Dân "vây" máy móc vì mỏ đá gây ô nhiễm
Mặc dù đi vào hoạt động chưa lâu nhưng mỏ khai thác đá của Công ty kinh doanh Xuất nhập khẩu Quang Đức (Công ty Quang Đức, trụ sở 29A Trường Chinh, phường Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai) ở làng Bẹk, xã Ia Bă (huyện Ia Grai) gặp phải sự phản ứng dữ dội từ người dân. Có thời điểm, do quá bức xúc, người dân tụ tập đông người tạm giữ phương tiện máy móc đang khai thác đá để yêu cầu công ty làm việc với dân.
Mỏ đá bị người dân phản ứng dữ đội vì gây ô nhiễm tới cây trồng, sức khỏe
Các hộ dân phản ánh quá trình nổ mìn khai thác đá và vận chuyển gây ô nhiễm, làm chết cây trồng, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Sau nhiều lần ý kiến bất thành, các hộ dân nơi đây tiếp tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng cấp trên cầu cứu.
Chị Hà Thị Thúy (thôn Thanh Bình, xã Ia Bă) có vườn cà phê sát mỏ đá cho biết: "Trước đây, vườn cà phê 1,8ha của tôi rất xanh tốt nhưng nay héo úa, bắt đầu chết cành vì bụi đất, đá bám vào cây do hoạt động nổ mìn khai thác đá. Có khả năng tới đây vườn cây sẽ mất trắng. Bụi đá còn bám vào gốc gây khô nóng, rễ cây không phát triển được".
Thậm chí, việc nổ mìn là, đá văng vào vườn cây, dân đi làm sợ đá bay trúng người. Ngoài ra, một số tuyến đường nhỏ trong làng đều được người dân treo biển cấm vì sợ xe quá tải chạy vào phá hư hỏng.
“Thực tế vườn tôi cùng nhiều hộ gần kề đây có tình trạng giống nhau, hoa ra nụ nhưng không bung được vì bụi bám, nhiều cây ra hoa nhưng không đậu quả, có cây thì héo cành. Vườn tôi mua ban đầu gần 1 tỷ, mấy năm nay bỏ ra không ít tiền và giờ đang nợ ngân hàng 800 triệu, nếu cà phê chết thì lấy đâu ra tiền mà trả”, chị Thúy nói.
Vườn cây của chị Thúy bắt đầu héo úa, chết cành do bụi
Theo báo cáo của UBND xã Ia Bă, việc khai thác và vận chuyển đá không chỉ ảnh hưởng đến các vườn cây gần mỏ mà còn gây bụi, khí thải, tiếng ồn đến cộng đồng dân cư xung quanh và trên tuyến đường vận chuyển khoáng sản. Mặt khác, đường có tải trọng 10 tấn nhưng xe chở đá nặng trên 20 tấn.
Yêu cầu tạm dừng hoạt động
Giữa năm 2017, mỏ đá của Công ty Quang Đức được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo đất trên diện tích gần 4ha. Nhưng từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2017 đã bị người dân phản ứng do ô nhiễm.
Trước sự việc “dân làm căng” do ảnh hưởng đến hoa màu và đời sống, ngày 19.3 UBND huyện Ia Grai phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Gia Lai tổ chức buổi đối thoại giữa Công ty Quang Đức với các hộ dân liên quan.
Tại buổi làm việc, người dân yêu cầu công ty bồi thường thỏa đáng mới cho mỏ đá hoạt động lại. Tuy nhiên, đại diện Công ty Quang Đức lại đề nghị các cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác định chính xác nguyên nhân khiến cà phê bị héo khô, chết yểu. Nếu do bụi từ mỏ đá thì công ty mới có phương án đền bù.
Lo sợ cà phê chết trắng, dân yêu cầu công ty đền bù nếu không giải quyết thì ngăn không cho hoạt động
Do chưa có sự thống nhất giữa các bên, ngày 22.3 Sở TN&MT Gia Lai phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định thiệt hại của người dân. Qua đó xác định, phía Công ty Quang Đức đã chưa nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cụ thể, chưa niêm yết công khai kế hoạch bảo vệ môi trường của mỏ đá tại UBND xã Ia Bă; chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; việc thực hiện tưới nước khu vực chế biến và vận chuyển giai đoạn đầu chưa thường xuyên. Lúc khai thác, nổ mìn tại mỏ đá phát sinh bụi và đất đá ảnh hưởng đến một phần hoa màu khiến cà phê đậu quả thấp, cành khô héo.
Do đó, Sở TN&MT yêu cầu mỏ đá tạm dừng hoạt động, thực hiện đầy đủ theo cam kết bảo vệ môi trường và yêu
Ngày 30.3, UBND huyện Ia Grai vừa có văn bản yêu cầu phòng TN&MT và UBND xã Ia Bă “xử lý việc khai thác đá trái phép tại xã Ia Bă” báo cáo về huyện trước ngày 5.4. Đồng thời, yêu cầu xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể xã Ia Bă để xảy ra vụ việc. Theo báo cáo, chiều 22.3 huyện phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra mỏ đá của Công ty Quang Đức thì phát hiện 2 điểm khai thác đá trái phép cách đó khoảng 200 mét, xác định chủ đất là ông Hoàng Văn Hạnh (xã Ia Hrung) và ông Đỗ Công Dũng (xã Ia Bă).
|
cầu Công ty phối hợp với UBND xã Ia Bă làm việc với các hộ dân xác định giá trị thiệt hại để có phương án đền bù. Khi nào giải quyết ổn thỏa mới với dân thì mỏ đá mới được phép hoạt động trở lại.
Theo ông Dương Mah Tiệp - Chủ tịch UBND huyện Ia Grai mỏ đá của Công ty Quang Đức đã được tỉnh cấp phép và có đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, sau khi dân có ý kiến, huyện đã cho kiểm tra và xác nhận trong quá trình khai thác đá có bụi bám lên cây cà phê, gây ảnh hưởng đến cây cà phê là chính xác. Các cơ quan chức năng đang thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ, đền bù thỏa đáng cho dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.