Xu hướng du lịch 2022: Du lịch biển và du lịch thiên nhiên được ưa chuộng

Huy Hoàng Thứ hai, ngày 31/01/2022 14:53 PM (GMT+7)
Những tháng cuối năm 2021 nhu cầu đi du lịch nội địa đã tăng lên, mặc dù mới con số còn khiêm tốn, với những nhóm nhỏ, lẻ gia đình đi du lịch nhưng điều đó chứng tỏ du lịch nội địa đang ấm dần, điều này là tín hiệu, động lực cho những người làm du lịch.
Bình luận 0

Du lịch biển và du lịch thiên nhiên được lựa chọn nhiều

Xu hướng du lịch 2022: Du lịch biển và du lịch thiên nhiên được ưa chuộng - Ảnh 1.

Du khách ưa thích đi du lịch thiên nhiên. Đây là rừng trúc tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Huy Hoàng

Nhu cầu và xu hướng khách du lịch năm 2022 là gì, bài toán cho người làm du lịch

Đặc biệt là sau khi việc tiêm chủng vaccine được thúc đẩy "thần tốc", Việt Nam chạm mốc 150 triệu liều vaccine Covid-19, đã có 100% người từ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất một liều vaccine, 90% người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19. Việt Nam đứng top 6 trên thế về tỷ lệ tiêm chủng, đây được coi là thành công của Việt Nam trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử...

Với việc tiêm chủng này, du lịch cuối năm trở nên sôi động hơn với các tour, tuyến, khách sạn được đặt nhiều hơn, các chuyến bay cũng tăng chuyến và tăng giá vé.

Theo thống kê của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã có một cuộc khảo sát, đặt câu hỏi với 10.717 du khách ở mọi lứa tuổi về nhu cầu đi du lịch.

Cụ thể gần 90% số người trả lời muốn đi du lịch ngay trong vòng 10 tháng tới, trong đó 27% số người trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay trong tháng đầu.

Du khách TPHCM sẵn sàng đi du lịch sớm hơn (118 ngày – 3,9 tháng), du khách Hà Nội và các tỉnh có xu hướng đi du lịch muộn hơn (143 ngày – 4,8 tháng).

Xu hướng du lịch 2022: Du lịch biển và du lịch thiên nhiên được ưa chuộng - Ảnh 2.

Xu hướng đi du lịch biển cũng được du khách lựa chọn nhiều.

Xu hướng đi du lịch trong điều kiện bình thường mới là đi du lịch ngắn ngày, theo nhóm nhỏ. 

Theo khảo sát tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thì du lịch ngắn ngày là xu hướng chính: Khoảng 45% số người trả lời lựa chọn tour 2-3 ngày; TB 4,1 ngày.

Xu hướng đi du lịch theo nhóm nhỏ thân quen: Khoảng 78% số người trả lời lựa chọn đi theo nhóm gia đình (nhất là du khách Hà Nội – 59%) hoặc nhóm bạn bè.

Ngoài ra nhu cầu đi máy bay và xe riêng cũng khá nhiều, 65% du khách, nhất là du khách Hà Nội và TPHCM vẫn có xu hướng lựa chọn đi du lịch bằng máy bay, còn nhu cầu đi xe khách giảm 10% do tác động của Covid-19.

Khách trẻ tuổi và lớn tuổi vẫn có xu hướng lựa chọn đi máy bay (62%). Khách trung tuổi giảm lựa chọn đi máy bay (56%) và lựa chọn đi xe riêng nhiều hơn (32%).

Bên cạnh xu hướng du lịch đi như vậy, thì du khách cũng đặt quan tâm lên hàng đầu về an toàn và giá tương xứng của điểm đến.

Chia sẻ về nhu cầu đi du lịch năm 2022, ông Thanh Hải, trú tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: "Dù tôi và gia đình tiêm đủ ba mũi nhưng nghe nói ở một số địa phương vẫn không cho du khách đến vì nói họ đến từ vùng cam và đỏ. Hoặc cho đi thì ở đầu huyện này bắt xét nghiệm nhanh, sang đầu huyện khác lại test tiếp. Điều này gây phiền phức và tôi thấy không cần thiết, vì vậy mà gia đình tôi chưa muốn đi du lịch"

Chia sẻ thêm về nhua cầu đi du lịch năm 2022, ông Thanh Hải cho hay muốn đi trải nghiệm biển và thiên nhiên.

Điều này cũng đúng với cuộc khảo sát của TAB, ông Hoàng Nhân Chính – Thư ký của Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết, qua khảo sát 3 tháng là tháng 9,10, 12 thì thấy hoạt động ưu tiên đó là du lịch biển và du lịch thiên nhiên.

Nghỉ dưỡng biển vẫn là nhu cầu lớn nhất của du khách ở cả 3 lần khảo sát. Nhu cầu khám phá thiên nhiên đứng thứ 2 và có xu hướng tăng nhiều so với lần khảo sát trước đây (56% với 48%). Nhu cầu thưởng thức ẩm thực luôn giữ vị trí cao. Xu hướng giảm gồm: Du lịch vui chơi, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch tâm linh, tín ngưỡng

"So với du khách cùng nhóm tuổi thì khách trẻ tuổi quan tâm nhiều hơn đến ẩm thực, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng núi, vui chơi lễ hội. Khách trung tuổi quan tâm nhiều hơn đến nghỉ dưỡng biển. Khách lớn tuổi quan tâm nhiều hơn đến du lịch văn hóa, chăm sóc sức khỏe, tâm linh tín ngưỡng và ít quan tâm hơn đến ẩm thực, vui chơi lễ hội", ông Hoàng Nhân Chính cho hay.

Xu hướng du lịch 2022: Du lịch biển và du lịch thiên nhiên được ưa chuộng - Ảnh 3.

Hồ Ba Bể , tỉnh Bắc Kạn được nhìn từ trên cao với những thửa ruộng xanh màu mạ và thửa ruộng chưa cấy mạ tạo nên bức tranh độc đạo và tuyệt đẹp.

Bên cạnh đó, thì nhu cầu của khách đặt dịch vụ trực tuyến và trực tiếp thì so với du khách cùng nhóm tuổi thì khách trẻ tuổi xu hướng đặt dịch vụ trực tuyến nhiều nhất (51%). Khách lớn tuổi xu hướng đặt trực tiếp (41%) hoặc đặt qua công ty du lịch (35%) nhiều hơn. Khách trung tuổi xu hướng đặt dịch vụ trực tiếp với nhà cung cấp dịch vụ nhiều hơn (44%). Các công ty du lịch cần có chính sách phù hợp để giữ nhóm khách lớn tuổi, là nhóm khách trung thành, đồng thời cần đổi mới kênh đặt dịch vụ đối với nhóm khách trung tuổi để thu hút trở lại.

Chia sẻ sau cuộc khảo sát, ông Hoàng Nhân Chính cho biết: "Có ba điều mới của xu hướng và nhu cầu đi du lịch của du khách, thứ nhất là du khách quan tâm nhiều đến an toàn dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới (tiêm vaccine, thực hiện khai báo y tế, xét nghiệm nhanh). Du khách nội địa coi yếu tố an toàn dịch bệnh là quan trọng nhất. Đồng thời các thông tin du lịch, an toàn dịch bệnh cũng là những thông tin được khách tìm kiếm nhiều nhất.

Thứ hai phát triển mạnh nhu cầu của du khách trong việc sử dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ du lịch. Tiếp thị số đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu điểm đến và sản phẩm du lịch. 

Thứ ba: Nhiều mối lo ngại của du khách cần được giải tỏa để yên tâm đi du lịch. Du khách lo ngại nhiều nhất khi đi du lịch nếu bị cách ly khi đến hoặc khi quay về nhà, bùng phát dịch trong khi đi du lịch và những hạn chế đi lại khác nhau giữa các địa phương. Tỷ lệ khách mong muốn đi du lịch bằng phương tiện cá nhân đã tăng lên đáng kể"

Xu hướng du lịch 2022: Du lịch biển và du lịch thiên nhiên được ưa chuộng - Ảnh 4.

Bến thuyền tại Hồ Ba Bể, Bắc Kạn.

Nhìn nhận và đánh giá xu thế du lịch năm 2022, ông Nguyễn Quốc Kỳ cũng cho rằng, khách du lịch có xu hướng đi du lịch ngắn ngày. Do đó, các điểm đến, đơn vị lưu trú cần tái cấu trúc về cơ cấu, quy trình, sản phẩm, công nghệ và nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của du khách. 

Đây là một yếu tố cần thiết giúp đảm bảo an toàn về dịch bệnh và chi phí cho hoạt động phục hồi và phát triển sau đại dịch. Đồng thời cần có sự kết hợp chặt chẽ, nhất quán và đồng bộ hơn nữa từ các cơ quan chức năng, địa phương và doanh nghiệp du lịch để tạo ra sự nhất quán trong quá trình khôi phục, vượt qua khó khăn của toàn ngành du lịch.

Khắc phục cơ chế chính sách, chuyển đối số hóa và đẩy mạnh xúc tiến du lịch

Bên cạnh thống kê và nắm bắt xu hướng, nhu cầu của khách du lịch, thì việc khiến các doanh nghiệp du lich, lữ hành, các tỉnh, thành cũng đang đau đầu đó là những giải pháp nào để phục hồi sớm nhất ngành du lịch nội địa. Chia sẻ về điều này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du Lịch Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi toàn diện cấu trúc xã hội, sự thay đổi đó mang tính lâu dài, đưa hoạt động của toàn xã hội sang một trạng thái mới với những điều trước đây cho là không bình thường thì nay là bình thường. 

Những điều mà trước đây nằm trong kế hoạch phấn đấu để thực hiện thì nay trong điều kiện bắt buộc phải thực hiện đã triển khai nhanh hơn, đã ứng dụng nhanh hơn vào cuộc sống.

Xu hướng du lịch 2022: Du lịch biển và du lịch thiên nhiên được ưa chuộng - Ảnh 5.

Giải pháp cho người làm du lịch là phải đổi mới công tác xúc tiến du lịch thông qua các ứng dụng maketing số, internet vạn vật, số hóa các tài nguyên du lịch, khai thác các mạng xã hội để đưa thông tin du lịch đến với cả thế giới, đi đầu trong hoạt động này là các điểm, khu du lịch.

Tổ chức ngày càng nhiều các hoạt động trực tuyến (hội thảo, hội nghị trực tuyến, hội chợ trực tuyến, đại hội trực tuyến,...). Phối hợp giữa các hoạt động xúc tiến trực tiếp và trực tuyến đang trở thành xu thế của công tác xúc tiến du lịch.

Đồng thời chúng ta cũng cần đổi mới công tác xây dựng sản phẩm du lịch, làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống , do có sự thay đổi nhu cầu của khách du lịch nhằm đảm bảo sự an toàn và xử lý linh hoạt các tình huống có thể xảy ra khi thực hiện chương trình du lịch, các doanh nghiệp du lịch cần làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống bằng việc bổ sung các biện pháp an toàn, chọn lựa các lộ trình, các điểm thăm quan, ăn nghỉ, mua sắm đủ điều kiện, liên hệ với các cơ sở y tế, các cơ quan có trách nhiệm để có thể giải quyết tình huống.

Xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch mới phù hợp với trạng thái bình thường mới. Cụ thể chúng ta phải ứng dụng công nghệ số để chọn lựa các điểm đến, các cơ sở dịch vụ phù hợp và tạo sự chủ động trong quá trình triển khai các chương trình du lịch. 

Các sản phẩm du lịch văn hóa, kiến trúc, phong cảnh ở ngay tại địa phương (nhằm đáp ứng nhu cầu đi ngắn thời gian, đi gần, đi nhóm nhỏ). Các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng, nhấn mạnh yếu tố du lịch xanh (điểm đến xanh, tuyến du lịch xanh, cơ sở dịch vụ du lịch xanh,...).

Phát triển du lịch thể thao, nhằm khai thác sự quan tâm nâng cao sức khỏe của người dân sau đại dịch như: Du lịch Golf; Du lịch chạy bộ, đi bộ, bơi lội; Các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó thì phát triển các dịch vụ du lịch như dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Cung cấp hàng hóa cho khách du lịch; Xây dựng và khai thác các giá trị độc đáo, khác biệt của Ẩm thực Việt Nam, đưa Ẩm thực trở thành một sản phẩm nổi bật của Du lịch Việt Nam.

Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết: "Để phục hồi và phát triển nhanh trở lại, bên cạnh nỗ lực vượt lên khó khăn của các doanh nghiệp, còn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các cấp quản lý ngành. Chính sách phòng chống dịch ở các cơ quan chính quyền cần có chính sách đón khách an toàn, linh hoạt kèm theo đó là cơ chế và quy trình rõ ràng. Các chính sách phòng chống dịch phải nhất quán và đồng bộ giữa các địa phương trên cả nước vì liên quan đến hành trình tour.

Các chính sách thuế: tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp… có cơ chế hỗ trợ tốt hơn và thời hạn dài hơn 3-5 năm để kích thích doanh nghiệp phục hồi.

Phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch: Có những chính sách giữ chân người lao động du lịch thông qua việc tăng cường công tác đào tạo, có chính sách hỗ trợ cho vay đối với lao động du lịch…

Xu hướng du lịch 2022: Du lịch biển và du lịch thiên nhiên được ưa chuộng - Ảnh 6.

Theo ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Flamingo Redtours thì cho rằng, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương sẽ căn cứ vào đặc thù, hoàn cảnh riêng của mình, thị trường mục tiêu để tìm cho mình một con đường phù hợp trong từng giai đoạn. 

Song theo quan điểm cá nhân, hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới nên lưu ý Tuân thủ và đề cao yếu tố an toàn; Tạo sự linh hoạt trong cung ứng và tổ chức dịch vụ như xây dựng sản phẩm cần phải tính toán theo hướng mở, thuận lợi xử lý, điều chỉnh linh hoạt. Chủ động của khách hàng trong việc tạo sản phẩm của mình. 

Đồng thời cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự kinh doanh của Doanh nghiệp Du lịch cần thay đổi, theo ông Nguyễn Công Hoan, thời gian tới, các chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, lịch sử, y tế môi trường, nhân chủng học, tâm lý kỹ năng sống …sẽ có sự hợp tác rất chặt chẽ với những người làm du lịch. Tính sáng tạo, giá trị chuyên môn sẽ được đề cao hơn các yếu tố về giá cả. 

Giảm các khâu trung gian và tập trung vào dịch vụ đầu – cuối trong quy trình cung cấp sản phẩm Du lịch. Nếu như trước đây, vai trò của lữ hành phần lớn là trung gian, qua nhiều khâu, nhiều cấp thì với xu hướng cá biệt hóa sản phẩm tới từng nhóm đối tượng khách hàng, với xu hướng ứng dụng công nghệ thì du lịch sẽ tập trung vào hai công đoạn đầu – cuối: Tương tác trực tiếp với khách hàng để nắm bắt, tiếp nhận nhu cầu; Trực tiếp cung ứng, tổ chức dịch vụ tại điểm đến D.M.C…

Xu hướng du lịch 2022: Du lịch biển và du lịch thiên nhiên được ưa chuộng - Ảnh 7.

Đặc biệt ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh về công nghệ số sẽ được áp dụng rộng rãi hơn và có phần quan trọng quyết định thành công của Doanh nghiệp cung ứng và tổ chức thực hiện dịch vụ.

Bên cạnh những giải pháp, khó khăn được các doanh nghiệp đưa ra thì những sản phẩm cũng là giải pháp trong năm 2022, theo ông Phùng Quang Thắng - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đã có những phân tích về sản phẩm du lịch hấp dẫn, nhu cầu của khách du lịch; Những loại hình sản phẩm du lịch quan trọng đảm bảo an toàn trong bối cảnh mới.

Cụ thể về du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có du lịch biển; Du lịch vùng núi và cao nguyên. Ngoài ra là du lịch tại khu vực có tài nguyên tự nhiên khác như du lịch nông thôn; du lịch cộng đồng; du lịch mạo hiểm; Chuyển đổi số và sản phẩm du lịch…

Như vậy mặc dù đã có những khảo sát nhu cầu, điểm đến của du khách, tuy nhiên để phục hồi phần nào cũng như duy trì được hoạt động du lịch thường xuyên vẫn đang là bài toán khó cho những người làm du lịch. Mặc dù thời điểm này đã không còn sự cạnh tranh, kèn cựa, "giữ miếng" trong mỗi doanh nghiệp, mà là sự hợp tác, kết nối và cùng bắt tay để vực ngành du lịch, hút khách du lịch nội địa và quốc tế nhiều hơn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem