Phi công Đức Quốc xã - kẻ diệt 352 máy bay và chưa 1 lần bị bắn hạ là ai?

Đức Hải Thứ sáu, ngày 06/09/2019 19:35 PM (GMT+7)
352 lần diệt máy bay đối phương và chưa một lần bị bắn hạ, lịch sử quân sự vinh danh Erich Alfred Hartmann là phi công Át chủ bài xuất sắc nhất mọi thời đại.
Bình luận 0

Chiến tranh thế giới II ghi nhận những trận không chiến lớn nhất lịch sử. Trong những trận không chiến đẫm máu đó, hàng ngàn phi công đã được vinh danh là những phi công Át chủ bài xuất sắc nhất, tức các phi công có số lần bắn hạ máy bay đối phương từ 5 chiếc trở lên.

img

Kỷ lục 352 lần chiến thắng  không chiến  mà phi công Erich Alfred Hartmann lập nên có thể sẽ không bao giờ bị vượt qua. Ảnh: Wikipedia.

Trong số đó, phi công Erich Alfred Hartmann, phi đoàn tiêm kích JG 52, Không quân Đức là người đạt thành tích cao nhất. Trong những năm Thế chiến II, ông đã thực hiện 1.404 phi vụ chiến đấu trong đó có 850 phi vụ không chiến.

Trong các phi vụ không chiến, Hartmann đã bắn hạ 352 máy bay đối phương, bao gồm 345 máy bay Liên Xô và 7 máy bay Mỹ. Suốt sự nghiệp, 14 lần máy bay của ông bị thiệt hại do các mảnh vỡ từ máy bay mà ông bắn hạ hay trục trặc kỹ thuật.

Ông chưa bao giờ phải hạ cánh do trúng hỏa lực của đối phương, một thành tích mà không phải phi công nào cũng đạt được. Các đồng đội trong Không quân Đức gọi ông với biệt danh "Bubi" còn các phi công Liên Xô gọi ông là "con Quỷ đen".

img

Các phi công Liên Xô thừa nhận Hartmann là một bậc thầy trong kỹ thuật không chiến phục kích. Không quân Liên Xô từng treo giải thưởng 10.000 Rúp cho ai bắn hạ ông. Ảnh: Wikipedia.

Hartmann sinh ngày 19/4/1922 trong một gia đình có mẹ là nữ phi công đầu tiên của Đức và cha là một bác sĩ tại Weissach, Württemberg, Đức. Ông bắt đầu sự nghiệp bay của mình với vai trò phi công tàu lượn trong chương trình đào tạo của Không quân Đức.

Người thầy dạy bay đầu tiên của ông không ai khác chính là mẹ của ông, bà Elisabeth Wilhelmine Machtholf. Năm 1936, chính quyền hỗ trợ bà Machtholf thành lập một trường dạy bay tại Weil im Schönbuch. Tại đây, Hartmann trở thành một giảng viên khi mới 14 tuổi.

Hartmann bắt đầu chương trình huấn luyện bay quân sự vào ngày 1/10/1940 tại trung đoàn không quân số 10 ở Neukuhren. Ngày 3/1/1941 ông bắt đầu thực hành bay với giáo viên  dẫn trong 4 ngày, sau đó, trong 3 tuần ông thực hành bay chỉ một mình. Hartmann hoàn thành chương trình huấn luyện bay cơ bản vào ngày 1/11/1941, sau đó ông tiếp tục được đào tạo chiến đấu nâng cao.

Từ ngày 1/3-22/8/1942 các giáo viên huấn luyện ông để bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109, loại máy bay sau này đã gắn liền với tên tuổi và sự thành công của ông. Tháng 10/1942, ông được điều động đến nhận nhiệm vụ tại phi đoàn tiêm kích JG 52 hoạt động chiến đấu trên mặt trận phía Đông.

Con đường trở thành phi công Át chủ bài xuất sắc nhất mọi thời đại của Hartmann không hề đơn giản. Nhiệm vụ không chiến đầu tiên của ông kết thúc trong thất bại, máy bay phải hạ cánh khẩn cấp do hết nhiên liệu.

Hartmann bị cấm bay 3 ngày do vi phạm hầu hết các quy tắc không chiến. 12 ngày sau, ông lập chiến công đầu tiên khi hạ một chiếc IL-2 của Liên Xô, đến cuối năm 1942 ông chỉ lập thêm một chiến công. Hartmann mất khá nhiều thời gian để khẳng định mình là một phi công xuất sắc.

Trong trận không chiến lớn tại Vòng cung Kursk, ông bắn hạ 7 máy bay đối phương. Đầu tháng 8/1943, con số chiến thắng của ông đã lên đến 50. Tháng 9/1943, ông được bổ nhiệm làm phi đội trưởng phi đội 9, phi đoàn JG 52.

Các phi công Liên Xô từng thừa nhận, Hartmann là một bậc thầy trong kỹ thuật không chiến phục kích. Ông thường sử dụng chiến thuật "từ Mặt trời", tức kỹ thuật bay không chiến theo hướng ánh sáng mặt trời khiến đối phương bị lóa mắt và không nhận ra mình đang bị tấn công.

img

Chiếc tiêm kích Bf 109 sơn màu hoa Tulip đen đặc trưng của Hartmann tại bảo tàng hàng không vũ trụ Evergreen. Ảnh: Wikipedia.

Hartmann chỉ nhấn nút khai hỏa khi cách đối phương 20 mét,  kỹ thuật này cho phép ông giấu vị trí đến phút chót và đối phương không kịp trở tay. 80% số lần chiến thắng của ông dựa trên kỹ thuật không chiến này. Điểm hạn chế là khi tấn công ở cự ly gần, các mãnh vỡ của máy bay đối phương có thể gây nguy hiểm cho máy bay của ông.

14 lần ông phải hạ cánh khẩn cấp do dính phải mãnh vỡ từ máy bay đối phương đã nói lên điều đó. Kỹ thuật không chiến của Hartmann ngày càng trở nên điêu luyện. Ngày 24/8/1944 ông nâng con số chiến thắng của mình lên 301.

Chiến thắng không chiến thứ 352 và cuối cùng của ông diễn ra vào ngày 8/5/1945. Sau đó ông bị bắt bởi sư đoàn bộ binh 90 quân đội Mỹ và giao cho Hồng quân Liên Xô. Hartmann bị kết án tội ác chiến tranh do đã giết chết 780 thường dân trong vụ không kích vào nhà máy bánh mì ở Briansk và phải chịu mức án 25 năm lao động khổ sai.

Năm 1955, ông được phóng thích sau một thỏa thuận giữa chính phủ Tây Đức và Liên Xô. Trở lại Tây Đức ông nhận nhiệm vụ chỉ huy phi đoàn tiêm kích JG 71 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1970.  Hartmann qua đời vào ngày 29/9/1993 ở tuổi 71. Tháng 1/1997, chính phủ Nga đã ra thông báo minh oan cho ông không phải là tội phạm chiến tranh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem