T-34 là một trong các xe tăng tốt nhất của Thế chiến 2, nhờ vào không chỉ các đặc điểm kỹ thuật xuất sắc của nó mà còn vì sự can đảm đặc biệt của kíp xe, khiến cho những cỗ xe tăng Liên Xô làm được nhiều điều phi thường, như một mình chống lại cả một sư đoàn Đức và thậm chí còn giành chiến thắng...
Xe tăng Liên Xô thời Thế chiến 2 (ảnh tư liệu).
1. Tả xung hữu đột vào lưng địch
Vào ngày 17/10/1941, Lữ đoàn Xe tăng số 21 của Hồng quân Liên Xô xuất hiện ở ngoại ô thành phố Kalinin (nay là Tver), khi đó bị quân đội phát xít Đức chiếm đóng. Các xe tăng nhận được lệnh tiến công vào hậu tuyến địch, vòng tránh thành phố, và kết nối với binh sĩ Hồng quân.
Trong cuộc đột kích, một xe T-34 do Trung sĩ Stepan Gorobets chỉ huy bị lạc khỏi đội hình chính. Do vô tuyến điện bị hỏng, kíp xe tăng này không biết lữ đoàn của mình đã bị một cuộc không kích chặn đứng và nhóm của Gorobets đang đơn thương độc mã tiến về vị trí quân địch.
Sau khi chiếc T-34 của Gorobets phá hủy một đội xe máy địch trên đường đi, chiếc xe bất ngờ nằm ngay giữa sân bay của quân Đức. Khi đó lính Đức kinh hãi trước sự táo bạo của chiếc xe tăng Liên Xô đơn độc và ngỡ ngàng theo dõi chiếc T-34 này phá hủy 2 máy bay Junkers 87 và các thùng nhiên liệu rồi thẳng tiến tới Kalinin.
Tới Kalinin, chỉ huy chiếc xe tăng T-34 nhận ra kíp xe của mình đang đơn độc và sẽ không nhận được yểm trợ từ các xe tăng đồng đội. Để tới được chỗ có bộ binh Liên Xô, Gorobets đã phải điều khiển xe tăng dưới hỏa lực dữ dội của địch giữa trung tâm thành phố Kalini, nơi có đầy lính Đức. Gorobets đã phải đè bẹp một khẩu pháo địch và đâm va vào xe tăng đối phương dọc đường tiến.
Cuối cùng thì chiếc xe tăng T-34 cùng tới được vị trí của binh sĩ Liên Xô, những người đã tung hô kíp xe như những anh hùng. Chiếc xe lúc đó vẫn bốc cháy, thành xe lỗ chỗ vết thủng do đạn pháo địch, và một khẩu súng của xe đã bị hỏng.
2. Đột phá bất ngờ
Vào mùa đông khắc nghiệt năm 1942, một xe tăng T-34 do Đại úy Gavriil Polovchenya chỉ huy bị kẹt trên sông gần thị trấn Andreapol. Kíp xe lúc đó phải đợi chờ cứu trợ vì quân Đức đã đến và vây kín chiếc xe.
Polovchenya ra lệnh cho kíp xe lặng thinh mặc dù làm được điều này trong điều kiện giá lạnh là vô cùng khó.
Dù không mở được nắp xe, nhóm lính Đức lại quả quyết rằng chiếc xe đã bị bỏ đi và chúng cùng nhau kéo xe ra khỏi con sông. Vào ngày 15/1, quân Đức đưa xe T-34 của Polovchenya tới Andreapol, trong khi kíp xe ở bên trong vẫn tiếp tục cố gắng giữ yên lặng như chết.
Vào lúc 5h sáng ngày 16/1, kíp xe tăng T-34 này quyết định mở đường máu. Xe lao thẳng ra giữa đường của thị trấn, bắn và nghiền nát quân địch khi đó rất hoảng loạn và lộn xộn. Khi xe tăng này về tới vị trí của Hồng quân, nó đã tiêu diệt hơn 20 lính phát xít Đức, phá hủy 30 xe ô tô quân sự và 10 khẩu pháo địch.
Sau đó quân Đức do bị sốc quá mạnh nên không còn tinh thần kháng cự lại cuộc tiến công của Hồng quân. Thị trấn Andreapol dễ dàng được giải phóng trong ngày hôm đó.
3. Chiến đấu 2 tuần lễ trong đầm lầy
Vào tháng 12/1943, Hồng quân đang giải phóng khu vực đông bắc của đất nước Xô viết. Trong một chiến dịch vào giai đoạn đó, một xe tăng T-34 do trung úy Stepan Tkachenko chỉ huy bị kẹt ở một đầm lầy đã đóng băng một nửa, nằm cách không xa Pskov (Nga).
Toàn bộ kíp xe đã bị trọng thương hoặc hy sinh, chỉ còn duy nhất điện đài viên Viktor Chernyshenko. Trong đêm, anh nhận được sự hỗ trợ của một lái xe tăng khác - Alexey Sokolov. Tuy nhiên nỗ lực của Sokolov để kéo xe của Tkachenko ra khỏi đầm lầy đều vô hiệu.
Nhưng cả Chernyshenko và Sokolov đều quyết định không bỏ xe. Trong 13 ngày liền, họ chống chịu các cuộc tấn công dữ dội của bộ binh phát xít Đức. Hai người chỉ còn vài lon thịt hộp, một ít đường, vài cái bánh bích quy, và chỉ có nước rò rỉ từ đầm lầy vào xe tăng để cầm hơi.
Trong tình trạng lạnh cóng, đói và thiếu ngủ, hai người lính Xô viết phải chống trả lại liên tục các cuộc tấn công của lính Đức. Mãi đến ngày 30/12, đồng đội của họ mới phá vòng vây tiến về chiếc xe T-34. Do bị thương nặng, Alexey Sokolov đã hy sinh vào ngày hôm sau. Chernyshenko thì sống sót trong trận chiến nhưng đã phải cưa hai chân.
Trung Hiếu (VOV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.