tuyến Xa lộ Hà Nội, tuyến đường chạy ngang TP.Thủ Đức. Ảnh: Quang Phương

Ngoài ra, theo UBND TP.HCM, theo các quy định thì ngân sách TP.Thủ Đức là ngân sách cấp huyện, sẽ không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ nhưng TP.Thủ Đức có Phòng Khoa học và công nghệ.

TP.Thủ Đức được kỳ vọng là khu đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tương tác cao của phía Đông TP.HCM, là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh Đông Nam Bộ và mở rộng áp dụng các dịch vụ và sản phẩm công nghệ 4.0 tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa vào cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức: Giao nhiệm vụ chi khoa học và công nghệ cho TP.Thủ Đức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem