Tuy nhiên, ở Việt Nam, do quy mô canh tác nhỏ, hoạt động sản xuất nông nghiệp thường đan xen với các hoạt động kinh tế khác nên hoạt động du lịch nông nghiệp thường được kết hợp như tham quan ngắm cảnh nông thôn, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống người dân địa phương, homestay…
Theo kinh nghiệm ở Đài Loan, mô hình du lịch nông nghiệp phát triển đã gần 40 năm, giúp nông dân chuyển đổi từ mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp kết hợp giải trí. Các khu vực du lịch nông nghiệp được xây dựng dựa trên nền tảng cụm kinh tế và các trang trại du lịch tư nhân đã tạo nên làn sóng du lịch nông nghiệp ở Đài Loan.
Báo NTNN/Dân Việt tổ chức cho Đoàn Nông dân xuất sắc thăm Đài Loan. Nhiều nông dân mong muốn sẽ tìm ra được giống cam không hạt để phục vụ xuất khẩu, đồng thời được mua các thiết bị, dây chuyền chế biến cam từ Đài Loan.
Đài Loan xác định chủ thể của loại hình du lịch nông nghiệp là chăn nuôi, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Mô hình du lịch nông nghiệp tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp (chè, gạo, hoa, trái cây, rau, cá, gia súc) để phát triển thành du lịch nông nghiệp theo chủ đề, nhằm thúc đẩy du lịch nông nghiệp trở thành một mô hình sống xanh kiểu mẫu, cùng với các chức năng giải trí nghỉ dưỡng, du lịch hồi phục sức khỏe, giáo dục di sản, bảo tồn văn hoá, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế…
Hiện nay, du lịch nông nghiệp được chia thành các khu thắng cảnh và điểm sản xuất nông nghiệp. Điểm sản xuất nông nghiệp trọng điểm gồm 36 nông trường (bao gồm nông trường chăn nuôi). Các trang trại đơn giản cung cấp cho du khách những hoạt động trải nghiệm nông nghiệp.
Ví dụ như vườn cây Tân Phong ở Tân Xã, Đài Trung, du khách đến đây được thưởng thức quả tươi và trải nghiệm hoạt động hái quả trên cây. Đối với trang trại tổng hợp, ngoài việc cung cấp các hoạt động trải nghiệm, nơi đây còn có khu vui chơi giải trí, cung cấp dịch vụ ăn uống và lưu trú cho khách. Tại Nông trường chăn nuôi Flying Cow ở thị trấn Thông Tiêu, huyên Miêu Lật, du khách có thể trải nghiệm hoạt động vắt sữa bò, cho bê con ăn hay thưởng thức lẩu sữa tươi, nghỉ qua đêm tại khu nhà nghỉ và cảm nhận hương sắc thiên nhiên.
Nông dân xuất sắc Nguyễn Đăng Cường (Bắc Ninh) trò chuyện và tìm hiểu về mô hình trồng hoa và dược liệu tại Trung tâm Nghiên cứu dịch vụ giống cây trồng Đại Nam ở TP.Đài Trung, Đài Loan.
Bên cạnh đó là các hoạt động trải nghiệm khác nhau theo từng mùa, tận dụng các nguồn tài nguyên tại chỗ, kết hợp nhập công nghệ tiên tiến và các hoạt động phong phú khiến du khách cảm thấy thú vị và mới mẻ, nhờ đó có sức cạnh tranh cao.
Còn tại Nhật Bản, một trong những quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới nhưng cũng là nơi có nền nông nghiệp phát triển, có nhiều sáng tạo trong việc khai thác sản phẩm nông nghiệp trong phát triển du lịch ở các khu vực nông thôn và miền núi. Một trong những điển hình đó là thị trấn Yufuin thuộc tỉnh Oita, nằm trên quần đảo Kyushu, Nhật Bản.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm tới đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Ảnh: HNM
Về phát triển các sản phẩm du lịch, người dân cố gắng gắn du lịch với hoạt động sản xuất nông nghiệp và phong cảnh làng quê: Tour đạp xe thăm đồng và hái cà chua vào buổi sáng; tour du lịch thăm cánh đồng bằng tàu hỏa... Ngoài ra, họ cũng ý thức bảo tồn các yếu tố truyền thống, gợi lại ký ức cho du khách về cuộc sống nông thôn ngày xưa. |
Cuối của thập kỷ 1970, người nông dân đã nhận thấy cần thiết phải có sự thay đổi trong phát triển kinh tế địa phương. Họ đã xác định các yếu tố để phát triển du lịch của Yufuin là sự kết hợp của sản phẩm nông nghiệp, phong cảnh nông thôn và nước khoáng nóng, mặc dù cả ba yếu tố này nếu so sánh riêng rẽ với các vùng lân cận thì hoàn toàn không thể cạnh tranh.
Sau đó, họ xây dựng quy hoạch phát triển, quy chế quản lý và phát triển du lịch địa phương và thành lập Hội đồng quản lý du lịch, thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý. Họ cũng chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương, tạo sự khác biệt cho điểm đến. Các sản phẩm gắn logo do người dân địa phương tự sản xuất. Trong làng sẽ sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do chính địa phương sản xuất, hạn chế tối đa việc nhập khẩu.
Để phục vụ khách, người dân địa phương khôi phục, bảo tồn các món ăn truyền thống của Yufuin và sáng tạo ra các món ăn mới, sử dụng tối đa nguyên liệu là các sản phẩm nông nghiệp, làm phong phú thêm trải nghiệm cho khách du lịch.
Theo TS Vũ Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch, Việt Nam có lợi thế lớn trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nếu chúng ta biết cách khai thác một cách có hiệu quả và sáng tạo. Một số kinh nghiệm có thể học được như: Các sản phẩm phải sạch, ưu tiên sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; cần được phát triển gắn với sự phát triển cộng đồng ở các khu vực nông thôn, miền núi.
"Trước mắt, cần xác định thị trường chính của du lịch nông nghiệp hiện nay vẫn là thị trường khách du lịch nội địa, đặc biệt đối với người dân sống ở các thành phố lớn. Ngoài ra, thị trường khách du lịch học sinh, sinh viên cũng là một thị trường khách khá lớn thông qua các chương trình, hoạt động du lịch học đường" - ông Nam nói.
Chiều nay (30.3), tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Báo Nông thôn Ngày nay (NTNN)/Dân Việt phối hợp tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường”.
Nằm trong chuỗi sự kiện của Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam lần thứ 6 - VITM 2018, hội thảo nhằm thảo luận, đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp ở nước ta hiện nay, đồng thời bàn về giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp; tạo diễn đàn trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch và truyền thông để hoạt động du lịch nông nghiệp có sự phát triển đột phá, hiệu quả.
Hơn 150 đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, UBND và Sở Du lịch, Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới T.Ư, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cùng nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành... tham dự hội thảo.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.